Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 5 năm 2018 | 13:14

Nhức nhối tình trạng “chảy máu” công sản ở TP. HCM

Với vai trò là đầu tàu kinh tế, hàng năm TP. Hồ Chí Minh phải chia sẻ gánh nặng ngân sách của cả nước, do đó, những thông tin từ việc bán đấu giá thành công các khu đất vàng thu hàng ngàn tỉ là những tín hiệu vui.

hinh-1.jpg
Khu đất vàng tại đường Lê Duẩn bị Thanh tra Chính phủ phát hiện những sai phạm về việc giao đất, cho thuê đất không đúng quy định.

Tuy nhiên, thành phố hiện có nhiều khu đất vàng được các doanh nghiệp nhà nước âm thầm chuyển nhượng với giá rất thấp so với trên thị trường hoặc được cho thuê lại, sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí và có dấu hiệu “chảy máu” công sản của nhà nước.

Âm thầm chuyển nhượng

Những ngày gần đây, câu chuyện 32,4ha đất công sản, giá thị trường hơn 2.400 tỷ đồng đã được Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận “ưu ái” bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá chỉ hơn 419 tỷ đồng, đã làm nóng dư luận.

Cụ thể đối với khu đất “siêu lớn” 324.971m2, bằng Hợp đồng chuyển nhượng số 203/HĐKT/2017 ký ngày 5/6/2017 và các Phụ lục Hợp đồng đính kèm, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng phần đất nói trên cho Quốc Cường Gia Lai với đơn giá chỉ ở mức 1.290.000 đồng/m2. Theo bản phụ lục hợp đồng cuối cùng, sau khi hoàn tất chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ so với giá trị thực tế của khu đất ven sông thuộc vào hàng đắc địa tại khu vực Nam TP. Hồ Chí Minh hiện nay. 

Trước vấn đề này, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhận thấy, việc ký kết Hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU, ngày 31/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc Đảng bộ thành phố. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy không đồng ý việc bán chỉ định đối với dự án này và yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận phải đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng. Đồng thời, Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật và báo cáo cho Thường trực Thành ủy.

Cũng thông tin liên quan, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Thành uỷ, Bí  thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến kết luận. Cụ thể, việc chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè của Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai theo hợp đồng ngày 05/6/2017 là không đúng với thẩm quyền quy định tại điều 3 và điều 6 Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố (Ban Thường vụ quyết định chuyển nhượng sở hữu tài sản là nhà, quyền sử dụng đất).

Việc chuyển nhượng đất đã đền bù không qua đấu giá là trái với Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, không đúng với Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất. Vì vậy, ngày 18/4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã kết luận yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng. Thời điểm hiện tại,  Công ty Tân Thuận và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng hơn 32ha đất tại xã Phước Kiển (Nhà Bè).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: Đối với những khu đất công sử dụng sai mục đích, gây lãng phí thì kiên quyết thu hồi, đưa ra đấu giá để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án ở khu vực đó để khai thác, sử dụng hiệu quả khu đất.

Một khu đất vàng khác được “âm thầm” chuyển nhượng là khu đất có địa chỉ tại số 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1 (đối diện với UBND quận 1). Khu đất được nhiều chuyên gia thẩm định bất động sản (BĐS) đánh giá là khu đất có vị trí đắc địa và là một trong 20 khu đất vàng có vị trí đẹp nhất TP. Hồ Chí Minh. Với diện tích khoảng 5.000m2, tọa lạc ngay khu trung tâm thành phố, được bao quanh bởi ba tuyến đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Chiêm, mặt còn lại dựa vách tòa nhà Diamond Plaza, đây quả thật là khu đất mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải mơ ước.

Khu đất thuộc sở hữu nhà nước ban đầu do bốn đơn vị thuê sử dụng là Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Kim khí thành phố, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty CP Vận tải xăng dầu (VITACO). Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố là đơn vị được giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này. Tuy nhiên, 4 đơn vị này đã “âm thầm chuyển nhượng” cho một liên doanh khác với giá bèo.

