Dự án trung tâm thể dục, thể thao và dịch vụ Thành Nam (thành phố Ninh Bình) khởi công xây dựng năm 2014, đến nay nhiều hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công trình hiện vẫn chưa có giấy phép xây dựng, vi phạm pháp luật.
Công trình “khủng” xây dựng không phép
Dự án trung tâm thể dục, thể thao và dịch vụ Thành Nam do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam (Công ty Thành Nam) làm chủ đầu tư, xây dựng tại phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình, được UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 9/6/2014; Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 9/9/2016.
Tổng mức đầu tư dự án là 90 tỷ đồng bằng vốn tự có của công ty với mục tiêu: Xây dựng trung tâm thể thao và dịch vụ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trên địa bàn, phát triển sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Đến nay, chủ đầu tư đã cơ bản thực hiện đúng theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp: 10/11 hạng mục của dự án đã được hoàn thành. Một hạng mục đang dở dang là nhà điều hành 3 tầng, hiện đang được chủ đầu tư hoàn thiện để đưa vào khai thác phục vụ làm văn phòng điều hành và bể bơi nước nóng bốn mùa phục vụ kinh doanh.
Ghi nhận của PV Dân trí, toàn bộ dự án này nằm trên diện tích đất rộng 12.048m; các hạng mục như nhà dịch vụ 6 tầng (diện tích xây dựng 234m2) đã đưa vào kinh doanh karaoke; 2 bể bơi với (diện tích 694m2) và 2 sân tennis (diện tích 1.680m2) đã đưa vào khai thác; tòa nhà 5 tầng quản lý bể bơi đã đưa vào khai thác tầng 1, từ tầng 2 của tòa nhà đang chuẩn bị đưa vào khai thác dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Điều đặc biệt, trung tâm này đưa vào hoạt động khai thác dịch vụ từ nhiều tháng nay, nhưng đến nay cả công trình vẫn chưa có giấy phép xây dựng theo quy định. Trước thực tế trên, người dân thành phố Ninh Bình nhiều lần kiến nghị, yêu cầu các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan.
Tuy nhiên, đến nay dự án sai phạm này vẫn chưa bị xử lý theo quy định, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến công trình sai phạm vẫn chưa được làm rõ khiến nhân dân bức xúc.
Không chỉ xây dựng trái phép, Công ty Thành Nam còn xây dựng không đúng với quy hoạch tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt. Theo đó, có 2 hạng mục là nhà kỹ thuật bể bơi (nhà lọc nước đã xây dựng xong và đưa và sử dụng) và nhà dịch vụ bể bơi (nhà kính 1 tầng nối từ nhà 5 tầng sang nhà 6 tầng - đã đưa vào sử dụng) không có trong tổng thể mặt bằng đã được duyệt nhưng vẫn xây dựng trái quy định.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, sau khi có ý kiến của người dân về trung tâm thể dục, thể thao và dịch vụ Thành Nam vi phạm pháp luật như nêu trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản số 381/UBND-VP4 ngày 20/6/2017 chỉ đạo: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Ninh Bình và các cơ quan có liên quan xử lý theo thẩm quyền việc Công ty Thành Nam triển khai xây dựng khi chưa được cấp phép xây dựng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơn quan, đơn vị liên quan xem xét đánh giá cụ thể và xử lý theo quy định đối với 2 hạng mục phụ trợ đã xây dựng nhưng chưa có trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
Sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, nghiên cứu, xem xét hồ sơ và các tài liệu có liên quan của các bên có liên quan, mới đây ngày 13/7/2017, Sở Xây dựng Ninh Bình đã có báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình về dự án xây dựng trung tâm thể dục, thể thao và dịch vụ Thành Nam. Sở này cho hay, nhìn chung các hạng mục trong dự án thi công cơ bản đã hoàn thành.
Báo cáo của Sở Xây dựng cũng nêu rõ: Ngày 23/7/2014 và ngày 25/7/2014 cán bộ phòng Quản lý đô thị thành phố Ninh Bình phối hợp với cán bộ UBND phường Nam Bình đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với dự án với hành vi “chưa có đầy đủ hồ sơ thủ tục cấp phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”.
Ngày 7/4/2015, Đoàn kiểm tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình đã kiểm tra các thủ tục và tình hình thực hiện dự án, trong đó có đề nghị chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép xây dựng. Nhưng đến nay Công ty Thành Nam đã xây dựng 2 hạng mục phát sinh không có trong quy hoạch chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin cấp phép xây dựng và chưa được xử lý, xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng theo quy định.
“Việc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam đã thi công xây dựng dự án khi chưa thực hiện việc xin cấp phép xây dựng theo quy định là vi phạm pháp luật”, Sở Xây dựng Ninh Bình nêu rõ.
Trước những vi phạm trên của Công ty Thành Nam, Sở Xây dựng Ninh Bình chỉ đề nghị UBND thành phố Ninh Bình áp dụng hình thức xử lý là lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình và ban hành quyết định xử phạt hành chính (áp dụng điểm c, khoản 6, Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP). Yêu cầu trong vòng 60 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục xin cấp phép và xuất trình giấy phép xây dựng. Nếu không có giấy phép hoặc giấy phép không đúng với thực tế xây dựng thì thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng Ninh Bình cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các bên có liên quan xem xét đánh giá thực tế các hạng mục đã xây dựng và hướng dẫn chủ đầu tư khẩn trương bổ sung hoàn thiện đầy đủ hồ sơ thủ tục của dự án theo quy định của pháp luật để trình Sở Xây dựng xem xét, nghiên cứu cấp giấy phép xây dựng.
Như vậy, dự án trung tâm thể dục, thể thao và dịch vụ Thành Nam xây dựng trong nhiều năm liền nhưng không có giấy phép xây dựng. Đến khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình mới kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Điều này khiến dư luận hoài nghi: UBND thành phố Ninh Bình, Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài để doanh nghiệp “vô tư” vi phạm pháp luật? Đến khi hậu quả xảy ra xử lý không cương quyết, chưa làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan?.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Theo Thái Bá/Dantri.com.vn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.