Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 8 năm 2016 | 1:35

Rác thải nông thôn Hà Nội: Thực trạng buồn

Vẫn biết rác thải nông thôn không phải là chủ đề mới, nhưng nhiều năm nay, TP. Hà Nội - đặc biệt là ở các huyện ngoại thành - vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán này, và không ít nơi chấp nhận “sống chung với rác”.

Ranh giới chung của xã Phụng Châu và Tiên Phương trở thành điểm tập kết rác “bất đắc dĩ” cho hai xã.

Sống chung với rác

Rác của mỗi nhà không nhiều nhưng của cả làng, cả xã gộp lại thì đó là một gánh nặng khá lớn cho vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng ngoại thành Hà Nội – nơi vốn được xem là khá “sạch” và ít có nguy cơ xấu đối với môi trường tự nhiên.

Mục sở thị qua các xã Phụng Châu, Tiên Phương, Ngọc Hòa… của huyện Chương Mỹ, thật không khó để bắt gặp những bao rác thải vứt một cách bừa bãi. Dọc đường, dưới bụi cây, rìa đồng… hoặc bất cứ một khoảng trống nào tận dụng được cũng có rác.

Chúng tôi có mặt ở một trong những điểm “nóng” về vấn đề rác thải nông thôn của xã Phụng Châu - khu vực cổng Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội - nơi tập kết rác thải sinh hoạt của gần 1.600 người dân thôn Phượng Đồng. Với đủ các loại rác thải từ xác động vật, nội tạng gia súc, gia cầm, hoa quả thối, túi ni - lông…, tất cả đều được đem ra đổ ở ven đường, một cảnh tượng ngổn ngang, bừa bãi cộng mùi xú uế bốc lên nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một người dân (xin được giấu tên) bán nước cạnh cổng Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội cho hay: “Nếu các anh phản ánh để chuyển được bãi rác này đi chỗ khác thì tốt cho chúng tôi quá. Họ tập kết ở đây lâu rồi, hàng ngày bốc mùi hôi thối khó chịu, nhất là khi có gió, nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa”.

Theo anh Trịnh Văn Vĩ (đội 6, xóm Phượng Đồng), người sống ở khu vực này 15 năm, bãi rác tồn tại đã 9 năm. “Trước đây chỉ là một cái thùng nhỏ nhưng dần dần người dân vứt bừa bãi, trở thành điểm tập kết rác. Đây là bãi tự phát, các thôn gần đây gộp lại, người dân đã phản ánh nhiều lần lên các cơ quan chức năng nhưng đâu vẫn đấy. Con đường này nối ra QL 6A nhưng vì người ta làm gạch, rồi vứt rác nên hầu như không ai đi nữa. Trước đây tôi có quán bán tạp hóa, dịch vụ thuê xe máy, trà nước nhưng vì sự tồn tại của bãi rác này nên cũng đành từ bỏ 3 năm nay”, anh Vĩ  nói.

Ông Nguyễn Duy Quyết, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội, cho hay: “Ngày nắng nóng, mùi rác thải bốc lên nồng nặc. Nhà trường đã nhiều lần đề nghị xã Phụng Châu di chuyển bãi rác để không gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm cảnh quan nhưng chưa được giải quyết”.

Tiếp tục “vi hành” đến xã Tiên Phương, cảnh tượng về rác thải cũng không khác gì Phụng Châu. Men theo con đường đến chân núi Trầm, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là ngổn ngang rác thải ngay gần chân núi. Đủ các loại từ chổi cùn, rế rách đến “thượng vàng hạ cám”…, cả những thứ không gọi nên lời người ta cũng mang ra vứt chềnh ềnh, ngổn ngang ngay lề đường gần chân núi, làm phá vỡ cảnh quan du lịch vốn có của ngọn núi trứ danh bao năm nay.

