Dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung cầu hàng hóa bị “đứt gãy” khiến nhiều mặt hàng nông, thủy sản Lào Cai gặp khó khi tiêu thụ.
Cá hồi Sa Pa lại “mất giá” vì dịch bệnh
Nhiều hộ nuôi cho biết trước dịch, giá cá hồi bán tại ao nuôi trên 200.000 đồng một kg thì nay chỉ 160.000 đồng.
Cá hồi tại trang trại ở Sa Pa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đầu tư diện tích lớn để nuôi cá hồi tại Sa Pa, chị Nhàn cho biết, từ khi Hà Nội và một vài tỉnh phía Bắc giãn cách xã hội cá hồi khó tiêu thụ hơn.
"Trước đây các nhà hàng đặt mua nhiều, giá tại ao nuôi luôn trên 200.000 đồng một kg nhưng dịch bệnh nên nhiều nơi bị phong tỏa, xe cộ không đi được, lượng đặt mua hạn chế nên giá mua tại trang trại chỉ 160.000 đồng một kg" chị kể.
Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp nên hầu như không có khách ghé trang trại mua, chị chỉ bán cho một vài đầu mối ở trong tỉnh và chế biến cá hồi thành ruốc hoặc cá hồi hun khói để bảo quản được lâu. Riêng với lượng cá hồi còn nhỏ chị cố nuôi cho lớn thêm, đợi qua dịch, tình hình tiêu thụ ổn trở lại mới xuất bán.
Anh Đại, một thương lái ở Hà Nội thừa nhận đang thu mua cá hồi giá rẻ, mỗi thùng bán sỉ 30 kg cá hồi Sa Pa được bán 160.000 đồng một kg. Cá đang khá rẻ nhưng anh cũng chỉ nhận những đơn hàng tại các tỉnh phía Bắc, với các đơn miền Nam sẽ không nhận vì vận chuyển gặp khó khăn.
"Tại các tỉnh phía Bắc, chi phí vận chuyển cũng tăng rất cao nên nếu khách nào mua đều phải chấp nhận chịu phí vận chuyển, chuyển khoản trước tôi mới giao hàng", anh Đại nói.
So với năm ngoái, sản lượng bán ra năm nay được các thương lái cho biêt chậm hẳn. Nếu năm ngoái mỗi ngày bán vài tấn thì năm nay số lượng chỉ khoảng vài tạ.
Một người nuôi cá khác tên Sỹ ở Sa Pa đang bán mức 130.000-150.000 đồng một kg, chia sẻ thêm, nếu trước đây, nhà hàng, các tỉnh phía Bắc tiêu thụ tốt thì hiện nay mỗi ngày chỉ bán được 1-3 tấn cho các mối khách quen, giảm gấp nhiều lần so với lúc không có dịch.
"Từ khi có dịch, chúng tôi cũng đã giảm nuôi vì lo sợ ảnh hưởng. Nếu dịch vẫn cứ kéo dài sẽ duy trì nuôi với số lượng ít để giảm thiệt hại", anh Sỹ nói.
Không chỉ giảm nuôi mà ngưng hẳn khi dịch ập đến, anh Thành, người nuôi cá hồi ở Sa Pa cho biết, giá cá hồi xuống thấp từ đầu năm cho đến nay nên gia đình anh đã chuyển hướng sang nuôi cá tầm.
"Chi phí chăm sóc tăng cao, trong khi cá hồi nếu đến thời điểm có trứng phải xuất bán không chúng đẻ trứng xong sẽ chết. Giá tầm dù bán giá không quá cao nhưng chi phí chăm sóc rẻ hơn và vận chuyển đi xa dễ dàng hơn cá hồi", anh Thành nói.
Trước đây, cá hồi Sa Pa không đủ cung cấp cho thị trường trong nước. Nhiều thương lái, nhà hàng đặt mua với số lượng lớn, giá bán tại vựa thời điểm đó luôn quanh mức 250.000-300.000 đồng một kg. Tuy nhiên, từ khi Covid-19 lan rộng, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, các đơn hàng của đối tượng này huỷ theo.
Khảo sát tại một số chợ online cho thấy, cá hồi Sa Pa được bán tại Hà Nội với giá từ 160.000-200.000 đồng một kg. Cá hồi size 1,4-2kg được rao bán với giá 200.000 đồng một kg; cá hồi size 1,2-1,5kg giá 160.000 đồng một kg.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sa Pa, cả huyện có 14 trang trại lớn, vài chục vựa nuôi nhỏ. Tuy nhiên, gần đây, dịch bệnh kéo dài nên nhiều hộ cũng đã giảm nuôi, một số khác chuyển sang nuôi loại khác.