Trong kết luận về việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng giai đoạn 2011 đến tháng 6/2014,  Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc thực hiện kết luận thanh tra dự án số 8 - 12 Lê Duẩn, trong đó có vi phạm về việc giao đất, cho thuê đất không đúng quy định. Bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã sang nhượng 100% phần vốn góp của mình là 50 tỷ đồng cho Công ty Kinh Đô (nay là Kido Group) để thu lợi 200 tỷ đồng.

“Nơi dùng không hết, chỗ kiếm không ra”

Đó là thực trạng khi một số đơn vị của Nhà nước được giao quản lý sử dụng đất nhưng lại không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích khi cho các doanh nghiệp  khác thuê lại. Minh chứng, qua kiểm tra 10 đơn vị đang quản lý và sử dụng đất công tại TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện: trong 103 khu đất vi phạm quy định về sử dụng đất, đã có 26 khu trong tình trạng đang để trống, bỏ hoang gây lãng phí, thất thoát.

Cụ thể, khu đất ở địa chỉ 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc (quận Bình Tân) rộng hơn 24.000m2 do Công ty CP Chế tạo máy Sinco (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) đăng ký sử dụng hiện vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Toàn khu đất có mặt tiền giáp đường Kinh Dương Vương hơn 200m được rào kín bằng tôn, chỉ còn một hai bảng hiệu, nhà xưởng nhỏ nằm trơ trọi.

Một khu đất khác rộng khoảng 9.000m2 cũng tại 620 Kinh Dương Vương do Công ty CP Hóa - dược phẩm Mekophar đăng ký sử dụng cũng đang bỏ trống. 

Có khu đất đang được các doanh nghiệp cho thuê lại như khu đất tại số 162 Nguyễn Thị Định, phường An Phú (Quận 2) được báo cáo là đang để trống, chưa khai thác nhưng thực tế lại có người đứng ra cho thuê lại nhà xưởng. Nguyên khu đất này là nhà xưởng do Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi An Phú của Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV) sử dụng. 

Tổng công ty TNHH MTV Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) được giao quản lý, sử dụng 233 nhà, đất thì có 29 trường hợp có vấn đề. Đơn cử như khu đất tại số 4/19 Hậu Giang, quận Tân Bình được UBND TPHCM miễn tiền sử dụng đất cho Sawaco để xây dựng trạm cấp nước dự phòng nhưng hiện nay có doanh nghiệp thuê của Sawaco mặt bằng trên với giá rẻ rồi cho thuê lại để hưởng chênh lệch giá...

Trước tình trạng “chảy máu công sản”, gần đây, Bộ tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thanh tra, tạm dừng 60 dự án chuyển đổi đất vàng và Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục thanh tra nhưng không yêu cầu đình chỉ thi công. Một chuyên gia kinh tế nhận định, đang có “lỗ hổng” lớn trong việc quản lý nguồn đất công giao cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Điều này khiến các đơn vị sử dụng đất công dễ dàng “phù phép” để âm thầm chuyển nhượng. Do đó, việc siết chặt quản lý các khu đất mà các đơn vị có vốn nhà nước đang sở hữu là điều rất cần thiết. Với những khu đất vàng tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị trên cả nước nói chung, nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì khi các đơn vị “bắt tay” với nhau việc “chảy máu” tài sản công là điều rất dễ hiểu.

Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng lãng phí đất công, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước, bởi họ là người đã thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện chính sách pháp luật, đồng thời kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm.

Mặt khác, dưới góc độ pháp lý, tình trạng “chảy máu” công sản hiện nay vẫn là hiện tượng nhức nhối. Luật Đất đai quy định phải đấu giá nhà, đất công khi mục đích sử dụng đất là xây dựng nhà, kinh doanh BĐS. Luật Phòng, Chống tham nhũng cũng quy định đầy đủ về các hành vi sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà đất thuộc diện công sản. Hiện tượng một số chủ đầu tư cùng một số cơ quan chủ quản báo cáo không đầy đủ về hiện trạng các khu đất để xin chuyển nhượng không qua đấu giá, đã diễn ra trong nhiều năm qua, là việc làm không phù hợp, gây thất thoát lớn ngân sách của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và nhà nước nói chung. Cần chấn chỉnh, siết chặt ngay và luôn.

 

 


 

Thái An - Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top