Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 12 năm 2021 | 10:19

Nhiều giải pháp hạn chế sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL

Theo các chuyên gia, ở các tỉnh vùng ĐBSCL hiện tượng sụt lún, sạt lở đất tự nhiên đang ở mức báo động. Nguyên do khai thác tài nguyên cát, nước ngầm một cách quá mức, trong khi đó lượng nước, lượng phù sa hàng năm đổ về giảm nghiêm trọng.

Sụt lún ở mức nghiêm trọng

Các chuyên gia nhận định, từ hàng nghìn năm nay, vùng đất ĐBSCL đang nén lại và chìm dần. Quá trình này được bù đắp bởi bồi lắng phù sa trong suốt mùa lũ và bề mặt đất nằm trên mực nước biển. Trong một vài thập kỷ qua, ngập lụt và bồi lắng phù sa đã giảm đi đáng kể nhưng quá trình nén nền đất tiếp tục gây ra sụt lún, sạt lở đất...

Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), nhận định, trên con đường đi đến sự thịnh vượng và bền vững trong tương lai, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi đây là vùng đất rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng thì tình trạng sụt lún, sạt lở đất đang xuất hiện ở nhiều nơi trong khu vực và sẽ mang đến nhiều hệ lụy bất lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh... thời gian tới.

 

 Khai thác cát là một trong những nguyên nhân làm sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL (Ảnh: Thanhnien.vn).

 

Theo thông tin từ các chuyên gia, sụt lún ở vùng ĐBSCL đang là vấn đề cấp bách. Tốc độ sụt lún lên đến 5,7 cm/năm (năm 2019), cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối (35 mm/năm).

Ở các khu vực đô thị như Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực từ nông thôn đến đô thị. Mức độ sụt lún dao động từ 2 đến 4cm/năm và điều này sẽ không ngừng lại. Trong 10 tháng năm 2021, sạt lở bờ sông là hiện tượng thiên tai xuất hiện có cường độ lớn, với 23 điểm sạt lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn và ảnh hưởng 41 căn nhà, tổng chiều dài sạt lở gần 700m gây thiệt hại tài sản trên 7,1 tỉ đồng.

Ở các khu vực nông thôn ĐBSCL, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1cm/năm và dự báo hiện tượng sụt lún tiếp diễn với tốc độ tương tự như những năm qua. Như vậy, sụt lún ở đô thị hay nông thôn đều có xu hướng tiếp tục với cùng cấp độ không giảm so với thời gian trước. 

Các chuyên gia, nguyên nhân gây ra sụt lún chính là do quá trình nén tự nhiên và khai thác tài nguyên khoáng sản cát, nước ngầm… quá mức. Nếu các hoạt động sử dụng nước ngầm hiện nay không thay đổi, thì có khả năng, phần lớn ĐBSCL sẽ bị ngập vào năm 2100. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng sẽ làm tăng độ mặn trong mực nước ngầm. Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, nước ngầm nhiễm mặn là một vấn đề ngày càng gia tăng ở ĐBSCL đặc biệt là ở các vùng ven biển.

 

 Một khu vực bờ bao bị sạt lở tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

 

Trong khi đó, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, tại nhiều khu vực ĐBSCL, nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt. Các tầng chứa nước ở độ sâu khoảng 120m bị khai thác nhưng khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt, dẫn đến rủi ro cạn kiệt, gây sụt lún. Việc khai thác nước ngầm được xem là nguyên nhân chính làm cho hiện tượng sụt lún tại ĐBSCL diễn ra nhanh hơn.

