Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 12 năm 2018 | 13:17

Nhiều kỳ vọng cho cổ phiếu bất động sản

Với chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm, thị trường chứng khoán đã có tốc độ phát triển mạnh cả về quy mô và tính thanh khoản. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của thị trường.

hiih-1.jpg
Nhóm cổ phiếu BĐS hiện đang có nhiều đóng góp vào bức tranh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thanh khoản hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên

Trước những diễn biến của thị trường chứng khoán, mới đây, Tạp chí Thương Gia đã tổ chứng Hội thảo thường niên với chủ đề “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS” nhằm nhìn nhận đánh giá tiềm năng phát triển của nhóm cổ phiếu này. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, chỉ số VN-Index đã vượt qua 900 điểm, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á. Trong đó, nhóm cổ phiếu BĐS đã có nhiều đóng góp vào đà tăng trưởng chung của thị trường. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay có đến hơn 80% mã cổ phiếu BĐS tăng giá.

Hiện, số doanh nghiệp BĐS trên sàn niêm yết đã tăng lên tổng số 57 doanh nghiệp, thanh khoản thị trường hiện đạt hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên. Ngày càng có nhiều sự hiện diện của các quỹ đầu tư vốn nước ngoài, các ngân hàng đầu tư trong cơ cấu sở hữu của những công ty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xu hướng phát triển này sẽ còn tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm đến các doanh nghiệp niêm yết có uy tín để “chọn mặt gửi vàng” trên thị trường BĐS.

Nhìn nhận về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, theo tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, thị trường BĐS đang có một gam màu tương đối sáng. Bên cạnh những yếu tố như giao dịch ổn định, giá không biến động lớn, dòng vốn FDI vào BĐS cũng như số lượng doanh nghiệp BĐS ngày càng tăng.

Tín dụng tăng trưởng 21% tương đương với việc  có khoảng 600.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. So với trước đây, hiện nay, các ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ hơn rủi ro trong cho vay BĐS. Tình trạng lệch pha cung cầu đang có dấu hiệu giảm dần, nguồn cung của chủ đầu tư đang dần phù hợp với phân khúc bình dân và vừa túi tiền của người mua nhà.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: Ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 8-10,5%/năm. Đối với sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung - dài hạn. Điều này giúp thị trường BĐS được hưởng lợi từ các yếu tố về lãi suất. Người mua nhà, chủ đầu tư dự án cũng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ phía ngân hàng. Từ đó, thị trường BĐS trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.

Ở góc nhìn tương tự, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc môi giới Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng những chỉ số vĩ mô đang tạo động lực tăng trưởng chính cho thị trường BĐS trong dài hạn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,2% trong năm 2016,  6,7% năm 2017 và duy trì 6,7% năm 2018, thuộc nhóm dẫn đầu ở khu vực châu Á. Hạ tầng tại 2 đô thị lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội phát triển nhanh đã kích thích sự phát triển của thị trường BĐS.

Mặt khác, khi các ngân hàng “siết” nâng hệ số rủi ro và giảm vốn vay trung dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính và tự chủ hơn. Cấu trúc nguồn vốn đã được cải thiện so với “thời gian tồi tệ” 2012, tỷ lệ vốn chủ sở hữu duy trì mức 40% tổng tài sản là tỷ lệ khá an toàn. Lãi suất giảm giúp giảm chi phí sử dụng vốn, là tín hiệu cho thấy thị trường BĐS sẽ giảm bớt giá trị ảo và đi vào thực chất hơn.

Tiềm năng phát triển của nhóm cổ phiếu BĐS

Theo TS. Sử Ngọc Khương, thị trường BĐS và chứng khoán BĐS đã có sự cải thiện sau thời điểm năm 2012. Cụ thể, thị trường chứng khoán chứng kiến đà tăng trưởng tốt, trong 5 năm từ 2012 đến nay đã tăng từ khoảng 400 điểm lên hơn 900 điểm, số lượng doanh nghiệp niêm yết cùng khối lượng giao dịch trên sàn cũng liên tục tăng.

Cùng với đó, việc thay đổi tầm nhìn sang trung và dài hạn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán lẫn BĐS Việt Nam. Xu hướng phát triển này sẽ còn tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm đến các doanh nghiệp niêm yết tiếng tăm và uy tín để “chọn mặt gửi vàng” trên thị trường BĐS. Điều này sẽ thúc đẩy thêm nguồn vốn vào cả thị trường BĐS cùng thị trường chứng khoán, tăng khối lượng giao dịch và số lượng cổ phiếu niêm yết trở nên đa dạng hơn.

Về tiềm năng phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, nhóm cổ phiếu BĐS đã có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng chung của thị trường. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có đến trên 80% mã cổ phiếu BĐS tăng giá. Từ phiên giao dịch đầu tiên của năm (ngày 3/1/2018) đến cuối tháng qua (30/11/2018), một số mã cổ phiếu BĐS đã tăng giá trên 300%, nhiều mã tăng trên 200%. Các cổ phiếu có tỷ lệ tăng giá từ 50% đến hơn 100% tương đối phổ biến trên cả hai sàn.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc tài chính Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), cho biết, công ty tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi - kinh doanh BĐS. Trong giai đoạn 5 năm tới, với tỷ trọng doanh thu tối thiểu 60 - 70% trong tổng doanh thu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ tối thiểu 25%/năm, tăng cường tích lũy tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

 

 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top