Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 8 năm 2017 | 9:11

"Nhiều trí thức trẻ đã dấn thân phục vụ đồng bào, cống hiến cho đất nước"

Đây là sự động viên, ghi nhận và đánh giá quý báu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trong cả nước do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 29/8.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Cần tin tưởng giao nhiệm vụ cho trí thức trẻ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao sự cống hiến, nhiệt huyết và dấn thân phục vụ nhân dân, cống hiến cho đất nước của gần 600 trí thức trẻ ưu tú đã xung phong về các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc 64 huyện nghèo nhất cả nước trong suốt 5 năm qua.

Dự án này đã tạo ra cơ hội để trí thức trẻ có môi trường rèn luyện, trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành, góp phần trẻ hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, hình thành đội ngũ trẻ năng động, sáng tạo, gương mẫu, chủ động, tích cực, trăn trở cùng cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và thăm hỏi ân cần đến các trí thức trẻ và hội nghị. Thủ tướng đánh giá cao các kết quả mà các trí thức trẻ đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng mong rằng, thời gian tới, các trí thức trẻ tiếp tục phát huy thành tích, cống hiến nhiều hơn nữa trong thời gian tới, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém như nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của trí thức trẻ, chưa quan tâm đúng mức, tạo điều kiện cho trí thức trẻ thực hiện nhiệm vụ, chưa coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương, chưa tin tưởng mạnh dạn giao việc và bố trí họ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Hiện còn gần 40% trí thức trẻ dự án bố trí làm công chức chuyên môn cấp xã, một số trí thức trẻ chưa thực sự chủ động trong việc tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền, thiếu kinh nghiệm trong xử lý công việc, chưa mạnh dạn, thẳng thắn góp ý trong hoạt động của UBND xã và cũng có 2 trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.

“Các trí thức trẻ đã lựa chọn dấn thân vì đồng bào, dấn thân vì lý tưởng tuổi trẻ muốn đóng góp cho sự nghiệp chung và sự phát triển của địa phương khi đến với đồng bào khó khăn. Điều này rất đáng khen ngợi vì đã tạo ra kết quả cụ thể trên mỗi địa phương”.

Đến nay, việc thực hiện dự án đã kết thúc, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cần có đánh giá và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tới đây.

Đây là chủ trương đúng nhưng phải có quyết tâm cao, đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với công tác này. Việc bố trí cán bộ trí thức trẻ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn địa phương. Mỗi địa phương khác nhau có đặc điểm riêng như thế mạnh, tiềm năng, khó khăn khác nhau, nên có kế hoạch phát triển khác nhau và cán bộ khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Tới đây, dự án kết thúc, nhưng các địa phương cần tiếp tục có chính sách thu hút trí thức trẻ về cống hiến cho mình.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn  

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các địa phương phải tạo nguồn cán bộ thật tốt. Đó phải là trí thức trẻ có tâm huyết, nhiệt tình cống hiến, hoài bão, hăng hái thực hiện lý tưởng, chứ không phải chỉ là những người hết nhiệm vụ rồi đi. Trí thức trẻ hiện nay được đào tạo bài bản nên có thể đáp ứng đủ năng lực công tác, chỉ một số ít trí thức trẻ cần nỗ lực hơn từng bước đáp ứng công việc. “Trí thức trẻ cần tự tin để làm việc, lãnh đạo cần tin tưởng để giao nhiệm vụ, quá trình làm việc sẽ từng bước rèn luyện, rút kinh nghiệm từ thực tiễn thì sẽ trở thành cán bộ tốt, cán bộ giỏi”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, khi lựa chọn cán bộ rồi thì cần bồi dưỡng, trang bị kỹ năng về điều hành cuộc họp, dân vận, tiếp cận bà con, kiến thức về kinh tế-xã hội, văn hoá phong tục cần thiết để trí thức trẻ có thể phát huy được trong môi trường công tác, hoà nhập tốt với địa phương, cộng đồng dân cư, hiểu biết thấu đáo các vấn đề của địa phương để tham mưu, điều hành công việc ở địa phương. Bộ Nội vụ cần giao cho Học viện Hành chính Quốc gia nghiên cứu chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trí thức trẻ làm việc tại các địa phương sao cho sát thực tế cuộc sống để phát huy tốt nhất khi về cơ sở. Các sáng kiến của trí thức trẻ phải được trân trọng, tổ chức thực hiện nếu có tính khả thi trong cuộc sống.

Theo đó, lãnh đạo các địa phương cần tin tưởng, bố trí công việc, theo dõi kèm cặp, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm để các trí thức trẻ giải được bài toán đầu ra cho các trí thức trẻ, nhất là 148 trí thức trẻ hiện nay chưa được bố trí biên chế công chức.