Trong khi cá hồi Sa Pa giá xuống thấp, các loại cá hồi nhập khẩu lại liên tục tăng giá do chi phí vận chuyển tăng cao. Trong đó, cá hồi Nauy được nhập về và bán lẻ với giá 600.000-650.000 đồng một kg, cao gấp 3 lần cá hồi Việt Nam.
Xuân Quang: Na mất mùa, mất giá
Theo ghi nhận, mùa quả na năm 2021 tại xã Xuân Quang (Bảo Thắng) có năng suất chỉ bằng 50% so với năm 2020. Thêm vào đó, hiện nay đang vào chính vụ thu hoạch na, nhưng quả rất khó bán và giá cũng rẻ hơn.
Gia đình chị Trần Thị Lệ, thôn Nậm Dù bắt tay vào thu hoạch quả na để bán cho tư thương mua đi phân phối tại thành phố Lào Cai. Nhanh tay xếp những quả na to, tròn vào thùng để chuẩn bị cho lên cân, gặp chúng tôi chị Lệ tâm sự: Chưa thấy có năm nào mà cây na lại mất mùa nặng như năm nay. Gia đình hiện có khoảng 150 cây na, nhưng năm nay tính ra chỉ có khoảng 70 cây là cho thu hoạch, còn lại phần lớn là hỏng. Không hiểu vì lý do gì mà cây na năm nay quả cũng không được to đẹp như mọi năm. Những năm trước, với 150 cây na mỗi năm đến vụ cũng đem lại nguồn thu cho gia đình khoảng 80 triệu đồng, nhưng năm nay thì thu vét cũng chưa đầy 20 triệu đồng do giá rẻ hơn nhiều.
Gia đình ông Trần Thanh Thuỷ có 150 cây na. Cả năm trời ông Thủy cần mẫn chăm sóc, nhất là còn chăm sóc theo hướng dẫn tiêu chuẩn VietGAP, nhưng vườn na không cho nhiều quả như mọi năm, thêm vào đó lại có nhiều cây na đang chết dần mà không rõ bị bệnh gì. Ông Thuỷ cho biết: Tính từ đầu năm đến giờ, vườn na của gia đình đã có 10 cây chết khô mà không biết vì sao. Năm nay, quả na cho sản lượng thấp, lại còn khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên người trồng na rất khó khăn.
Vườn na của gia đình ông Trần Thanh Thuỷ rất thưa quả. Ảnh: Báo Lào Cai
Hiện nay, gia đình ông Thủy cũng như các hộ trong xã thu hoạch na một là bán cho tư thương trong tỉnh, hai là phải tự mang đi bán tại chợ trung tâm huyện hoặc lên thành phố Lào Cai bán. Điều đáng buồn với người trồng na ở Xuân Quang đó là giá na năm nay rất rẻ, quả to đẹp nhất cũng chỉ bán được từ 25.000 đồng/kg – 30.000đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với năm 2020.
Năm 2021, xã Xuân Quang có 74 ha cây na được trồng tại các thôn Nậm Dù, Trang Lùng, Na Ó, Thái Vô, Cóc Mằn, Nậm Cút, Xuân Quang 2; trong đó, có khoảng 70 ha cây na cho thu hoạch quả. Tuy nhiên, theo tính toán của xã Xuân Quang, vụ na năm 2021, năng suất quả chỉ đạt 2,5 tấn/ha bằng 50% so với năm 2020.
Ông Trần Đức Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết, một trong những nguyên nhân gây mất mùa quả na năm 2021 là do khi cây na bắt đầu ra hoa, thì tại Xuân Quang có đợt nắng nóng gay gắt, nắng cháy kéo dài đã gây hư hỏng hoa na khiến na bị mất mùa. Hiện nay, vào mùa thu hoạch, chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân thu hoạch tiêu thụ trong tỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thời gian tới xã cũng đang tìm giải pháp giúp nông dân tiêu thụ những mặt hàng nông sản tại địa phương.
Được biết, cây na được trồng tại xã Xuân Quang từ năm 2016 đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình nông dân trong xã. Cây na cũng là cây ăn quả được đánh giá cao tại địa phương khi được canh tác theo hướng VietGAP với chất lượng cao và tạo nên thương hiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng cho vùng sản xuất hàng hóa riêng của huyện. Với những khó khăn mùa vụ, người trồng na đang cần có sự quan tâm hướng dẫn của cơ quan chức năng về kỹ thuật để đảm bảo cho cây phát triển tốt hơn, tránh được tình trạng mất mùa, thất thu. Đặc biệt, hiện tại, người trồng na mong muốn có được giải pháp để tiêu thụ quả dễ dàng hơn khi vụ na đang bước vào chính vụ.
Giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi gặp khó khi tái đàn
Tháng 4/2021, gia đình anh Nguyễn Văn Quyết (thôn An Trà, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) mua 100 con lợn giống về nuôi để làm lợn thịt, giá mua là 2,5 triệu đồng/con. Hiện nay, khi đến thời kỳ xuất bán, giá lợn hơi giảm từ 75.000 - 80.000 đồng/kg xuống còn 52.000 - 55.000 đồng/kg khiến gia đình anh đứng trước nguy cơ lỗ vốn.
Anh Quyết nhẩm tính, để nuôi 1 con lợn đến khi xuất bán, tổng chi phí khoảng 6,3 triệu đồng (chưa kể tiền nhân công và điện, nước), trong đó tiền giống khoảng 2,5 triệu đồng, thức ăn khoảng 3,6 triệu đồng, thuốc thú y là 200 nghìn đồng.
Hộ chăn nuôi gặp khó khi giá lợn giảm sâu, giá thức ăn tăng cao. Ảnh: Báo Lào Cai
Tình cảnh của gia đình anh Quyết cũng là tình cảnh chung của những hộ chăn nuôi không tự chủ được con giống.
Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi tự chủ được con giống thì tình hình khá hơn. Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của bà Đào Thị Vuông (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) có 150 con lợn nái, duy trì nuôi 400 con lợn thịt/lứa, mỗi năm xuất bán hàng trăm tấn lợn hơi. Bà Vuông cho biết: Gia đình vừa xuất chuồng 100 con lợn thịt, tổng trọng lượng 12 tấn với giá 55 triệu đồng/tấn. Nhờ tự chủ được con giống và nhập thức ăn thẳng từ công ty sản xuất nên có chút lãi. Tuy nhiên, nếu giá lợn giảm và giá thức ăn vẫn cao như hiện nay thì gia đình bà phải tính chuyện giảm đàn để tránh thua lỗ.
Trong bối cảnh giá lợn hơi đang giảm mạnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn bởi phải mua cám qua các đại lý cấp 2, cấp 3 và giá mỗi bao cám đã cao hơn khoảng 10 nghìn đồng/bao. Trong khi đó, hầu hết các trang trại lớn thường ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn, ngoài việc hưởng mức giá ưu đãi ngang bằng với đại lý cấp 1, họ còn được thưởng phần trăm vào cuối năm, điều này giúp họ ít bị ảnh hưởng. Do đó, trong tình cảnh hiện nay, những hộ chăn nuôi quy mô lớn, tự chủ con giống thì vẫn cố cầm cự, duy trì chăn nuôi, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tự chủ được con giống đang có nguy cơ bỏ trống chuồng để cắt lỗ.
Theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sản phẩm, tiếp đó là chi phí con giống. Từ cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trung bình cứ khoảng 3 tuần tăng 1 lần, với mức tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/bao mỗi đợt, đến nay mức giá đã tăng hơn 120.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khoảng 5 - 10% tùy loại.
Trong khi lợn hơi đã giảm giá, giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người tiêu dùng vẫn không thay đổi. Hiện, thịt lợn tại các chợ được tiểu thương bán với giá khoảng 120.000 - 170.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, kéo theo đó là các nhà máy sản xuất thức ăn trong nước nâng giá bán. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm được cho là sau đợt dịch tả lợn châu Phi, các hộ chăn nuôi tăng cường tái đàn, trong khi ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều nơi khiến việc lưu thông giữa các địa phương gặp khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm. Song, không ít hộ chăn nuôi cho rằng họ đang bị thương lái ép giá.
Hiện, Lào Cai có khoảng 55.000 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 325.000 con. Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi theo dõi, nắm thông tin thị trường thức ăn chăn nuôi và giá sản phẩm để có kế hoạch, phương án phù hợp, giảm thiểu rủi ro và những tác động xấu đến hiệu quả chăn nuôi. Hộ chăn nuôi cũng cần chủ động tìm phương án giảm chi phí thức ăn mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của vật nuôi, đồng thời cần thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh cho đàn vật nuôi bằng vắc-xin, thực hiện phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tăng quy mô theo hướng hàng hóa tập trung và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển chăn nuôi bền vững.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…