Nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại
Nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Phải tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất trăm nghề gắn với các lễ hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dụng nông thôn mới và Chương trình số 02- Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân sáng nay (21/9).
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 (năm 2010 đạt 13 triệu đồng/người).
Từ năm 2010-2018, tăng trưởng bình quân của ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt 3,34%/năm. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch rõ nét. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 ước đạt 259 triệu đồng/ha, vượt trước 2 năm mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).
Đến nay, thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai.
Không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nhưng dồn điền đổi thửa có vai trò quan trọng, tạo động lực đẩy nhanh các tiêu chí khác. Do đó, Hà Nội đã chọn dồn điền đổi thửa làm khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tạo thuận lợi cho người dân tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí sản xuất. Toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao;135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, tạo sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bảo đảm đầu ra ổn định...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình vẫn còn một số hạn chế như: Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng... Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều. Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước...
Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hà Nội phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Đối với xây dựng nông thôn mới, Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 85% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu của Chương trình), có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với nâng cao đời sống nông dân, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 50 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%.
Để đạt mục tiêu này, thành phố xác định nhiệm vụ đột phá từ nay đến 2020, đó là: Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Hà Nội đề ra mục tiêu xa hơn đến 2025, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết huyện đã chuyển đổi hơn 1.400 ha lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, hình thành 18 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 22 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong đó có các mô hình như: Sản xuất theo chuỗi khép kín tại xã Phù Đổng; rau thủy canh xã Đa Tốn; các mô hình cây cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Kiêu Kỵ; mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng trùn quế tại xã Đặng Xá, Phù Đổng... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, trung bình đạt 306 triệu đồng/ha, cá biệt có mô hình doanh thu trên 1 tỉ đồng/ha/năm.
Nông nghiệp Hà Nội phải trở thành nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới
Thủ tướng đánh giá, Chương trình Xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đạt kết quả tích cực, rõ nét, toàn diện, ấn tượng. Đời sống người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, cao hơn mức bình quân cả nước khi mà mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
“Nông thôn Hà Nội trước đây nghèo lắm, nay nhà lầu, xe hơi, nhà đẹp, sinh thái, sạch sẽ xuất hiện rất nhiều ở ven đô”, Thủ tướng nói. “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự luồng gió đổi mới tích cực cho sự phát triển toàn diện vùng nông thôn Thủ đô thân yêu”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung còn nhỏ bé, quy mô phân tán, đặc biệt là phát triển còn dưới tiềm năng. Môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực, người dân một số nơi còn kêu ca về rác thải, nước thải, ô nhiễm không khí. Còn một số trường hợp vấn đề đạo đức gia đình, làng xóm đáng lo ngại.
Thủ tướng nhấn mạnh TP. Hà Nội không chỉ phát huy vị trí trung tâm, đầu tàu ở chức năng đô thị mà chính vùng nông thôn, ngoại ô cũng phải trở thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước.
Dẫn câu ca dao “Xứ Đoài là đất trăm nghề/Đi buôn làm thợ đuề huề tinh tươm”, Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần tiếp tục làm nhiều việc nữa để bảo tồn, phát triển những thôn, những xứ ấy, một miền nông thôn rộng lớn còn rất nhiều tiềm năng khai thác.
Hà Nội cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng, quốc gia về công nghệ, dịch vụ, về chuỗi giá trị gia tăng, chế biến, đặc biệt tổ chức thương mại nội địa, xuất khẩu.
Nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Phải tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất trăm nghề gắn chặt với các lễ hội, nét đẹp văn hoá, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô; là sự đặc trưng vùng nông thôn đồng bằng châu thổ sông Hồng xét về mặt bản sắc. Xác lập vai trò, vị thế của người nông dân, chủ thể nông thôn. Người nông dân ấy, chủ thể ấy có kiến thức để tận dụng và phát huy tốt công nghệ, thành tựu của khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất và đời sống, có thu nhập cao, khá giả, tiến tới giàu có, không chỉ giàu về vật chất mà có đời sống tinh thần phong phú.
Nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển mạnh mẽ các trung tâm đô thị vệ tinh, vì vậy, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, quy hoạch thống nhất, không để phá vỡ quy hoạch… Nông thôn Hà Nội cần gìn giữ văn hóa truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, thanh lịch, sâu sắc và bản sắc.
Phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Xử lý tốt hơn nữa rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới cùng với xử lý các loại chất thải rắn khác, nước thải sinh hoạt. Kiên quyết nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Tái sử dụng chất thải nông nghiệp bảo đảm đúng quy định về môi trường và an toàn thực phẩm, tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn. Hình thành các vành đai xanh sinh thái bao bọc vùng trung tâm Thủ đô.
Đặt vấn đề đào tạo nghề, Thủ tướng cho rằng cần chuyển bớt lao động nông nghiệp sang những nghề mới trong thời đại mới, “cái gì giữ gìn, phát huy truyền thống, cái gì chuyển sang nghề mới để giảm bớt tỷ lệ lao động nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động”.
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT cùng với TP. Hà Nội xây dựng các mô hình cụ thể để triển khai trên địa bàn thành phố làm cơ sở nhân rộng sau khi tổng kết mô hình.
“Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”, Thủ tướng nói. Do đó, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội.
Chính phủ tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới, luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước và tiếp tục vươn mình phát triển toàn diện mọi mặt, là hình mẫu của cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông thôn Hà Nội cũng phải phấn đấu trở thành hình mẫu, là niềm tự hào của Thủ đô nghìn năm văn hiến, là điểm tựa để Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội tiếp tục bay cao, bay xa.
Chiều 21/11, UBND TP. Hải Phòng tổ chức khai trương Dự án chính quyền số Hải Phòng. Đây là một trong những dự án quan trọng nhất, làm nền tảng thúc đẩy đột phá phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành NN-PTNT (14/11/1945 - 14/11/2024), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi tới các đồng chí Lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành lời chúc mừng tốt đẹp và trân quý nhất.
Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng vừa tổ chức Lễ phát động Giải báo chí về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, năm 2024-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Chiều 7/10, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, cơ quan này đã ra thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 25, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong các ngày 28 và 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 46. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.