Bãi tập kết rác thải nằm gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, bãi rác thiết kế sơ sài không các biện pháp xử lý để đảm bảo môi trường.
Nhếch nhác bãi rác tự phát trên các tuyến phố nội đô
Ven lề đường Hoàng Liệt (nơi đối diện UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) dù có biển cấm đổ rác, phế liệu nhưng tại khu vực này xuất hiện khá nhiều bãi rác và vật liệu xây dựng kéo dài cả đoạn phố gồm đủ các loại như gạch, cát, phế liệu xây dựng, túi ni lông, kính, bao bì cũ nát…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi rác trên tồn tại đã lâu do sự thiếu ý thức của người dân trong việc đổ trộm rác thải và tập kết vật liệu bừa bãi tại đây. Chính quyền sở tại cũng đã nhiều lần xử lý các vi phạm, cho thu gom, dọn dẹp nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt.
Tương tự, xung quanh tấm biển đỏ "Cấm đổ rác" tại đoạn ngã ba đường Kim Giang cắt với cầu Kim Giang (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cũng xuất hiện nhiều túi nilon rác sinh hoạt vứt tung tóe trên vỉa hè. Đường Kim Giang là đoạn phố khá hẹp, có mật độ giao thông cao. Việc vứt rác bừa bãi tại đây khiến người dân cảm thấy mất vệ sinh và mỹ quan mỗi khi đi qua tuyến đường này.
Còn trên tuyến phố Giảng Võ, tại đoạn lề đường gần nơi giao cắt phố Giảng Võ với phố Ngọc Khánh, thuộc quận Ba Đình, tình trạng xả rác, vật liệu xây dựng bừa bãi cũng diễn ra khá phổ biến. Ghi nhận tại đây xuất hiện bãi rác nằm chình ình ngay sát lề đường trông rất mất mỹ quan và chiếm hết lối đi của người đi bộ. Theo quan sát, bãi rác này nằm ngay sát mép tường của triển lãm Giảng Võ (cũ). Nơi đây vốn không có trụ sở cơ quan hay cư dân sinh sống nên việc xuất hiện vật liệu phế thải tại đây phải chăng do đơn vị hay cá nhân nào đó có hành vi thiếu ý thức đổ trộm rác? Đáng nói, bãi rác nói trên đã xuất hiện nhiều ngày nay nhưng vẫn chưa thấy công ty vệ sinh hay đơn vị nào đứng ra dọn dẹp. Giảng Võ là tuyến phố xanh, khang trang và có mật độ giao thông đông đúc của Thủ đô nên việc xuất hiện bãi rác tại đây khiến không ít người tham gia giao thông và đi bộ lắc đầu ngán ngẩm.
Xử lý rác thải bằng cách đốt bỏ?
Khói xuất phát từ tình trạng đốt rác thải tại khu vực bãi tập kết rác tạm thời trên đường nội đồng nối 2 xã Hữu Bằng và Dị Nậu (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã khiến người dân đang sống trong cảnh ngột ngạt, khó chịu.
Theo phản ảnh của báo chí, Cách bãi tập kết rác thải trên địa bàn xã Hữu Bằng khoảng 500m đã thấy những cột khói bốc lên cuồn cuộn…
Sau những ngày mưa, con đường vào bãi rác tập kết (cách mặt đường nhựa liên huyện khoảng 100m) bùn, đất trở nên đặc quánh một màu đen xì, níu chân chúng tôi khi bước vào thực địa.
Ngay sau tấm biển “Cấm đổ rác” là hàng đống rác thải kéo dài hàng trăm mét hình thành nên một bãi rác mênh mông với đủ loại rác thải, từ rác thải sinh hoạt cho đến mút, bông, xốp, mùn cưa, rác thải xây dựng được đổ tràn đường, tràn xuống cả ruộng; dòng nước đen ngòm từ bãi rác chảy xuống mép đồng tạo nên thứ nước nhờ nhờ đặc quánh…
Đi sâu vào trong bãi rác, mùi rác, mùi khói, lửa - từ những đống rác đang cháy bốc lên ngùn ngụt, gây ra cảm giác rất khó thở. Cộng với đó là hàng nghìn con ruồi, nhặng vo ve, bay loạn xạ, đeo bám “du khách”… khi đến bãi rác.
“Đây là tập kết rác thải sinh hoạt tạm thời của cả xã Hữu Bằng. Trong thời gian qua, tình trạng đổ rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng từ các xưởng mộc làng nghề truyền thống khiến “núi rác” ngày càng cao và rộng, tràn ra khắp nơi. Nhiều người sau khi đổ rác xong là đốt luôn… khiến nơi đây trở thành khu vực ô nhiễm môi trường nhất xã. Và khói, lửa cứ âm ỉ qua ngày này tháng khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân xung quanh khu vực” - bà Kiều Thị Tin cho biết.