Triển khai nhiều giải pháp

Về giải pháp giảm sụt lún đồng bằng, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH, nhận định, để góp phần hạn chế tốc độ sụt lún, các địa phương vùng ĐBSCL cần ứng dụng các giải pháp cơ sở hạ tầng xanh nhằm làm mới lại các khu vực công cộng trong trung tâm đô thị để tăng không gian cho tích trữ nước, thẩm thấu nước mưa tại các khu vực phát triển đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng công cộng mới, nhằm giải phóng áp lực cho hệ thống nước ngầm.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng xanh sẽ bồi đắp lại lượng nước ngầm thiếu hụt, góp phần hạn chế sụt lún đất trong tương lai… Riêng, tại TP Cần Thơ - Trung tâm đô thị vùng ĐBSCL tiếp tục lập quy hoạch và triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng xanh cho tất cả các quận trung tâm (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng…) để thực hiện giải pháp toàn diện cơ sở hạ tầng xanh tăng cường khả năng chống chịu cho các quận nêu trên…

 

 Bờ kè sông Ô Môn, công trình phòng chống sạt lở của TP. Cần Thơ được đưa vào sử dụng gần đây.

 

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, các yếu tố góp phần gây sụt lún, sạt lở đất như khai thác nước ngầm tại Cà Mau, khai thác cát từ sông… cần được cơ quan chức năng ra quyết định hạn chế hoặc ngưng thực hiện để giảm thiểu sụt lún, sạt lở đất; xác định các giải pháp thích ứng và sống chung với sụt lún đất, hạn chế sạt lở bờ sông. Trong bối cảnh này, những quy định về hạn chế, ngưng bơm nước ngầm, khai thác cát cần nghiêm khắc hơn và thực hiện hiệu quả hơn…

Theo ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Cần Thơ, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về khai thác tài nguyên khoáng sản. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính răn đe tránh tái vi phạm, trong trường hợp cần thiết tiến hành tham mưu UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác cát theo quy định; tiếp tục nhắc nhở các địa phương có mỏ cát thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác … Các hoạt động trên được thực hiện nghiêm túc, góp phần giảm sụt lún, sạt lở xảy ra trên địa bàn thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề khai thác quá mức nguồn nước ngầm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018 Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Triển khai quy định này, Bộ TM&MT lập kế hoạch phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất ở tất cả các tỉnh ở ĐBSCL, với mục tiêu của từng tỉnh là hoàn thành kế hoạch trước ngày 10/2/2022. Các kế hoạch phân vùng cấp tỉnh xác định nơi nào được khai thác nước dưới đất với số lượng bao nhiêu, và phân loại chia thành 5 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, qua triển khai dự án nêu trên tại 4 tỉnh trọng điểm là Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng và Kiên Giang, việc triển khai Nghị định 167 gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thiếu dữ liệu ở cấp tỉnh để phân vùng vì các nghiên cứu về sụt lún hiện nay chỉ ở cấp đồng bằng; thiếu mạng lưới giám sát sụt lún; các sở không đủ tài chính và năng lực kỹ thuật; thiếu liên kết vùng…

 

 Nước ngầm hiện đang được khai thác quá mức tại ĐBSCL nhất là các địa phương ven biển càng khiến tình trạng sụt lún đất trầm trọng hơn (Ảnh: Thanhnien.vn).

 

Cũng theo ông Thiện, chúng ta cần một Quy hoạch tổng thể về quản lý nước ngầm cho toàn ĐBSCL. Nghị định 167/2018 của Chính phủ là yêu cầu từng địa phương tự xây dựng các phân vùng hạn chế khai thác nước ngầm của địa bàn mình. Như vậy, tầng nước ngầm là tầng chung liên tỉnh nhưng nếu mỗi địa phương tự phân vùng thì sẽ khó.

Ở một khía cạnh khác, ông Thiện phân tích, nhức nhối của nông nghiệp là sản xuất quá nhiều số lượng, làm nước mặt của sông ngòi không sử dụng được nữa và chỉ sử dụng nước dưới chân. Và chúng ta đang sụt lún. Nếu tính toán đủ thì nông nghiệp lỗ chứ không lời. Cần cải cách nền nông nghiệp để phục hồi sông ngòi, mới có hy vọng chuyển sang sử dụng nước mặt sông ngòi như cách đây vài chục năm.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top