Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 8 năm 2022 | 15:41

Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giải pháp nào hiệu quả?

Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Thái Nguyên: Người dân “khổ mũi” vì mùi trại lợn

Theo phản ánh của người dân xóm Đại An, suốt nhiều năm qua, trại lợn của hộ ông Tạ Văn Thuần thường xuyên xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Mùi hôi thối bốc ra từ khu chăn nuôi cũng khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Ghi nhận tại hiện trường, thứ cảm nhận thấy đầu tiên là mùi hôi thối quẩn trong không khí. Dù đứng cách xa khu chăn nuôi cả trăm mét nhưng mùi hôi vẫn rất rõ, bao trùm cả xóm nhỏ.

Không những thế, nước thải trong quá trình chăn nuôi từ trang trại chảy ra khu vực xung quanh khiến cả nghìn m2 đất trồng lúa của người dân không thể canh tác bình thường. Hồ Bãi Càng vốn để tưới tiêu nông nghiệp nhưng nay đã ô nhiễm, cỏ mọc um tùm cùng dòng nước đen ngòm.

 

11111111111111111111111.jpg
Trại lợn tại xóm Đại An (xã Nga Mỹ, Phú Bình) bức tử môi trường sống và sản xuất nông nghiệp của người dân nhiều năm nay.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Xuyến nhận khoán hồ Đại An để nuôi cá và lấy nước trồng lúa, nhưng vừa qua việc xả thải của trại lợn nhà ông Thuần đã khiến lúa không đạt năng suất. Trong khi đó cá nuôi cũng bị ảnh hưởng.

Chị Xuyến than thở: "Vừa rồi nước từ trại lợn xả thải ra hồ khiến cá nuôi bị chết hết, tính ra thiệt hại cũng hơn 10 triệu đồng. Gia đình tôi và người dân xóm Đại An đã nhiều lần kiến nghị lên xã, thế nhưng đến nay trại lợn vẫn chưa có ý kiến gì với người dân khiến chúng tôi rất bức xúc.”

Ở gần đó, ông Nguyễn Văn Thung thể hiện sự lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và gia đình khi phải sống trong bầu không khí hôi thối, ngột ngạt từ trại lợn toả ra. Nói nhiều nhưng thực tế không có chuyển biến, bản thân ông Thung phải chịu cảnh "sống chung với lũ".

Được biết, trang trại lợn này có diện tích gần 2ha, diện tích chuồng trại là 1.500m2, quy mô nuôi khoảng 450-500 con lợn thịt mỗi lứa. Mặc dù có cam kết bảo vệ môi trường nhưng từ khi hoạt động đến nay, trang trại liên tục bị người dân phản ánh.

Theo ông Nguyễn Văn Hoành - Chủ tịch UBND xã Nga My, từ cuối năm 2021 xã có nhận được ý kiến của người dân về việc trại lợn xả thải gây thiệt hại về lúa và thuỷ sản. Đến nay, ông Thuần cũng đã chủ động bồi thường cho 6 hộ bị ảnh hưởng.

"Gần đây, UBND xã tiếp tục nhận được phản ánh của người dân xóm Đại An về việc ô nhiễm từ trại lợn. Qua kiểm tra, có phát hiện tình trạng ô nhiễm ở khu vực ao hồ, đất lúa gần trang trại, nhưng mức độ ô nhiễm thế nào thì cần phải có cơ quan chuyên môn về đánh giá.

Xã đang kiến nghị UBND huyện chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra, đánh giá để có biện pháp xử lý dứt điểm" - ông Hoành cho hay.

Phạt chủ trang trại chăn nuôi 165 triệu đồng vì xả nước thải ra môi trường

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Quốc Viện, sinh năm 1972, trú tại thôn Tân Trung, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) với số tiền 165 triệu đồng vì hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1417/QĐ-XPVPHC, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt ông Lê Quốc Viện đã thực hiện hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5 m3/ngày đến dưới 10 m3/ngày, quy định tại điểm b khoản 6 Điều 13 Nghị định 155/NĐ-CP.