Theo phản ảnh, từ đầu năm 2021 đến nay công tác thu gom xử lý rác tại bãi rác Hữu Bằng là do Tổ trưởng Môi trường xã Hữu Bằng, Hợp tác xã Thành Công thực hiện.
Lượng rác tồn đọng ở bãi hiện nay là của Công ty Minh Quân - đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải trong giai đoạn trước để lại. Lượng rác này còn khoảng hơn 1.000 tấn, song đã bị đốt lẫn với rác thải công nghiệp nên Hợp tác xã Thành Công không thể vận chuyển về bãi Xuân Sơn được. Thêm vào đó, do làng nghề Hữu Bằng không có bãi rác xử lý rác thải công nghiệp nên người dân tự ý mang rác công nghiệp ra đây đổ và đốt khiến bãi rác ngày càng quá tải, gây khó khăn trong việc xử lý…
Để xử lý rác tại bãi tập kết tạm thời, Hợp tác xã Thành Công tổ chức vận chuyển rác 4 ngày/tuần với khối lượng khoảng 50 tấn/ngày. Hiện đơn vị đang ưu tiên thu gom trước tại các bãi nhỏ, bãi nằm dọc đường khiến lượng rác tại xã Hữu Bằng tạm thời bị tồn đọng…
Ông Nguyễn Tuấn Chinh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất - cho biết: "Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác tạm thời thuộc xã Hữu Bằng, trước mắt, Phòng Tài nguyên và Môi trường yêu cầu UBND xã Hữu Bằng tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vứt trộm chất thải, không để bãi rác ngày càng quá tải.
Bãi rác gây ô nhiễm môi trường tại Quảng Ngãi
Cũng trong tỉnh trạng tương tự, Ông Võ Văn Cường, trú thôn An Kim, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, nhà ông chỉ cách bãi rác khoảng 100m nên hứng chịu mùi hồi nồng nặc suốt cả ngày lẫn đêm. Nhiều người trong gia đình ông bị nôn mửa do mùi hôi này. Đặc biệt, bãi rác không có các biện pháp xử lý khiến môi trường bị ô nhiễm.
“Rác thải từ nhiều nơi chở về đây tập kết nhiều nên mỗi khi trời mưa lớn, nước thải từ bãi rác chảy ra môi trường xung quanh, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe của gia đình tôi và các hộ dân lân cận”, ông Cường chia sẻ.
Ông Trần Trúc - trú thôn An Kim cho rằng, bãi rác ô nhiễm, ruồi, mũi thường bay vào nhà đậu trên thức ăn khiến ông và gia đình rất bức xúc. Chưa kể những hôm xảy ra việc đốt trộm rác khiến khói đen bay ra, bầu không khí có mùi hôi rất khó chịu.
“Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm của bãi rác. Tuy nhiên, lãnh đạo xuống kiểm tra nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm về tình trạng này”, ông Trúc nói.
Ông Trịnh Văn Kim, Trưởng thôn An Kim cho biết, bãi rác An Kim không chỉ là nơi tập kết rác của hơn 1.000 hộ dân 2 thôn An Kim, An Hòa và một phần Phước Thọ, xã Tịnh Giang. Vào năm 2005, bãi rác tập trung ở thôn An Kim, xã Tịnh Giang được quy hoạch rộng gần 1.000m2 bố trí gần khu vực nghĩa địa Trũng Bà Quân. Bãi rác này gây ô nhiễm môi trường, trong các buổi tiếp xúc cử tri hoặc họp thôn, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị sự việc này với chính quyền địa phương để có hướng giải quyết, tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Tịnh cho biết, sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân thôn An Kim, lãnh đạo huyện Sơn Tịnh cùng các ngành chức năng xuống kiểm tra thì bãi rác này đã quá tải. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo cho xã tiếp tục tìm bãi chứa khác, xa khu dân cư để lưu chứa tạm thời.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết, các ngành chức năng huyện đã đi kiểm tra, rà soát lại bãi rác của các xã. Trường hợp phát hiện những bãi rác quá tải, ảnh hưởng lớn đến môi trường, người dân xung quanh thì kiến nghị tìm những bãi rác khác trong địa bàn các xã để xử lý tạm thời. Đồng thời chờ Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ đi vào hoạt động thì sẽ tiến hành thu gom và chở về theo hướng dẫn và quy định chung của tỉnh.
“UBND huyện Sơn Tịnh chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với xã khảo sát tìm vị trí thích hợp để không đưa rác vào địa bàn thôn An Kim. Đồng thời có thể sẽ phủ bạt ở khu vực này và chờ xử lý”, ông Cường nói.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.