Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nhiều địa phương trên nước luôn quan tâm đầu tư nguồn lực và tích cực triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, Tuy nhiên, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.
Đồng Nai: Ô nhiễm từ các trại chăn nuôi
Đồng Nai là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển dẫn đầu cả nước, với 2 loại vật nuôi chính là heo và gà. Hiện, các trang trại đã được hỗ trợ khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi nên thu được hiệu quả khá cao. Thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, tổng đàn heo trên địa bàn là khoảng 2,5 triệu con, trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 50%; tổng đàn gà khoảng hơn 9 triệu con, với 80% chăn nuôi theo hình thức trang trại.
Bên cạnh sự phát triển mà ngành chăn nuôi đem lại cho nền kinh tế tỉnh Đồng Nai, thì ngành chăn nuôi cũng gây ra một số hệ lụy, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, ngoài công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi phải có biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm, thì cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã mạnh tay xử lý hàng loạt cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Đơn cử, đầu tháng 3/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 330 triệu đồng, buộc tạm ngưng hoạt động để khắc phục trong thời hạn 90 ngày đối với trại chăn nuôi gà đẻ quy mô 120.000 con, diện tích chuồng trại 8.350m2 của Công ty TNHH MTV Sinh học Đồng Tâm (Công ty Sinh học Đồng Tâm). Công ty này có trụ sở tại Km số 05, đường Hưng Bình, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, do bà Phạm Quang Chi là đại diện theo pháp luật.
Được biết, dự án của Công ty TNHH MTV Sinh học Đồng Tâm đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT). Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường thì, phương án thu gom xử lý nước thải tại trại chăn nuôi này đã thay đổi so với phương án báo cáo đánh giá TĐMT được duyệt như: Không đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Không thu gom nước thải từ hoạt động sinh hoạt mà cho tự thấm trong khuôn viên trại. Chưa có biện pháp xử lý mùi hôi theo phương án đề xuất trong báo cáo TĐMT...
Hay như ngày 30/3/2021, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cũng đã xử phạt hành chính về việc ông Trần Hữu Quyền chủ trại nuôi heo (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) vì hành vi chôn lấp heo chết trái phép.
Cụ thể, tối ngày 21/3, trại heo của ông Quyền xảy ra hỏa hoạn khiến 138 con heo bị chết và bỏng (gồm 130 heo con nặng khoảng 10 kg/con và 8 con heo nặng khoảng 50 - 60 kg/con). Sau đó, ông Quyền đã mang toàn bộ số heo này đến chôn tại một khu đất của người thân, nằm ở xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ), nhưng không thông báo lực lượng chức năng.
“Theo quy định, mức xử phạt cho hành vi trên từ 6 - 8 triệu đồng, chúng tôi chọn mức cao nhất, kịch khung”, ông Trần Đình Sĩ, Trưởng trạm chăn nuôi và thú y huyện Cẩm Mỹ, cho biết.
Trong tình trạng tương tự, Ông Nguyễn Minh (58 tuổi, ở thôn Phường Thuốc, xã Tiên Phong, H.Tiên Phước, Quảng Nam) cho biết trang trại nuôi heo của Công ty TNHH Hùng Vân nằm rất gần khu dân cư và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Nhà cửa của chúng tôi lúc nào cũng phải đóng kín. Nhiều lúc đang ăn cơm phải chạy đi nôn mửa. Người dân nhiều lần kéo lên trại heo phản ánh, chủ trại hứa sẽ khắc phục nhưng đâu vẫn vào đó”, ông Minh bức xúc.
Theo ông Minh, trong lần phản đối hồi tháng 7.2020, Công ty TNHH Hùng Vân có biên bản cam kết 3 bên (giữa công ty, UBND xã Tiên Phong và người dân) với nội dung: trong vòng 9 tháng kể từ ngày 21.7.2020 đến 21.4.2021, chủ trang trại sẽ xử lý hết đàn heo, không tái đàn và dừng hoạt động. Tuy nhiên, cam kết này không được thực thi.
Thanh Hóa: Ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt
Những năm gần đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Việc xả nước, rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng rác thải tràn ngập các con đường, tràn xuống ruộng, ao, hồ và “bao vây” cả các khu dân cư là hình ảnh vẫn còn tồn tại tại một số vùng quê. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao.
Người dân nông thôn chưa có ý thức BVMT, việc tham gia công tác vệ sinh môi trường (VSMT) cộng đồng... còn hạn chế. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, BVMT, nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ BVMT chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có sức khỏe người dân, nên tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để và trở thành vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương.
Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập các tổ, đội thu gom rác thải, các tổ, đội này có thể do các hội, đoàn thể đảm nhiệm hoặc do HTX nông nghiệp đứng ra thành lập. Một số xã, thị trấn đã chi tiền mua xe vận chuyển rác, quần áo bảo hộ, phương tiện, trang bị và chi trả tiền cho nhân công làm VSMT. Do đó, lượng rác thải hàng ngày được nhiều địa phương thu gom với tỷ lệ cao như: huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... (tỷ lệ thu gom đạt 100%). Tuy nhiên, việc xử lý khối lượng rác đã được thu gom còn nhiều bất cập do chưa xây dựng được lò đốt rác công nghệ hiện đại (chủ yếu là chôn lấp, chiếm gần 90%, 10% còn lại là đốt).
Công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được các địa phương quan tâm, thực hiện. Hoạt động thu gom rác thải vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn; tại một số xã vùng sâu, vùng xa mới chỉ tiến hành thu, gom rác thải ở một số khu vực tập trung đông dân cư và tần suất thu, gom rác thải chỉ đạt khoảng 6 - 8 lần/tháng. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho hoạt động thu, gom rác thải chủ yếu được lấy từ nguồn thu phí vệ sinh từ các hộ gia đình và nguồn kinh phí sự nghiệp BVMT... Thêm vào đó, công tác vận hành bãi chôn lấp rác thải tập trung chưa đúng quy trình gây tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực xung quanh.
Ở nhiều địa phương, kinh phí chi cho hoạt động xử lý rác thải, BVMT còn hạn chế, một bộ phận người dân chưa có ý thức BVMT chung. Tại nhiều hộ gia đình vẫn giữ cách làm cũ tự thu gom và đem đốt, chôn lấp trong vườn nhà, đổ xuống sông hoặc các bãi đất trống gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mĩ quan khu dân cư.
Nhiều giải pháp nâng tầm chất lượng môi trường sống tại nông thôn
Để chấm dứt tình trạng ô nhiễm từ các trại chăn nuôi, Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, huyện Xuân Lộc có gần 500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, 100% các trại cam kết vận hành hệ thống xử lý thải theo quy định, đáp ứng tiêu chí môi trường theo chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Sử dụng năng lượng khí thải làm chất đốt, phân và nước thải dùng bón cho cây trồng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.
Còn tại huyện Cẩm Mỹ, nhiều năm nay, địa phương này đã chủ động cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho người dân. Theo đó, người dân phát hiện nước thải, khí thải nhiều từ các trang trại chăn nuôi có thể gọi điện đến số đường dây nóng trong vòng 20 phút, bất kể ngày, đêm sẽ có cán bộ môi trường đến nơi ghi nhận hiện trường, lấy mẫu đi kiểm tra.
“Chúng tôi triển khai cách làm này từ năm 2017, và khá hiệu quả, các trang trại sợ bị bắt quả tang nên không lén xả thải, cán bộ môi trường đỡ vất vả hơn”, bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Mỹ cho biết.
Để tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, tăng nguồn thu, các trang trại chăn nuôi lớn hiện nay đang có xu hướng đầu tư thêm vào lĩnh vực nông nghiệp sạch; hoặc hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ để giải quyết bài toán chất thải.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đang khuyến khích các hộ chăn nuôi hợp tác với các công ty như: C.P, Japfa, Emivest để hình thành chuỗi liên kết.
Đặc biêt, thời gian tới, mô hình quan trắc môi trường tự động ở các vùng chăn nuôi sẽ được lắp đặt thí điểm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí. Các ngành môi trường, nông nghiệp đã cam kết hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý môi trường nước, không khí ở các vùng chăn nuôi.
Còn đối với tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, mỗi làng xóm có thể chọn một ngày nhất định trong tuần hoặc trong tháng làm ngày tổng vệ sinh chung. Mỗi hộ gia đình nên có thùng chứa rác và tự phân loại rác, bỏ đúng nơi quy định. Phân và nước thải trong chăn nuôi cần được xử lý bằng cách xây hầm biogas, ủ phân bằng các loại chế phẩm sinh học trước khi sử dụng, không thải trực tiếp phân và nước thải ra môi trường. Về lâu dài, các hộ cần đăng ký sản xuất trong các khu chăn nuôi tập trung, đưa các trang trại ra ngoài đồng theo quy hoạch; xây dựng và sử dụng loại nhà tiêu hai ngăn, hay nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, trong sản xuất nông nghiệp, cần tuyên truyền và hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ bao đúng nơi quy định để xử lý. Tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hóa học, không dùng phân tươi bón trực tiếp cho cây trồng.
Về phía chính quyền địa phương cần quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề VSMT nông thôn như làm rãnh thoát nước trong khu dân cư; xây dựng nơi xử lý và chứa rác thải thuận tiện cho người dân; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung đúng tiêu chuẩn; quy hoạch để dần đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động dịch vụ VSMT trong nông thôn.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.