Do hành vi vi phạm trên, người vi phạm đã bị xử phạt hành chính 165 triệu đồng, trong đó, 75 triệu đồng đối với hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; 25,5 triệu đồng là mức phạt tăng thêm 30% của mức phạt cao nhất đã chọn đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3- 5 lần; 30 triệu đồng là mức phạt tăng thêm 40% của mức phạt tiền cao nhất đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5-10 lần; 37,5 triệu đồng là mức phạt tăng thêm 50% của mức phạt cao nhất đã chọn đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên.

Ngoài bị phạt số tiền trên, ông Lê Quốc Viện còn phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra; cải tạo công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định bằng kinh phí tự chi trả trong thời hạn 30 ngày.

Trước đó, ngày 27/7, từ nguồn tin báo của quần chúng, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương bất ngờ kiểm khu vực trang trại chăn nuôi của gia đình ông Lê Quốc Viện tại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Tại đây, đoàn công tác đã phát hiện hộ ông Viện đang xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Kết quả phân tích các mẫu nước thải này đều vượt xa quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Trên cơ sở đó, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 1734/CV-CAT(PC05), đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Quốc Viện về hành vi trên.

Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Từ những thực tế trên có thể rút ra rằng, Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật.

Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao, . . .. Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu (huyện Ba Vì) Nguyễn Danh Hưng, hiện nay, toàn xã Minh Châu có gần 5.000 con bò thịt, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình (2-5 con/hộ), nước xả thải trực tiếp ra cống rãnh thoát nước, chảy tập trung về các ao xen kẽ trong khu dân cư, ứ đọng, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm.

Tại huyện Thanh Oai, bà Phạm Thị Cưa ở xã Phương Trung cho biết, gia đình bà có nghề nấu rượu. Để sử dụng bã rượu, bà nuôi 2-5 con lợn. Do quy mô nhỏ lẻ nên gia đình chưa thể xử lý tốt nước thải chuồng trại... Bà Phạm Thị Cưa cũng cho hay, theo tư vấn của cán bộ khuyến nông xã, gia đình tin rằng sẽ xử lý triệt để tình trạng này trong thời gian tới.

Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố Hà Nội có khoảng 38 triệu con gia cầm, gần 1,5 triệu con lợn, hơn 163.000 con trâu, bò. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tính trung bình mỗi năm chăn nuôi thải ra môi trường hơn 3 triệu tấn chất thải rắn, riêng chăn nuôi lợn thải ra môi trường khoảng 422 triệu lít nước thải; hoạt động giết mổ khoảng 20.744 tấn chất thải/năm, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nước...

 

cham-soc-lon-tai-trang-trai.jpg
Chăm sóc lợn tại trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

 

“Không những thế, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của Hà Nội vẫn cao (chiếm 60%) nên việc xử lý ô nhiễm môi trường của trang trại chưa đúng quy trình; trên 50% chất thải chăn nuôi tại các hộ nuôi nhỏ lẻ không qua xử lý đang xả thải thẳng ra môi trường”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thời gian qua, rất nhiều trang trại đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Đại Thắng cho biết, công ty sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt lợn hữu cơ. Ngoài ra, các trang trại đã tận dụng chất thải trong chăn nuôi nuôi giun quế. Sản phẩm giun quế có thể làm thức ăn cho lợn, gia cầm... vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, nhằm hỗ trợ các trang trại xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trung tâm đã phối hợp với các địa phương hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 41.000 hệ thống biogas theo chương trình sử dụng khí sinh học với công nghệ khác nhau như xây gạch và composite; 4 công trình xử lý công nghệ CDM sử dụng hệ thống bạt HDPE góp phần giảm bớt 80-90% mùi hôi của chuồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn, cải thiện chỉ số chất lượng không khí. Đã có hơn 70% cơ sở chăn nuôi sử dụng khí biogas phục vụ sinh hoạt (đun, nấu...), nước thải, chất thải sau xử lý sử dụng cho trồng trọt.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để chăn nuôi Hà Nội phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Cùng với đó, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua ứng dụng công nghệ sinh học như xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ bón cho cây trồng...

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top