Hiện nay đã có Thông báo số 06 của Bộ Chính trị nêu rõ: Ưu tiên biên chế cho số trí thức trẻ này, nếu hết thì giải quyết theo công thức “hai người ra, một người vào” biên chế như quy định. Nếu vẫn không còn biên chế thì tỉnh cần đề xuất để Trung ương xem xét, giải quyết.

Giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, ban hành chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại các vùng khó khăn để bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới, đột phá trong công tác cán bộ.

Đối với các đội viên trí thức trẻ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị cần luôn gương mẫu, đi đầu trong công việc, chấp hành tốt sự phân công của cấp có thẩm quyền, nâng cao bản lĩnh chính trị, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để xây dựng hình ảnh người cán bộ trẻ, xứng đáng là đội viên tình nguyện, xây dựng phong cách của người cán bộ trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân, không ngừng nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, giáo dục thế hệ trẻ.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Vẫn còn tình trạng ‘cục bộ, địa phương khi tiếp nhận trí thức trẻ

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, các cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ và đồng thuận chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thu hút trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo trong cả nước. Đây là nguồn nhân lực trẻ để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Các đội viên trí thức trẻ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh; trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, qua đó bản thân các trí thức trẻ cũng nâng cao được phẩm chất và năng lực công tác, đa số đội viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, dự án còn góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồ dưỡng cán bộ, công chức trẻ trong cả nước.

Bên cạnh những ưu điểm trên, báo cáo cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế. Đó là một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa quan tâm đầy đủ việc theo dõi, kiểm tra và giám sát thực hiện dự án và quá trình công tác của trí thức trẻ dự án để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nên có những việc xảy ra ở xã, Trung ương biết nhưng cơ sở không nắm được. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội viên trí thức trẻ ở một số nơi chưa được coi trọng nên ngay từ khi đội viên trí thức trẻ về xã, cấp ủy, chính quyền xã chưa quan tâm, bố trí cán bộ có năng lực theo dõi, giúp đỡ và bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương; đồng thời chưa tin tưởng, mạnh dạn đưa trí thức trẻ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của địa phương. Trong khi đó, một số đội viên chưa chủ động trong việc tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội; còn thụ động trong việc lãnh đạo, điều hành công việc chuyên môn được phân công…

Đáng chú ý, một số tiêu chí tuyển chọn đội viên còn chưa sát với yêu cầu thực tế ở cơ sở, dẫn đến công tác quy hoạch, bồi dưỡng và phân công sử dụng đội viên trí thức trẻ khi kết thúc dự án gặp khó khăn. Việc bố trí, sử dụng đội viên dự án chưa gắn với quy hoạch đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân chính là một số nơi vẫn còn tình trạng cục bộ địa phương trong việc tiếp nhận đội viên trí thức trẻ của dự án về công tác, như đòi hỏi đội viên phải là người địa phương, đáp ứng ngay được việc chỉ đạo, điều hành như đối với những cán bộ xã có nhiều  kinh nghiệm. Có địa phương chưa chủ động trong công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn biên chế ngay từ khi thực hiện công tác quy hoạch làm cơ sở bố trí đội viên sau khi kết thúc dự án nên gặp khó khăn, lúng túng…

Cũng theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau khi các đội viên trí thức trẻ được phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch xã, UBND xã đã thông báo phân công công tác cho các đội viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, có 322/580 (chiếm 55,52%) đội viên Dự án được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế, 258/580 (chiếm 44,48%) đội viên dự án được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội. Một số nơi, ngoài lĩnh vực được phân công phụ trách, đội viên Dự án còn được giao quản lý các mảng công tác khác.

Hằng năm, hầu hết đội viên Dự án của 20 tỉnh đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng năm 2016 có 523 đội viên được đánh giá thực hiện nhiệm vụ, trong đó có 128 đội viên (chiếm 24,47%) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 376 đội viên (chiếm 71,90%) hoàn thành tốt nhiệm vụ, có 17 đội viên hoàn thành nhiệm vụ, có 2 đội viên không hoàn thành nhiệm vụ.

Công tác bố trí, sử dụng sau khi kết thúc dự án:

Tính đến 30/6/2017, có 564 đội viên trí thức trẻ đủ điều kiện để bố trí công tác sau khi kết thúc dự án, tuy nhiên có 4 đội viên không có nguyện vọng tiếp tục công tác tại địa phương.

Đến nay, sau khi kết thúc dự án, các tỉnh đã bố trí công tác được 412/560 đội viên, trong đó có 217/560 đội viên được bố trí làm công chức cấp xã; có 13/560 đội viên được bố trí làm Chủ tịch UBND xã; có 17/560 đội viên được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, bí thư xã đoàn; có 68/560 đội viên  tiếp tục được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã; có 86/560 đội viên được bố trí công tác tại các phòng, ban chuyên môn ở cấp huyện; có 11/560 đội viên được bố trí công tác tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top