Thanh Hóa là địa bàn có rất nhiều trại chăn nuôi lợn, trong quá trình hoạt động các trang trại này đã bị người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra.
Một xã 10 trại lợn ô nhiễm môi trường
Xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) có 10 trại chăn nuôi lợn. Tất cả các trại này đều gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Nga Thủy, một xã vùng biển có 5,3 nghìn dân, diện tích tự nhiên 600 ha nhưng có tới 10 trại lợn với tổng diện tích 20 ha, tổng đàn trong 10 trại này ước tính trên 5.000 con. Điều đáng nói, cả 10 trại lợn này đều gây ô nhiễm môi trường, xả thải ra kênh tiêu nước của xã. Những trại lợn này được bố trí nằm cạnh con mương phía trong đê sông Lèn, xung quanh là đất nông nghiệp và một số diện tích nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước thải từ các trại lợn này sau khi chảy qua mương sẽ đổ xuống cống T4, ra sông Lèn trước khi nhập vào biển.
Các trại lợn này đều không có tên và nằm ẩn khuất phía trong đê sông Lèn. Chúng tôi phát hiện một trại lợn nằm gần đê sông Lèn xả nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối ra mương. Dòng mương nổi váng, nhiều đoạn nước thải se lại thành những khối bùn đen. Phía bên trong các trại lợn có một vài túi bioga nhỏ, còn lại là các ao chứa bằng đất dễ dàng thẩm thấu ra ngoài môi trường.
Trong số các trại này có thể kể đến trại lợn của ông Trần Văn Quyết, trại của ông Vũ Văn Chương (ông Chương đã mất và do con trai Vũ Văn Chiến quản lý) và trại của bà Mai Thị Quế.
Được biết, bà Mai Thị Quế một mình quản lý 4 trang trại với tổng số khoảng 2.000 con lợn. Các trại của bà Quế đều gây ô nhiễm môi trường nước và không khí nhưng chính quyền các cấp vẫn chưa có hình thức xử lý nào để ngăn chặn.
“Chúng tôi kiểm tra thường xuyên và bằng mắt thường phát hiện trại của ông Trần Văn Quyết có nước màu đen chảy ra, báo cáo lên UBND huyện Nga Sơn và yêu cầu gia đình ông Quyết thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường. Thực tế, các trại đã khắc phục một phần nhưng phải khẳng định 10/10 trại hiện vẫn đang gây ô nhiễm” – ông Mai Trọng Dụng, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Thủy cho hay.
Nga Sơn là địa bàn có rất nhiều trại chăn nuôi lợn. Người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn gây ra, nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi gà.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Nga Sơn, trên địa bàn có 48 trang trại chăn nuôi lợn. Trong đó có không ít hộ ý thức bảo vệ môi trường rất kém. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở đây rất lỏng lẻo.
“Cách đây 5 năm chúng tôi có tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của toàn bộ các trại lợn nhưng lâu nay chưa thực sự quan tâm. Sắp tới chúng tôi sẽ thanh kiểm tra để chấn chỉnh” – ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho hay.
5 trang trại lợn tại huyện Như Xuân tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm
Năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 3642/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi công nghiệp tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân.
Chủ đầu tư là Công ty CP Lam Sơn Như Xuân, có địa chỉ tại thôn 8, xã Xuân Hòa. Mục tiêu đầu tư là chăn nuôi lợn thịt, công suất 50.000 con/năm, diện tích gần 34ha.
Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư nâng diện tích sử dụng đất lên 39ha, công suất 60.000 con/năm.
Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có quyết định số 5564/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP Đầu tư và Chăn nuôi Sơn Long Như Xuân, địa chỉ tại thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa.
Mục tiêu của dự án là chăn nuôi heo nái sinh sản theo quy trình tập trung, công suất 4.600 con heo/tháng, trên tổng diện tích đất hơn 18ha.
Ngày 2/12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng một ngày ra 2 quyết định, cụ thể tại quyết định số 5158, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại nuôi heo nái công nghệ cao cho Công ty TNHH nông nghiệp Song Dương, diện tích hơn 30ha.
Tại quyết định số 5159 tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty TNHH nông nghiệp Golden Goat thực hiện dự án với tổng diện tích hơn 20ha. Cả hai công ty trên đều có công suất 5.000 con heo nái, 60 con heo đực phối giống, 12.600 con heo con theo mẹ.
Mới đây nhất, vào ngày 4/8/2021, UBDN tỉnh Thanh Hóa lại có quyết định số 2935/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Hoa Lư thực hiện dự án trang trại chăn nuôi tập trung kết hợp trồng, sản xuất giống cây trồng, cây lâm nghiệp và cây dược liệu, diện tích sử dụng đất khoảng 49,5ha, công suất 5.000 con lợn nái/năm và 60.000 con lợn thương phẩm/năm.
Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, việc xã ông có 5 trang trại lợn là do tỉnh chấp thuận chủ trương. Thực tế địa phương cũng không muốn. Theo lý giải của ông Tuyên, có nhiều trang trại lợn như vậy không thể chánh khỏi việc ô nhiễm môi trường về sau này.
“Khi các ngành về kiểm tra, địa phương chỉ được tham gia ý kiến là có gần khu dân cư hay không, và có gần sông, suối hay không. Xã tôi sông suối cách xa, khu dân cư cũng cách xa so với quy định xây dựng trang trại. Tuy nhiên sẽ không chánh khỏi việc ô nhiễm không khí và mạch nước ngầm”, ông Tuyên cho biết.
Cũng theo ông Tuyên, hiện 5 trang trại lợn được chấp thuận chủ trương thì mới có một trang trại của Công ty Sơn Long Như Xuân đi vào hoạt động và đang nuôi thử nghiệm.
Công ty TNHH nông nghiệp Song Dương và Golden Goat đã được tỉnh Thanh Hóa cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đơn vị đang tiến hành san gạt mặt bằng.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, Xuân Hòa là xã có diện tích rộng hơn 110km2, dân số chỉ hơn 3000 người. Huyện trên cơ sở ý kiến khảo sát của các ngành, căn cứ vào các quy định mà không vi phạm vào cái gì thì cũng thống nhất.
“Sau khi có chấp thuận chủ trương đầu tư, các đơn vị sẽ có đánh giá tác động môi trường. Đối với trách nhiệm của huyện sẽ rất sát từ khâu thẩm định, thiết kế, thi công. Trong quá trình vận hành, nếu có hiện tượng ô nhiễm môi trường huyện sẽ vào cuộc ngay.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 13 trang trại, 5 cái đã đi vào hoạt động. Chúng tôi nhận thấy yếu tố nguy cơ ô nhiễm môi trường về lâu dài là sẽ có. Hướng của huyện, trong thời gian tới sẽ ưu tên tập trung cho phát triển trang trại gia cầm nhiều hơn”, ông Tuấn cho biết.
Cần một giải pháp tổng thể
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.