Giải thưởng Kovalevskaia 2017 có 2 nhà khoa học nữ được vinh danh, trong đó có PGS.TS Đinh Thị Bích Lân, người nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà dùng thay thế kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm…
Sinh viên trường y được cử đi học thú y
PGS.TS.Đinh Thị Bích Lân (sinh năm 1960) là giảng viên cao cấp, Viện Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nông - Lâm Huế. Bà đã chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và có 17 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, 29 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước; hướng dẫn nhiều học viên nghiên cứu khoa học và hàng trăm sinh viên của 22 khóa học hoàn thành khóa luận tốt nghiệp…
Ít ai biết rằng, nữ PGS này ban đầu là sinh viên y khoa. Bà là một trong những sinh viên ưu tú được chọn đi du học ở Cộng hòa liên bang Xô Viết, niềm ao ước của nhiều người lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với bà, lúc đó lại là nỗi buồn, vì đang là sinh viên trường y, bỗng dưng lại được cử đi học thú y. “Các thầy giáo Nga đã đem đến cho mình sự tự tin. Ngay trong buổi khai giảng, trước 300 sinh viên đến từ nhiều nước khác nhau, các thầy giáo Nga đã khẳng định, đi theo ngành thú y, các trò đừng nghĩ rằng chỉ để chữa bệnh cho các loại động vật gia súc, mà các trò đang đi theo một con đường rất cao quý khác, đó là tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, qua đó bảo vệ khỏe cho cộng đồng. Nỗi buồn của tôi đã nhanh chóng biến mất, thay vào đó là niềm hân hoan đi theo con đường mới”, bà nhớ lại.
Đến nay, bà là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu tạo ra những sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao, như các loại kháng nguyên tái tổ hợp, các loại KIT chẩn đoán nhanh (que nhúng), vaccine tái tổ hợp, chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà hay các tổ hợp lợn lai.
Trong đó, vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn là vắc xin thế hệ mới, sản phẩm của công nghệ gene và công nghệ protein tái tổ hợp, có tính an toàn cao, có khả năng bảo hộ trên 85%. Kết quả thử nghiệm trên gia súc cho thấy hiệu quả rõ rệt, cho đáp ứng miễn dịch cao, bảo vệ gia súc khỏi bị bệnh, giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi…
Bà từng đạt các giải thưởng về khoa học công nghệ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế trong nhiều năm liền. Trong 28 năm công tác tại Đại học Huế, mặc dù đảm nhận công tác quản lý ở nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân vẫn hoàn thành tốt công tác giảng dạy, đào tạo tại Trường Đại học Nông - Lâm Huế.
Đinh Thị Bích Lân đã khẳng định được bản lĩnh nhà khoa học của mình, mà không phải ai, dù có đầy đủ điều kiện thuận lợi cũng có thể làm được.
Đã làm phải làm cho bằng được
GS.TS.Nguyễn Thị Kim Lan, chuyên gia đầu ngành chăn nuôi thú y, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông - Lâm (ĐH Thái Nguyên) là nhà khoa học nữ đã biên soạn 16 đầu sách cho đào tạo đại học (ĐH) và sau ĐH, đã có hàng chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế.
GS.Kim Lan cũng đã chủ trì 14 đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh có kết quả nghiệm thu loại tốt và xuất sắc. Bà được trao tặng Giải thưởng Kovalevkaia năm 2014.
Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Lan nhận quyết định về làm giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp III Bắc Thái (nay là Trường Đại học Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên). Bà được cấp bằng Thạc sĩ năm 1996, làm nghiên cứu sinh tại Viện Thú y Quốc gia, năm 2000 nhận bằng Tiến sĩ Thú y.
Nhiệm vụ chính của bà là giảng dạy ĐH, sau ĐH, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song giảng dạy và nghiên cứu khoa học là những công việc đúng sở trường và bà vô cùng tâm huyết.
GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan tâm sự, vào những năm 1980, việc phát triển chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn khá lạc hậu, sản xuất theo phương thức “tự túc, tự cấp” là chính, hầu như rất ít áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nhân giống, chọn giống, thức ăn và phòng chống bệnh dịch cho gia súc, gia cầm.
Cùng với các thầy, cô giáo của Khoa Chăn nuôi Thú y và các cán bộ trong ngành, bà đã đóng góp công sức và trí tuệ làm thay đổi dần tư duy của người nông dân miền núi về việc phát triển chăn nuôi, chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật, lấy chăn nuôi làm nền tảng trong cơ cấu nội tại của ngành nông nghiệp nói chung.
Một số đề tài do GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan chủ trì nghiên cứu gần đây như: Đề tài cấp tỉnh “Xác định đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng chống bệnh ký sinh trùng đường máu cho đàn trâu tỉnh Tuyên Quang”, thực hiện từ 2013-2014. Đề tài cấp Nhà nước (thuộc Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020): “Nghiên cứu sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp phục vụ chế tạo các bộ Kit chẩn đoán bệnh tiên mao trùng Trypanosoma spp. trên gia súc ở Việt Nam” thực hiện từ 2012-2014...
Theo GS. TS Nguyễn Thị Kim Lan, những thành công mà mỗi chúng ta có được không phải nhờ một cái gì đó trừu tượng mà là từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân, xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu nghề, từ tâm huyết với cơ quan, với ngành, từ nhu cầu được làm việc, nhu cầu được cống hiến. Có thể từ những suy nghĩ rất đơn giản là: Đã không làm thì thôi, đã làm là làm cho bằng được, làm với chất lượng và hiệu quả cao nhất, sáng tạo nhất mà bản thân mình có thể cố gắng được.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.