Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 3 năm 2022 | 16:7

Nhiều địa phương "nỗ lực" giải bài toán rác thải nông thôn

Người dân nông thôn xả rác thải bừa bãi ra môi trường đang là vấn đề nhức nhối của một số địa phương trên địa bàn cả nước. Để giải quyết triệt để tình trạng này, nhiều nơi đã đề ra nhóm giải pháp nhằm kiểm soát rác thải nông thôn.

Thí điểm mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn

Theo số liệu từ Sở TN&MT Sơn La, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đến hết năm 2020 đạt 75%, hết năm 2021 đạt 80%.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng Sơn La vẫn đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn thu gom rộng, trong khi các khu dân cư thưa thớt không tập trung, địa hình chủ yếu là đồi núi gây khó cho công tác quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tập trung. Công tác thu hút đầu tư đối với xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng vướng mắc do điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi, ý thức của người dân về thu gom, phân loại và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đúng nơi quy định còn hạn chế.

 

1-1.jpg
Bãi chôn lấp rác thải huyện Thuận Châu.

 

Tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường… còn diễn ra và khó xử lý. Một số xã đã thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường, tổ, đội thu gom rác thải nhưng hoạt động không thường xuyên, việc thu gom rác chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư vẫn diễn ra… Chất thải nhựa khó phân hủy (với tỷ lệ trong các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ước tính khoảng 6 - 8%) cũng đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Tháng 9/2020, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBDN tỉnh phê duyệt Nhiệm vụ Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vùng nông thôn. Qua việc phân tích, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh để xây dựng các giải pháp khắc phục cụ thể, phù hợp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm, quản lý và kiểm soát chất thải rắn nông thôn kịp thời, hiệu quả nhất.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã triển khai điều tra, thu thập, đánh giá các thông tin, dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của dân cư và các hoạt động kinh tế - xã hội tại 11 huyện (183 xã), mỗi xã lựa chọn khu vực điều tra theo mật độ dân số (cao, trung bình, thấp), phỏng vấn trực tiếp ý kiến người dân, tìm hiểu thực tế phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn của tỉnh Sơn La và xác định những vấn đề bức xúc cần giải quyết

Để đánh giá thành phần, tính chất của chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã chọn 3 xã ngẫu nhiên tại mỗi huyện để thu mẫu, mỗi xã chọn ngẫu nhiên các hộ gia đình để thu toàn bộ chất thải rắn phát sinh trong 24h. Sau khi lấy mẫu ngoài hiện trường, mẫu chất thải rắn sinh hoạt bảo quản và đưa về phòng thí nghiệm phân tích. Mẫu được xử lý và phân loại theo thành phần, khối lượng các nhóm: Nhóm rác thải hữu cơ, nhóm rác thải cháy được, nhóm rác thải không cháy được, nhóm rác thải nguy hại...

Qua đó, đã đánh giá các sức ép với ô nhiễm môi trường, so sánh sự phát thải chất thải rắn sinh hoạt nông thôn qua các năm, giữa các ngành, lĩnh vực với môi trường, sự phát thải chất thải rắn sinh hoạt nông thôn với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, giữa các khu vực nông thôn với nhau. Đánh giá hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và thực trạng công tác quản lý; các thách thức trong bảo vệ môi trường; phương hướng, giải pháp bảo vệ môi trường....

Kết quả, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn năm 2020 của tỉnh Sơn La dao động từ 64,54% đến 77,81%, và có sự chênh lệch không nhiều giữa các huyện. Một số huyện có tỷ lệ thu gom cao như huyện Phù Yên (77,54%), Thuận Châu (77,7%), Mường La (77,81%), Mai Sơn (76,57%), Yên Châu (76,1%). Một số huyện có tỷ lệ thu gom thấp hơn như huyện Mộc Châu (72,25%); Quỳnh Nhai (71,88%); Vân Hồ (71,79%) và thấp nhất là huyện Sông Mã (64,54%).

Trên cơ sở đó, về lâu dài, đề ra các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy cán bộ và thanh tra, kiểm tra; nhóm giải pháp về tăng cường nguồn lực tài chính; nhóm giải pháp về nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ xử lý theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa.

