Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 24 tháng 6 năm 2017 | 7:46

Nhiều tiềm năng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng

Với rất nhiều lợi thế, thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn thì BĐS nghỉ dưỡng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro từ câu chuyện về pháp lý, lợi nhuận khiến nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đều phải băn khoăn.

Nhận diện cơ hội đầu tư BĐS nghỉ dưỡng

Những năm gần đây, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng luôn nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS. Với lợi thế đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một nước có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Điều này được thể hiện qua số lượng khách du lịch tăng trưởng hàng năm rất cao. Cụ thể, mức tăng năm 2017 đạt 38% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều tỉnh, thành phố như Bình Thuận, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn luôn được xem là thiên đường du lịch. Ngày nay, BĐS nghỉ dưỡng luôn đón nhận các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Quyết định đầu tư thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố, bên cạnh những lợi thế cũ về cảnh quan, lịch sử thì nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã xây dựng cho mình hình ảnh là những thành phố trẻ và năng động. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều đường bay thẳng cũng được thiết lập để đưa du khách tới với những thiên đường du lịch tại Việt Nam là cơ hội rất lớn cho BĐS nghỉ dưỡng có tiềm năng phát triển.

Cùng quan điểm này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian gần đây đã phát triển mạnh mẽ khi nhiều nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển của ngành du lịch. Tuy nhiên theo ông Võ, du lịch Việt Nam còn biểu hiện sự thiếu bền vững. Nhiều du khách không muốn quay trở lại Việt Nam lần thứ hai khi được hỏi. Việt Nam chưa làm được như những nước trong khu vực và trên thế giới về việc phát triển BĐS du lịch mặc dù có những lợi thế rất lớn. “Chúng ta bên cạnh những di sản dân tộc độc đáo chưa thể tạo ra những yếu tố khác có thể hút khách du lịch nước ngoài”, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng đưa ra 2 nhận diện về tiềm năng phát triển BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Cụ thể, trong 3 năm qua, BĐS nghỉ dưỡng đã phát triển mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư lớn đã đổ tiền vào nhiều dự án. Một chủ đầu tư tại Việt Nam gần đây còn rao bán BĐS cho người nước ngoài tại một hội thảo quốc tế. Một thuận lợi rất lớn khi Việt Nam có hàng nghìn km đường biển, đồng nghĩa việc sẽ thành lập được các khu nghỉ dưỡng tại những vị trí này. Bên cạnh đó, vì BĐS nghỉ dưỡng là một hình thức mới tại Việt Nam nên tiềm năng phát triển là rất lớn. Ngoài ra theo ông Hiếu, để phát triển BĐS nghỉ dưỡng phải dựa vào du lịch. Nếu không thu hút được khách du lịch thì BĐS nghỉ dưỡng sẽ gặp khó khăn do đó tiềm năng phát triển du lịch cũng tác động mạnh mẽ vào việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn của Việt Nam đều tham gia vào cuộc chơi phát triển BĐS nghỉ dưỡng. Cụ thể, Hưng Thịnh Corp với dự án Cam Ranh Mystery Villas, hay nhiều tập đoàn lớn như Novaland, Vingroup hay Sun Group cũng đều phát triển nhiều dự án lớn. Như vậy, việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng của nhiều ông lớn đã được trải dài trên khắp mảnh đất hình chữ S của Việt Nam. “Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế dẫn đầu khu vực. BĐS nghỉ dưỡng có mức giá cho thuê và công suất hoạt động tốt, nguồn cung tương lai có mức tăng trưởng ổn định... Đó là những tiềm năng rất lớn trong việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam”, ông Rudolf Hever, Giám đốc Savill Hotels châu Á - Thái Bình Dương nhận định.

Nhiều rủi ro trong phát triển BĐS nghỉ dưỡng

Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều tiềm năng phát triển, BĐS nghỉ dưỡng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như về pháp lý, lợi nhuận đầu tư, các yếu tố về chính trị, thiên tai… Cụ thể, theo ông Đặng Hùng Võ, hiện pháp luật Việt Nam quy định thời hạn để sở hữu BĐS nghỉ dưỡng chỉ tối đa là 50 năm chứ không phải vĩnh viễn, do đó nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư e ngại điều này. Trao đổi về vấn đề này, bản thân ông Võ cũng ủng hộ việc đất phi nông nghiệp thì nên chuyển sang sử dụng vô thời hạn, đây là cách thức phát triển tốt cho Việt Nam nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc làm giàu. Đồng thời, ủng hộ việc tạo điều kiện để BĐS nghỉ dưỡng được xem là đất sử dụng vô thời hạn. Trên quan điểm này, luật sư Trần Thái Bình cho rằng quyền sở hữu BĐS nghỉ dưỡng chưa được rõ ràng. Cụ thể, hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng chuyên biệt trong kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng. Trong những văn bản đang có, các thuật ngữ về BĐS nghỉ dưỡng, hay condotel thậm chí còn chưa có định nghĩa rõ ràng. Một số chủ đầu tư thậm chí vẫn còn thắc mắc tại sao là condotel hay villatel. Hiện nay không có cơ sở cấp giấy chứng nhận sở hữu đối với các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng và nếu có còn tùy vào từng dự án.

Liên quan tới câu chuyện lợi nhuận cam kết trong việc đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhiều nhà đầu tư cam kết lợi nhuận khoảng 10% mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận 10% này ai sẽ là người đảm bảo? Nếu chủ đầu tư dự án không thực hiện thì người mua phải làm gì. Còn dưới góc độ ngân hàng, các ngân hàng thường cho vay dao động từ 70 - 80% hay thậm chí 100% đối với khách hàng thân thiết có lịch sử trả nợ tốt. Ông Hiếu cũng tin tưởng những ngân hàng đang cho vay hiện nay là liên kết với chủ đầu tư, do đó họ cần cho khách hàng vay tiền để chủ đầu tư trả lại ngân hàng. Còn với những ngân hàng không có liên kết thì liệu có sự mặn mà của ngân hàng hay không? Việc tiếp cận nguồn tiền của khách hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, BĐS nghỉ dưỡng mới ra đời và chưa có tranh chấp lớn, nhưng nếu xảy ra những tranh chấp về pháp lý trong tương lai cũng khó khăn trong việc xử lý.

Còn theo chuyên gia Huy Nam, câu chuyện lợi nhuận 10% thật sự hấp dẫn. Chính sự hấp dẫn này mà trong 3 năm qua, bản thân ông cũng đã có lúc dự định xuống tiền mua một căn. Tuy nhiên, so với các kênh đầu tư khác như thị trường chứng khoán, tính thanh khoản của BĐS nghỉ dưỡng vẫn kém xa. Nói cách khác, “cửa thoát” của đầu tư BĐS nghỉ dưỡng khó khăn hơn các kênh đầu tư tài chính khác nên nhà đầu tư cần cẩn trọng.

Ngoài ra, vấn đề về việc minh bạch thông tin, minh bạch số liệu để tham gia thị trường chưa được công bố rộng rãi. Câu chuyện đầu tư theo đám đông ở Việt Nam cũng là cách tư duy đầu tư thiếu chuyên nghiệp khi không có đủ số liệu trước khi đầu tư vào một dự án. Do đó, các hiệp hội BĐS cần chung tay để có số liệu tốt và cơ quan nhà nước cũng đóng góp để xây dựng cơ sở dữ liệu tốt hơn nhằm giúp thị trường phát triển bền vững...

Mạnh Tiến

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top