Những dự án có mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lại nổi đình đám nhờ "dính phốt".
1. Khu đô thị Trung Văn
Được đầu tư với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng hàng loạt các khu biệt thự, liền kề đáng giá hàng chục tỷ đồng tại đây đang biến thành khu tập kết phế thải, đồng nát nhếch nhác.
Khu đô thị này toạ lạc tại vị trí đắc địa khi tiếp giáp cả 3 tuyến đường lớn: Lê Văn Lương kéo dài, Đại Lộ Thăng Long – Láng Hoà Lạc và tuyến đường Vành Đai 3.
Tuy nhiên, hàng trăm ngôi biệt thự, liền kề nhưng chỉ thưa thớt vài gia đình sinh sống. Những căn liền kề giá cả chục tỷ đồng hầu hết bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, được những người vô gia cư tận dụng làm nơi sinh hoạt, buôn bán đồng nát, đồ phế thải. Diện mạo dự án đô thị ngàn tỷ nhếch nhác không khác gì một khu ổ chuột giữa lòng Hà Nội.
Bác Trần - người dân sống ở khu này cho hay: “Năm 2010 tôi dọn về đây ở, khu này vẫn hoang vu, vắng người từ đó tới nay. Các căn này cũng đều có chủ hết rồi nhưng họ chưa dọn đến. Những người kia (những lao động nghèo) tự dọn đến đây sinh sống. Người thì thu mua phế liệu, người thì chở hàng, bốc vác...”.
2. Dự án nghìn tỷ của Cường Luxury
Dự án khu biệt thự cao cấp với vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ của Cường Luxury được khởi động tự năm 2012. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm khởi động, dự án này vẫn chỉ là bãi rác.
Năm 2012, Cường Luxury khiến các đại gia bất động sản phải choáng váng khi quyết định đầu tư 1.265 tỷ đồng vào dự án khu biệt thự cao cấp ở trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo của giới chuyên môn thì đây là dự án biệt thự cao cấp nhất 6 tỉnh phía Bắc.
Theo phác thảo, dự án này sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị đa chức năng với diện tích các biệt thự từ 300 m2 đến 600 m2. Các biệt thự nằm giữa khuôn viên cây xanh, khu tiện ích cao cấp, trường mẫu giáo, khu thể thao giải trí, công viên… Cổng chính của dự án là hai tòa tháp 15 và 21 tầng, làm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp.
3. Dự án Saigon One Tower
Nằm ở giữa trung tâm quận 1 thành phố, ngay bên cạnh tòa cao ốc 68 tầng Bitexco Financial Tower là một khối bêtông đen xì, cao 41 tầng “án ngữ” nhiều năm qua. Đó chính là dự án trăm triệu đô "phủ bụi" nổi tiếng Saigon One Tower nằm ở một vị trí "vàng", có tầm nhìn toàn cảnh trung tâm quận 1, quận 4 và cả trung tâm tài chính Thủ Thiêm - quận 2. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 238 triệu USD (tương đương 5.000 tỉ đồng).
Khu đất "vàng" của dự án có diện tích 6.672m2, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C gồm các cổ đông: Công ty Cổ phần M&C (49%), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (5%). Chủ đầu tư được phép xây dựng một tòa tháp đôi gồm 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126m2 (tính cả hầm khoảng 152.000m2).
Trong đó, 6 tầng khối đế dành cho khu bán lẻ có diện tích 23.000m2, khu văn phòng hạng A 34 tầng có diện tích 49.000m2, còn lại là khu căn hộ 133 căn. Dự kiến sau khi hoàn thành, Saigon One Tower sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TPHCM (trên 195m), đứng sau tòa nhà Bitexco (68 tầng, cao 262m) và tòa nhà The One (55 tầng, cao 240m).
Là dự án tạo tiếng vang và được chờ đợi ở khu trung tâm thành phố, nhưng sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Đến thời điểm này, sau 6 năm kể từ khi khởi công, tòa nhà vẫn “chết đứng”, dù đã được cất nóc từ lâu. Bên trong công trình, mọi thứ đều ngổn ngang, hoang phế, chỉ có vài bảo vệ được một nhà thầu thuê đến để trông coi tài sản.
4. Dự án Kenton Residences
Một dự án nghìn tỉ tiêu biểu “đắp chiếu” kéo dài nổi tiếng của thị trường căn hộ ở TPHCM có lẽ không ví dụ nào thích hợp hơn Kenton Residences (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7). Đây là dự án bị “trùm mền” đình đám tại khu Nam Sài Gòn. Được khởi công từ năm 2009, đến năm 2011 toàn bộ công trình này đã ngừng thi công. Chủ đầu tư liên tục đưa ra nhiều chính sách bán hàng nhưng vẫn không thể cứu vãn tình thế, dự án bị đóng băng, tranh chấp xảy ra với đối tác… Chủ đầu tư đã nỗ lực trả lại tiền cho khách hàng và tìm giải pháp mới. Nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn bất động.
Hiện toàn bộ dự án là những khối bêtông xám xịt, khu nhà mẫu, công viên rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát. Công trình chỉ có vài bảo vệ được thuê để trông coi. Giới đầu tư kinh doanh BĐS tỏ ra tiếc nuối khi chủ đầu tư bỏ qua cơ hội vàng để đưa dự án ra thị trường. Theo đó, khi dự án được công bố bán lần đầu tiên, công trình đã xây dựng đến tầng 9.
Nghĩa là trong thời kỳ vàng son của thị trường, chủ đầu tư hoàn toàn có thể bán một số lượng lớn căn hộ đủ để hoàn thiện dự án. Hiện tại, câu hỏi được nhiều người quan tâm đối với Kenton Residences là khi nào dự án mới khởi động trở lại và khi nào sẽ hoàn thành? Có lẽ, ngay cả chủ đầu tư cũng không thể biết được./.
Theo Ngọc Vy/VTC News
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.