Trước mắt, có thể thực hiện một số biện pháp cấp bách như: Triển khai Thí điểm mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn một số huyện trọng điểm như Mộc Châu, Phù Yên... Xây dựng đề án và thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn cho một số chợ, trung tâm thương mại, công trình công cộng ở một số huyện để có thể tiếp tục triển khai, nhân rộng.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Quán triệt cho nhân dân hiểu và thực hiện trách nhiệm chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Nâng cao nhận thức về môi trường sống đối với người dân vùng nông thôn miền núi như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, có thể áp dụng các biện pháp mạnh như xử phạt hành chính với những cá nhân, hộ gia đình tái vi phạm nhiều lần về vệ sinh môi trường nông thôn như chăn nuôi gia súc thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, đổ thuốc bảo vệ thực vật thừa xuống nguồn nước, vứt rác thải bừa bãi ra môi trường… Qua đó, để người dân có ý thức, chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải, bảo vệ môi trường.

Bảo Lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền 

Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Cao Bằng. Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp phân bố trên 13 xã, thị trấn, dân cư sinh sống không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém.

Tại xã Mông Ân, xã hiện có hơn 1.000 hộ với trên 7.500 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 90%. Trên địa bàn xã chưa có điểm thu gom rác tập trung, rác thải sinh hoạt hàng ngày đã được nhiều hộ dân thu gom vào một chiếc thùng phi bằng sắt, sau đó xử lý bằng cách đốt trực tiếp. Song, vẫn còn một số hộ gia đình “vô tư” xả rác thải trực tiếp ra môi trường, những túi ni lông, rác thải sinh hoạt được tập kết ngay cạnh nhà không khác gì một bãi rác công cộng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới đời sống của những hộ dân xung quanh. Việc đốt rác thủ công cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường do khói và độc chất phát sinh trong quá trình đốt.

Trao đổi về tình trạng thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã, ông Nông Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mông Ân chia sẻ: Để thay đổi nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Vì vậy, xã đã kiên trì tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi thói quen xả rác thải bừa bãi ra môi trường.

 

t61.jpg
Một số hộ gia đình ở khu vực nông thôn vẫn có thói quen tập kết rác thải ngay cạnh nhà.

 

“Cái khó khăn nhất hiện nay của xã là nguồn kinh phí để đầu tư bãi thu gom, xử lý rác thải tập trung. Năm 2019, huyện đã cấp thùng phi sắt cho các hộ dân trong xã để thu gom, xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải bằng cách đốt trong thùng phi sắt chỉ được vài tháng là thùng bị hư hỏng nên không đem lại hiệu quả”, Chủ tịch UBND xã Mông Ân cho biết thêm.

Để giải “bài toán” về BVMT, khắc phục ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân cần phải được đặt lên hàng đầu. Ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Vấn đề xử lý rác thải trong thực hiện tiêu chí môi trường đối với huyện Bảo Lâm là vấn đề nan giải. UBND huyện Bảo Lâm thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân, nhất là ở vùng nông thôn thực hiện tốt công tác BVMT, thu gom, xử lý rác thải. Hàng năm, huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải nông thôn, lò đốt rác thải cho các hộ gia đình tại các xã. Năm 2022, huyện Bảo Lâm phân bổ 1,6 tỷ đồng cho 13 xã, thị trấn để thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Song, công tác BVMT khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Bảo Lâm vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do địa hình chia cắt, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung dẫn đến khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải tập trung và đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ công tác BVMT. Chưa có tổ, đội thu gom, xử lý rác thải tại các khu dân cư nông thôn sinh sống phân tán. Trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do đó nhận thức về BVMT của một số bộ phận người dân còn hạn chế…

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT. Thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng một số hạng mục như: lò đốt rác thải sinh hoạt phân tán tại các khu vực nông thôn, hỗ trợ kinh phí các xã, thị trấn thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt… “Năm 2022, từ nguồn kinh phí 10 tỷ đồng do UBND tỉnh Cao Bằng phân bổ, huyện Bảo Lâm sẽ triển khai xây dựng dự án xử lý, nâng cấp, cải tạo bãi chôn lấp rác thải tại thị trấn Pác Miầu nhằm xử lý lượng rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực thị trấn và một số vùng lân cận” - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh chia sẻ thêm.

Vẫn là bài toán khó 

So với đô thị, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trước hết, mặc dù là nước ta là nước nông nghiệp nhưng việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải ở khu vực này còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Chủ yếu kinh phí do người dân đóng góp chỉ đủ trả thù lao cho người thu gom rác.

