Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 71/2010/NĐ-CP thì nhà ở xã hội là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cho các đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, không phải dự án nhà ở xã hội nào cũng hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý trước khi bán cho người dân. Về phía người mua, cũng cần thận trọng, tìm hiểu rõ thông tin trước khi mua nhà ở xã hội, vì đối tượng được mua nhà ở xã hội không phải là nhiều.
Khi nào nhà ở xã hội được phép bán?
Trao đổi với Báo Kinh tế nông thôn, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết có hai trường hợp được phép bán nhà ở xã hội.
Trường hợp giữa chủ đầu tư với người mua, thuê mua nhà ở xã hội: Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 188/2013/NĐ-CP thì nhà ở xã hội phải được bán, cho thuê, thuê mua theo đúng đối tượng và điều kiện quy định và mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần. Khoản 2 Điều 16 Nghị định 188/2013/NĐ-CP quy định về thời điểm mà chủ đầu tư được phép ký kết hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở xã hội với người mua, thuê mua được tính từ thời điểm xây dựng xong phần móng; bên bán nhà ở được huy động tiền ứng trước của khách hàng theo thỏa thuận, nhưng tối đa không vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng.
Dự án nhà ở xã hội
Trong trường hợp người mua, thuê mua nhà ở xã hội muốn bán lại cho người khác thì theo quy định tại Điều 13 Nghị định 188/2013/NĐ-CP, người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.
Người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.
Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư từ ngân sách) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Những lưu ý khi mua nhà ở xã hội
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, về nguyên tắc, nhà ở xã hội phải được bán, cho thuê, thuê mua theo đúng đối tượng và điều kiện quy định và mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần nên quá trình này được kiểm soát rất chặt chẽ. Do đó, người mua lại nhà ở xã hội từ các đối tượng sở hữu nhà ở xã hội cần lưu ý các điểm sau:
Thứ nhất, cần kiểm tra người mua, thuê mua nhà ở xã hội đã trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết với bên bán, bên cho thuê mua nhà ở xã hội hay chưa? Nếu những người này chưa trả hết thì việc mua bán nhà ở xã hội sẽ vi phạm pháp luật.
Thứ hai, cần xác định tính từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đến thời điểm mua lại đã đủ 05 năm hay chưa? Đây là khoảng thời gian tối thiểu mà người mua, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng để thực hiện quyền của mình chuyển nhượng của mình.
Thứ ba, kiểm tra xem người mua, thuê mua nhà ở xã hội đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai hay chưa? Nếu người mua, thuê mua nhà ở xã hội chưa được cấp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì không thể mua lại được.
Thứ tư, trong trường hợp chưa đủ 5 năm kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua thì bên mua lại phải thuộc đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội mới được phép nhận chuyển nhượng. Lưu ý rằng trong trường hợp này giá bán lại nhà ở xã hội không được cao hơn mức giá nhà ở xã hội cùng loại tại thời điểm bán lại nhà ở đó để có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người mua lại.
Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.