Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 6 năm 2022 | 14:17

Ô nhiễm nước, không khí, rác thải sinh hoạt đang bủa vây Hà Nội, TP.HCM

3 vấn nạn ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải sinh hoạt đang ngày càng gia tăng áp lực lên các đô thị Việt Nam, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM…

3 loại ô nhiễm bủa vây

Cụ thể, rác thải sinh hoạt trong năm 2021 phát sinh ngày càng lớn, có cơ cấu thành phần phức tạp. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn 47/63 tỉnh/thành phố là khoảng 53.048 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 31.381 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 21.667tấn/ngày. Các địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 36%. Riêng Hà Nội phát sinh trên 6.000 tấn/ngày, TP.HCM là 8.900 tấn/ngày.

Báo cáo cho hay rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước.

 

rac-un-ha-noi-1-7282.jpg
Rác thải sinh hoạt đang là vấn nạn đối với các đô thị lớn tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM

“Hiện nay, vẫn còn lượng CTRSH đô thị và CTRSH nông thôn chưa được thu gom, xử lý theo quy định và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, tại các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng CTRSH kéo dài, gây mùi khó chịu, khiến người dân bức xúc do môi trường sống bị ô nhiễm” - báo cáo nêu.

Hầu hết CTRSH chưa được phân loại tại nguồn. Khoảng 70% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, trong đó chỉ có 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại không hợp vệ sinh, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Báo cáo cho hay ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện. Nhất là ô nhiễm nước ở các dòng sông chảy qua địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân do hạ tầng các đô thị chưa đáp ứng, nước thải sinh hoạt bị xả thẳng ra môi trường mà không được xử lý.

Báo cáo cho biết cả nước hiện có 71 nhà máy/trạm xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.383.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn thấp. Trong khi đó giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải quá thấp (trung bình chỉ bằng khoảng 10% giá nước sạch), chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội và TP. HCM tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Có thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu.

Giải pháp xử lý

Báo cáo cho biết về quản lý chất thải rắn, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường của các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt. Đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện, thay cho chôn lấp và đang triển khai 08 dự án với công suất xử lý 11.100 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 157MW.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ 47/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2021, tỷ lệ CTRSH được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,28%vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (89%)

Về quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước, báo cáo cho hay Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, kênh, rạch trong các đô thị, khu dân cư, làng nghề thông qua việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để cải tạo, xử lý ô nhiễm các hồ, sông, kênh, rạch.

Về giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí, đặc biệt khí thải từ phương tiện giao thông, báo cáo cho hay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 với nhiều nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Theo đó, các bộ ngành liên quan như Bộ TN&MT, Bộ GTVT cũng đã triển khai hoàng loạt kế hoạch để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Một trong những giải pháp đáng chú ý là việc rà soát các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã ban hành và đề xuất chỉnh sửa, thay thế (thực hiện trong giai đoạn 2022-2025). Triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5, đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Cùng với đó là đầu tư, ứng dụng công nghệ để hoàn thiện nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo môi trường; Theo dõi, cập nhập thông tin chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho người dân.

Cần sự chung tay của toàn xã hội
 
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, chất lượng không khí chuyển xấu vào thời điểm này là điều có thể lý giải được và nó đã diễn ra trong nhiều năm qua. "Vào mùa hè, thời tiết có nhiều nắng, gió, mưa… tạo điều kiện cho việc khuếch tán không khí. Tuy nhiên, khi mùa Đông đến, thời tiết rất ít gió, ít nắng, độ ẩm không khí cao… khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán được, tích tụ gây ra tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài", TS. Hoàng Dương Tùng nói.

TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ hạn chế phương tiện cá nhân, không cho phép lưu hành các phương tiện không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đồng thời, sớm di dời các nhà máy ra khỏi nội đô, xử lý nghiêm các cơ sở phát sinh khí thải vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng đến môi trường, CLKK.

Đồng quan điểm này, Thạc sỹ Nguyễn Văn Chiến – Viện Chuyên ngành Môi trường, Viện Khoc học Công nghệ GTVT nhấn mạnh vai trò của các cơ quan chức năng, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện đường bộ. Trong đó, cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân. Ban hành các tiêu chuẩn khi thải theo hướng siết chặt phát thải theo từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện kỹ thuật, KT-XH…
 
z3022495248225-4c80bcfed48fd903adbff9eeb1093c22.jpg
Tình trạng đốt rác cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí ngày càng xấu đi.

 

Chia sẻ về công tác giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, hiện TP đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí như; xóa được hơn 98% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt 99 - 100% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô…
 
"Đặc biệt, TP vừa mới triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện CLKK. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; yêu cầu các đơn vị VSMT tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải... nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm", Phó Giám đốc Sở TN&MT Mai Trọng Thái cho biết. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, để cải thiện chất lượng môi trường không khí thì một mình Hà Nội không thể làm được mà cần phải có sự chung sức từ các bộ, ngành, địa phương khác trong triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hạn chế phát sinh nguồn gây ô nhiễm ra môi trường.
 
 
 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top