Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2015 | 1:29

Nửa thế kỷ với triệu đóa hoa hồng

Một buổi sáng trời đông Đà Lạt, “lão nông thế kỷ” Nguyễn Văn Thứ ở làng hoa Vạn Thành vừa bước ra khỏi cửa vườn hoa hồng cắt cành thì bị tôi “chặn đường”. Khi biết công việc của nhà báo, ông Thứ cười xòa: “Bây giờ hoa hồng Vạn Thành đã tăng năng suất hàng năm đến triệu triệu cành. Trong khi ngày xưa ghép trồng được mấy luống hoa hồng là cả một quá trình dài…”.

Nhà nông Nguyễn Văn Thứ trong vườn hoa hồng của mình.

Ghép hoa hồng theo kỹ thuật xứ Hàn

Ông Thứ dẫn tôi quay ngược vào trong vườn hoa hồng nhà kính để tham quan từng nhành cây, ngọn lá, búp nụ…tươi xanh. Đã sắp bước sang tuổi 70 nhưng ông Thứ vẫn nhanh nhẹn đưa tôi đi thăm từ luống cây này sang luống cây khác, rồi sải bước lên xuống nhiều bậc cấp gồ ghề, trơn ướt do vừa tưới nước phun mưa tự động. “Hoa hồng ở làng hoa Vạn Thành sản xuất trong nhà lồng nylon nhằm che mưa, che nắng, ngăn chặn dịch hại xâm nhập từ bên ngoài, chủ động được lượng nước tưới, phân bón, phòng trừ sâu bệnh…Ở đây quen gọi sản xuất hoa hồng trong nhà kính là chưa đúng lắm đâu. Vì nhà kính phải lắp đặt các vật liệu mái che bằng kính, khung sườn bằng nhôm, sắt không gỉ,… với hệ thống điều hòa nhiệt độ tự động như trang trại của các doanh nghiệp trồng hoa xuất khẩu ở Đà Lạt và các vùng phụ cận”, lão nông Thứ phân biệt rõ 2 hình thức “thiết kế” nhà sản xuất khác nhau.

Nhớ lại những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nông dân Đà Lạt bắt đầu dựng lên nhà kính (ông Thứ gọi là nhà lồng) ở  các vùng sản xuất rau, hoa. Không thể có đủ vốn để đầu tư nhà kính với thiết bị vật tư hiện đại nhập về từ nước ngoài, ông Thứ tiên phong thử nghiệm từ nhà lồng nylon khung tre lồ ô (rỗng ruột) đến khung tre tầm vông (đặc ruột) để canh tác hoa hồng, sau đó bổ sung dần tỷ lệ kết cấu trước khi phổ biến rộng rãi cho khá nhiều hộ nông dân trong làng hoa Vạn Thành lắp đặt sử dụng cho đến tận bây giờ. Đáng kể, bên trong từng nhà lồng “cốt tre”, người trồng hoa hồng Vạn Thành còn ­ứng dụng khá hiệu quả kỹ thuật ghép mầm chồi giống hoa hồng có nguồn gốc từ nước Pháp với gốc hoa tường vi Đà Lạt mà lão nông Thứ đã tiếp cận từ các chuyên gia nông nghiệp ở Hàn Quốc cách đây khoảng nửa thế kỷ. Ông Thứ kể: “Hồi đó tôi thường tranh thủ sau những giờ học cùng bố mẹ ra vườn thực hành ghép hoa hồng theo sự cầm tay hướng dẫn trực tiếp của những kỹ sư nông nghiệp Hàn Quốc. Lúc triển khai ghép sản xuất đại trà, gia đình tôi đạt tỷ lệ cây sống từ 50- 60% là thành công lắm rồi”. Năm ấy- năm đầu tiên thu hoạch hoa hồng ghép thương phẩm trên diện tích 1.000m² ngoài trời, bố mẹ ông Thứ ước lãi gấp 2 lần trồng rau xanh các loại. 

Nhân rộng triệu đóa hồng các giống từ trời Âu

Sau này, khi ổn định kỹ thuật sản xuất hoa hồng chất lượng cao trên hàng chục ngàn mét vuông nhà lồng ở làng hoa Vạn Thành, ông Thứ chính thức khuyến cáo nông dân trong vùng về các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hoa hồng cây ghép sinh trưởng đạt theo mong muốn còn thấp là do thao tác cắt ghép không ăn khớp giữa mắt ghép mầm chồi với mắt ghép từ vị trí gốc; sử dụng mắt ghép không khỏe mạnh, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh; cột buộc bao nylon không kín, dẫn đến nước thấm chỗ ghép gây úng thối; chưa sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng để phòng trừ kịp thời các loại bệnh hại như nhện đỏ hút nhựa cây, nhiễm mốc sương rụng lá, mọt đục khô cành…

Từ niềm đam mê kỹ thuật ghép, chăm sóc các loài hoa hồng - loài hoa của tình yêu, đã tạo động lực cho ông Thứ luôn giữ vững diện tích tối thiểu để mở rộng chuyên canh đến ngày nay - dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm chuyển đổi sang trồng rau các loại đến trồng càphê chè. Hiện với quy mô 2,5ha hoa hồng ghép giống mới từ châu Âu nhập về như: đỏ Hà Lan, đỏ son, xác pháo, trắng xoáy, vàng ánh trăng…, ông Thứ đang “khoanh nuôi” gần 0,2ha; còn lại hơn 2,3ha đã “chuyển giao” kỹ thuật sản xuất cho 5 người con lập gia đình ở riêng. Trung bình trên diện tích 1.000m², cứ 2 ngày thu cắt 1 lần khoảng 1.500 cành, nhân trên tổng diện tích 25.000m², mỗi năm gia đình ông Thứ cung cấp cho thị trường trong nước hơn 6,5 triệu cành hoa hồng các loại chất lượng cao, nhiều sắc màu rực rỡ đặc trưng của xứ lạnh Đà Lạt.

Được chọn là một trong những vườn hoa hồng tiêu biểu của làng hoa Vạn Thành làm tour tham quan trong những ngày diễn ra Festival Hoa Đà Lạt năm 2015, lão nông Nguyễn Văn Thứ trải lòng: “Là công dân của phố hoa Đà Lạt thân thiện và mến khách, gia đình tôi luôn tạo mọi điều kiện cho du khách đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn sản xuất như làm cỏ, bón phân, tưới nước, thu cắt cành hoa hồng buổi sáng…Và với những ký ức, những hiểu biết của mình về quá trình phát triển của hoa hồng Vạn Thành, tôi sẵn lòng chia sẻ khi du khách có yêu cầu”.

Văn Việt

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top