Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 7 năm 2016 | 1:26

Nhiều điểm mới về chính sách nhà ở và thị trường BĐS

Sau một thời gian dài trầm lắng, đầu năm 2013 Chính phủ ban hành một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội hướng tới người nghèo, để sản phẩm BĐS đến được với mọi người dân. Trong đó, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS có những tác động tích cực tới thị trường.

Thay đổi về chính sách trong thời gian qua đã tác động tích cực đến thị trường BĐS.

Tác động tích cực

Theo ông Vũ Văn Phấn, Vụ trưởng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015 và Nghị định của Chính phủ số 76/2015/NĐ - CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2015 đã có những tác động tích cực tới thị trường BĐS. Theo đó, Luật quy định rõ ràng việc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc mua bán, chuyển nhượng, thuê, mua, kinh doanh BĐS cũng như yêu cầu đối với dự án đầu tư BĐS và trách nhiệm của chủ đầu tư kinh doanh BĐS. Nhiều điểm mở rộng hơn so với pháp luật trước đây, như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mở rộng hơn về phạm vi kinh doanh BĐS.

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Văn Phấn nhấn mạnh: “Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015 và Nghị định của Chính phủ số 99/2015/NĐ - CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2015; Nghị định 100/2015/NĐ - CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 đã giúp cho thị trường phát triển tích cực, ổn định, lành mạnh thông qua nhiều chỉ số. Cụ thể, để đảm bảo cho thị trường nhà ở phát triển phù hợp với nhu cầu, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát theo “phong trào”, theo “đám đông” khiến cho cung - cầu bất hợp lý trong thời gian qua, Luật Nhà ở 2014 quy định việc đầu tư các dự án phát triển nhà phải phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn”.

Đồng thời, Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân (kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài) tham gia đầu tư phát triển nhà ở. Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội thông qua nhiều hình thức hỗ trợ như ưu đãi thuế, giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi vay vốn... Ngoài ra cũng mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội

Việc thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, trong đó cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội đã phát huy hiệu quả.

Theo ông Bùi Văn Thuấn, Phó giám đốc Ban tín dụng Học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác - Ngân hàng Chính sách xã hội, qua 12 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi được Thủ tướng Chính phủ giao, được Quốc hội đánh giá là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở, trong đó quy định rõ người có công với cách mạng, thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động trong các doanh nghiệp, cán bộ lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, cán bộ công chức, viên chức, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở; doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức lãi suất cho vay được quy định tại Quyết định số 1013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06/06/2016 áp dụng cho các đối tượng được quy định tại Nghị định số 100/2015 - NĐ - CP cho việc vay vốn để mua, thuê, xây dựng, cải tạo sửa chữa để ở áp dụng mức lãi suất 4,8%/ năm, lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Hiệu lực của quyết định đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.

Liên quan tới một số nội dung mới về sở hữu và mua bán nhà ở trong Luật Nhà ở năm 2014, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho rằng, về vấn đề sở hữu nhà ở, so với quy định trước đây thì quy định mới của Luật Nhà ở năm 2014 đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Từ ngày 01/07/2015, tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài (không phân biệt người có quốc tịch Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam) nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì đều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Cũng theo ông Khởi, nhiều vấn đề bất cập trong chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở đã được Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ ràng, có nhiều quy định thông thoáng hơn. Cụ thể, đối với các trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở. Luật Nhà ở năm 2014 quy định Nhà nước cho phép người mua nhà ở của các chủ đầu tư dự án (bao gồm trường hợp chưa nhận bàn giao hoặc đã nhận bàn giao nhà ở) nếu chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó thì được chuyển nhượng hợp đồng mua bán cho người khác. Đồng thời, Nhà nước cũng mở rộng hơn quyền được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Không chỉ người mua nhà ở của chủ đầu tư dự án mà cả chủ đầu tư và hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ ngoài dự án cũng được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

Minh Tuấn - Lại Hùng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top