Theo ông Vũ Tri Thời (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương) thì: “Bãi rác này là ranh giới giữa hai xã Tiên Phương và Phụng Châu. Hai xã đổ chung, ao cá nuôi cạnh bị ảnh hưởng từ nước của bãi rác ngấm xuống khiến cá chết hàng loạt. Mỗi khi đi qua đoạn đường, hầu như ai cũng phải nín thở trước sự ô nhiễm của nó”.

Cần một cử chỉ đẹp

Mỗi ngày, các vùng ngoại thành Hà Nội thải ra lượng rác sinh hoạt khá lớn. Nhưng có thể vì hướng dẫn chưa tới hay chưa có quy định cụ thể về xử lý rác thải của các cấp chính quyền mà rác thải nhà nào, nhà ấy tự xử lý theo cách riêng của mình. Và cách xử lý được áp dụng nhiều nhất, triệt để nhất là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể. Nhà nọ thấy nhà kia đổ cũng làm theo và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp xóm. Mỗi ngày tích tụ một ít cho đến khi số rác thải đó bốc mùi thì mới được chính quyền chú ý.

Nhiều nơi, để xử lý số rác thải chất như núi, chính quyền lại huy động nhân dân tiến hành thu dọn, vệ sinh môi trường, hốt rác đi… đổ ở nơi khác. Hoặc thành lập đội thu gom rác ở các thôn. Khi chính quyền xã, thôn can thiệp, không cho nhân dân đổ rác bừa bãi trong địa phận dân cư thì rác lại ùn ùn kéo nhau ra đồng. Vậy là cánh đồng vốn là nơi để cấy cày từ bao đời nay bỗng nhiên “gánh thêm” một nhiệm vụ: trở thành nơi đổ rác. Mà không chỉ có rác thải sinh hoạt, tất cả bao bì của đủ các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ cũng được nông dân “hồn nhiên” vứt tại chân ruộng.

Địa phương nào có sông hoặc kênh mương chảy qua thì các loại rác thải đều được vứt trôi theo dòng nước. Từ rác hữu cơ đến các loại rác khó phân hủy khác đều được cho vào bao tải. Trôi đi đâu không cần biết, miễn là xa nhà mình.

Còn một nơi tập kết khác nhiều rác của các vùng quê, đó là các khu chợ làng. Phần lớn là chợ tạm, bởi vậy rất ít chợ có thể xây dựng được nơi tập kết rác cho riêng mình. Hoặc nếu xây được hố rác thì khi rác đầy cũng không biết xử lý kiểu gì ngoài… đốt. Mỗi khi ban quản lý chợ đốt rác thì cư dân quanh chợ chỉ còn cách đóng chặt cửa, “cố thủ” trong nhà vì sản phẩm của hàng trăm thứ cháy bốc mùi khét lẹt.

Đơn cử như chợ xã Phụng Châu, khu chợ được xây dựng khang trang, quy mô. Nhưng không hiểu vì lý do gì bà con không buôn bán trong chợ mà lại tập trung ra lề đường, còn khu chợ dành cho việc xả rác. Hay khu chợ Cống (xã Ngọc Hòa) cũng là một “điển hình” về vứt rác thải bừa bãi.

Anh Hoàng Tiến Ba, công nhân Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, người thu gom rác ở thôn Cao Sơn (xã Tiến Phương), chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng thu gom từ 6-8 xe rác đầy. Rác thải lớn, nhưng ý thức người dân chưa cao. Mặc dù chi phí để trả cho  thu gom rác chỉ là 3.000 đồng/khẩu/tháng nhưng nhiều nhà không đóng, họ chọn cách vứt rác... bừa bãi”.

Chỉ một hành động nhỏ là phân loại và đổ rác đúng nơi quy định, nhưng dường như với nhiều người đó là việc làm quá khó. Trước khi bàn đến việc vấn đề to tát hơn trong xử lý rác thải, chỉ cần mỗi người dân có ý thức bảo vệ môi trường sống của mình, chắc chắn câu chuyện đã khác rất nhiều.

Nhất Nam

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top