Trong khi đó, công việc thu gom rác hàng ngày thường vất vả, tiếp xúc với chất độc hại, mà tiền công thấp, không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, nên ít người muốn làm. Thế nhưng, các địa điểm chỉ định để thu gom rác thải hàng ngày từ các hộ dân thường thưa thớt hơn và ở cách xa khu dân cư nên việc vứt rác không thể thuận tiện như trong thành phố.

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, có một lợi thế khi xử lý rác thải nông thôn, đó là lượng rác chiếm phần lớn là rác hữu cơ. Người dân thường có thói quen chôn lấp chúng ngay trong vườn nhà. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá nông thôn nhanh chóng như ngày nay, rác vô cơ ngày càng nhiều lên, trở thành một vấn đề nhức nhối trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn. Dễ thấy nhất trên các tuyến đường nội đồng, nội bản, liên xã, huyện, tại khu vực sinh sống đến các khu vực vắng vẻ xa khu dân cư là túi ni lông, chai nhựa, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, các loại rác sau thu hoạch nông nghiệp,…

Theo các chuyên gia, giai đoạn 2021-2025, yêu cầu chúng ta phải có những biện pháp rất tích cực, triệt để và căn cơ thì mới giải quyết được “bài toán” về rác thải nông thôn. Đáng nói, muốn giải quyết triệt để và tối ưu vấn đề rác thải sinh hoạt, bắt buộc người dân phải phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, bao lâu nay, việc kêu gọi người dân tự phân loại rác trước khi thải bỏ vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể. Bởi còn quá nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ hóa quy trình phân loại tại nguồn cho tới thu gom, xử lý khiến việc tái chế, tái sử dụng rác thải cũng gần như… “đi vào ngõ cụt”.

 

13-day-chuyen-phan-loai-rac-cua-thanh-dong-1623766572252369914492.jpg
Dây chuyền phân loại rác tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Bình Dương .Ảnh: THÀNH ĐỒNG

 

Do đó, phân loại rác đầu nguồn là việc khó khăn nhưng vẫn phải làm bởi không có cách nào khác. Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không chỉ đơn giản nói đến việc giữ gìn nhà cửa, làng xóm xanh – sạch – đẹp, mà đã được mở rộng hơn, bao gồm cả những hoạt động tiêu dùng bền vững như hạn chế tối đa túi ni lông, các đồ nhựa dùng một lần, sử dụng tối ưu thực phẩm, tăng cường tái sử dụng.

GS, TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường cho biết, Việt Nam đã làm chủ công nghệ xử lý chất thải, có tỷ lệ nội địa hóa đến 90%. Hiện nay, phần lớn công nghệ xử lý chất thải sử dụng công nghệ trong nước. Riêng công nghệ lò đốt chất thải phát điện đang phải nhập khẩu. Đối với công nghệ xử lý rác thải ở nông thôn không phải là vấn đề, hiện các công nghệ đã có sẵn trên thị trường, doanh nghiệp có thể đáp ứng chỉ trong một thời gian ngắn.

Trong khoảng ba năm gần đây, xu hướng các địa phương chuyển từ chôn lấp sang sử dụng công nghệ đốt, với các hạng mục phân loại rác trước khi đốt để làm phân vi sinh, và tro xỉ làm vật liệu xây dựng khá phổ biến. Tuy vậy, từ thực tiễn nhiều địa phương không thể triển khai được hệ thống xử lý chất thải này do người dân phản ứng địa điểm lắp đặt. Do vậy, Nhà nước cần có giải pháp để người dân thấy được trách nhiệm của người phát thải rác, thay vì Nhà nước đầu tư toàn bộ hệ thống nhưng người dân lại “từ chối”.

Để phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại, thân thiện môi trường ở Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền cho rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành có liên quan nhanh chóng xây dựng và ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo hướng giảm chôn lấp, tăng cường tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải. Kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng nhập khẩu công nghệ không phù hợp, nhất là nhập khẩu lò đốt công nghệ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải…

GS, TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đề nghị, cần đẩy mạnh hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chuyên gia nghiên cứu về môi trường Hàn Trần Việt (Viện Khoa học môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường đầu tư nguồn lực hỗ trợ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn bằng việc đa dạng hóa các hình thức, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường thu hút các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ; tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tái chế, tái sử dụng..

Từ thực tiễn cho thấy, để giải quyết căn cơ, hiệu quả vấn đề thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức hướng dẫn, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đi liền với đó là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực này.

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top