Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022 | 11:49

Nông nghiệp Hậu Giang tạo đột phá từ chuyển đổi số

Năng động trong ứng dụng tiến bộ công nghệ linh hoạt, phù hợp với loại hình SX, nông dân Hậu Giang từng bước bắt nhịp với chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Dù chỉ mới manh nha nhưng chuyển đổi số trong lĩnh vực quan trọng này đang dần cho thấy nhiều tiềm năng, lợi thế.

Mô hình tiên phong

Năm 2017, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, ông Võ Văn Trưng ở xã Bình Thành mạnh dạn chi hơn 600 triệu đồng thực hiện mô hình trồng dưa lưới nhà kính theo công nghệ tưới của Israel. Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm được 80% lượng nước tưới, 50% chi phí nhân công lao động và hạn chế được dịch bệnh đến 90%. Để tiện cho việc đi lại và chăm sóc, ông Trưng cho lắp thêm hệ thống kiểm tra dinh dưỡng cho cây dưa lưới. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dù đang ở bất cứ đâu.

 

haugiang.jpg
Ông Phan Văn Tùng ở ấp 10, xã Thuận Hưng (Long Mỹ - Hậu Giang) áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ thống nước tự động, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.

 

Với hiệu quả mang lại, từ 2.000m2 ban đầu, đến nay, Hợp tác xã (HTX) dưa lưới Thuận Phát do ông Võ Văn Trưng thành lập và làm Giám đốc, với 30 thành viên, đã mở rộng diện tích lên 4ha. Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường gần 300 tấn dưa lưới, thu lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, ông Trưng còn phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang xây dựng mô hình trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho HTX dưa lưới Thuận Phát. Sau gần một năm rưỡi thực hiện các quy trình, HTX Dưa lưới Thuận Phát đã được nhận giấy chứng nhận GlobalGAP.

Ông  Trưng cho biết: “Từ khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, chúng tôi giảm được rất nhiều chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên. HTX đang mở rộng diện tích, mục tiêu là không chỉ cung ứng sản lượng dưa lưới nội địa mà hướng đến thị trường nước ngoài. Tham gia xây dựng quy trình sản xuất dưa lưới theo hướng GlobalGAP là bước đầu tiên để HTX có thể thực hiện được mục tiêu đó”.

Bắt nhịp chuyển đổi số

Ông Phan Văn Tùng (ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ) áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ thống nước tự động đã giúp tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất.

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất mà doanh thu của HTX Nông nghiệp Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành) tăng từng năm. Ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc HTX cho biết: “HTX đã sử dụng máy rửa và phân loại chanh không hạt gần 7 năm nay. Chiếc máy giúp thực hiện khâu đánh bóng và lau sạch bụi, đất bám quanh trái, những trái có vỏ bị côn trùng đeo bám, vết sẹo nhỏ... Đặc biệt, máy còn phân loại chính xác 7 kích cỡ của chanh, chuyển ra hộc chứa riêng để xếp vào thùng. Các khâu này giúp giảm được khá nhiều nhân công, chi phí”.

Tương tự, từ vụ đông xuân và hè thu vừa qua, ngành Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đã áp dụng quy trình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay tại nhiều HTX sản xuất lúa của huyện, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. Ông Phan Quốc Tuấn, xã viên HTX 26/3 (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Phun thuốc bằng hình thức này có nhiều cái lợi, như giảm 5% lượng thuốc bảo vệ thực vật và giảm 90-95% lượng nước phun, độ bám dính tốt hơn, tránh lãng phí, không gây tác hại cho lúa, lúa không bị đổ ngã và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hiệu suất mang lại khá cao. Với thiết bị bay phun thuốc, một người điều khiển có thể phun được 30-40ha/ngày, trong khi phun theo cách truyền thống với cùng diện tích này cần 10 nhân công”.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Ứng dụng công nghệ cao và công nghệ số hiện nay trở thành phong trào lan tỏa ở nhiều địa phương. Hiệu quả mang lại là giảm được nhân công lao động, chất lượng sản phẩm khi ứng dụng công nghệ cao bảo đảm được những yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó lợi nhuận của người dân được cải thiện”.

Đồng bộ giải pháp hỗ trợ

Bắt nhịp xu hướng công nghệ số, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện ứng dụng công nghệ số cho nhiều lĩnh vực và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, đơn vị chuẩn bị triển khai hệ thống thông tin nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng WebGIS. Đây là hệ thống thông tin nông nghiệp trực tuyến dưới dạng mã nguồn mở nên có thể truy xuất các bản đồ, biểu đồ kết hợp những thông tin phù hợp với từng yêu cầu của người dùng. Những thông tin này được người dân và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh cung cấp. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”. Đến nay, đã có 2.116 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng, với 326 nông sản, sản phẩm tham gia trên sàn.

Ngoài ra, ngành Kiểm lâm tỉnh cũng đang triển khai phần mềm QGIS phiên bản 3.06 để theo dõi, cập nhật tình trạng của rừng hằng tháng, quý và năm; ngành Thủy lợi lắp đặt 10 trạm quan trắc để đo độ mặn tự động; ngành Thủy sản ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin-sản xuất và tiêu thụ cá tra, cũng như phần mềm VAHIS và hệ thống báo cáo dịch bệnh trên thủy sản; ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng...

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết, định hướng thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng cơ bản bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành; trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Hậu Giang và các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi...

“Chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản, năng lực thực hành giúp nông dân hiểu được vai trò và sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ kết nối nông dân với doanh nghiệp có nền tảng chuyển đổi để lựa chọn giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi,  nuôi thủy sản... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu và vận động nông dân ứng dụng các mô hình chuyển đổi số, nhằm cải thiện phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” đến toàn bộ nông dân trong tỉnh, nhằm khơi dậy tính chủ động của các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thúy An
Ý kiến bạn đọc
Top