Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 9 năm 2016 | 8:15

Ông Obama thăm Lào: Cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Đông Nam Á

Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm Lào của ông Obama sẽ làm nổi bật cuộc đua giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tối 5/9, Tổng thống Barack Obama đã đặt chân đến sân bay quốc tế Wattay, bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 ngày CHDCND Lào. Chuyến thăm của ông Obama đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Lào. Đây là chuyến thăm được đánh giá mang tính lịch sử, nhằm xây dựng lại lòng tin, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.

ong obama tham lao: canh tranh anh huong voi trung quoc o dong nam a hinh 0
Tổng thống Mỹ bước xuống từ chuyên cơ tại sân bay quốc tế Wattay. (Ảnh: AFP)

Theo kế hoạch, tại Lào, Tổng thống Obama sẽ dự hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ và nhiều hội nghị liên quan khác, cũng như có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao của Lào, gặp song phương với các nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. 

Chuyến thăm lịch sử

Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm Lào của Tổng Mỹ Barack Obama có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi nó diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang muốn tìm cách trấn an các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á rằng, cam kết mạnh mẽ của Mỹ về “chiến lược tái cân bằng” là không hề thay đổi.

Điều này dường như càng có ý nghĩa hơn sau khi mối quan hệ với Philippines - đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Nam Á thời gian gần đây đang liên tiếp gặp “sự cố” sau khi nước này có Tổng thống mới.

Chuyến công du lần này của ông Obama có lẽ là chuyến thăm Đông Nam Á lần cuối cùng trên cương vị Tổng thống trước khi rời nhiệm sở vào đầu năm 2017. Trên thực tế, khu vực này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt trong suốt nhiệm kỳ của ông Obama bởi Mỹ coi đây là trọng tâm trong “chiến lược xoay trục” để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bằng cách củng cố quan hệ ngoại giao với các quốc gia Đông Nam Á, chính quyền Tổng thống Obama công khai ý định cạnh tranh, giành ảnh hưởng và tiếp cận các thị trường vốn đã bị Trung Quốc chi phối.

Bài viết mới đây trên tờ South China Morning Post cho biết, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Lào, với khoảng 760 dự án đầu tư trị giá khoảng 6,7 tỷ USD.

Tờ báo dẫn lời nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan nhận định: “Lào có quan hệ với nhiều nước ASEAN nhưng Trung Quốc thực sự là đối tác lớn”.

ong obama tham lao: canh tranh anh huong voi trung quoc o dong nam a hinh 1
Chuyến thăm của ông Obama đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Lào. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, việc Mỹ xoay trục sang châu Á cũng là yếu tố thuận lợi cho Lào và “Lào đang muốn ‘hâm nóng’ quan hệ với Mỹ", chuyên gia Pongsudhirak nói.

Carl Thayer, chuyên gia tại Học viện quốc phòng Australia cho rằng, chiến lược trong chính sách đối ngoại của Lào là nhằm duy trì sự độc lập nhất định về ngoại giao. Do đó, thiết lập quan hệ với Mỹ là một ưu tiên chính sách của Lào nhằm cân bằng các chính sách ngoại giao và kinh tế.

Hồi tháng 2/2016, Mỹ và Lào đã ký kết một thỏa thuận khung về hợp tác đầu tư và thương mại, lập một diễn đàn để thảo luận các vấn đề kinh tế, thương mại. Theo khảo sát của Phòng thương mại Mỹ, có khoảng 58% doanh nghiệp Mỹ có quan hệ với Lào đều hy vọng có thể mở rộng lực lượng lao động tại Lào.

Bóng ma của chính sách Mỹ trong quá khứ vẫn hiện hữu

Trong những năm 1960 và 1970, máy bay Mỹ đã dội “mưa bom” xuống những ngôi làng yên bình của Lào khi mà cuộc chiến tranh Việt Nam vượt ra khỏi biên giới. Chính phủ Lào ước tính có hơn 2 triệu tấn bom đã trút xuống lãnh thổ nước này trong khoảng 500.000 cuộc tấn công của máy bay Mỹ.

Điều đáng nói là trong số hơn 2 triệu tấn bom ấy, còn khoảng 80 triệu quả bom chưa phát nổ. Đây chính là những cái bẫy giết người bất cứ lúc nào.

Nhiều nguồn tin thân cận cho biết, khi có mặt ở Lào, ông Obama sẽ không ngần ngại thừa nhận hậu quả lịch sử để lại với sự phát triển của Lào. Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ công bố các khoản viện trợ để rà phá bom mìn, trong khi Chính phủ Lào sẽ cung cấp những trợ giúp cần thiết trong việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh.

ong obama tham lao: canh tranh anh huong voi trung quoc o dong nam a hinh 2
Tổng thống Mỹ có bài phát biểu tại trung tâm văn hóa quốc gia của Lào. (Ảnh: AP)

Trước khi lên chuyên cơ đến Lào, Tổng thống Obama cho biết, giải quyết hậu quả chiến tranh sẽ là một trong những công việc quan trọng và là cách để nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Một phụ tá của Tổng thống Mỹ tiết lộ, thông điệp mà ông Obama mang đến Lào cũng tương tự như thông điệp trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, đó là “quan tâm đến quá khứ, lưu tâm đến những khó khăn trong lịch sử nhưng tập trung hướng tới tương lai”.

Cũng giống như ở Việt Nam, khi có mặt tại Lào, Tổng thống Mỹ sẽ có buổi nói chuyện với những người trẻ tuổi để khuyến khích các ý tưởng hội nhập văn hóa, kinh doanh…

Anysay Keola, 33 tuổi, người sẽ có cơ hội được tham dự buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ, nhớ lại những câu chuyện của mẹ về ký ức chiến tranh: “Tôi vẫn nhớ giọng nói run run của mẹ tôi khi kể về những trận mưa bom trong quá khứ”.

Tuy nhiên, Keola cho biết, những ký ức “xấu xí” của chiến tranh đã bị lu mờ từ lâu, Keola cùng với những người bạn rất háo hức trước sự kiện một Tổng thống Mỹ đương nhiệm lần đầu tiên đến thăm Lào.

“Ông ấy là một người nổi tiếng và sự hiện diện của Tổng thống Mỹ trên đất nước chúng tôi là thông tin được mọi người bàn tán và chia sẻ trong những ngày qua”, Keola nói.

Trong khi Mỹ muốn gây ảnh hưởng về văn hóa đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Lào thì Trung Quốc lại là “người hàng xóm khổng lồ” đang tìm kiếm ảnh hưởng thông qua những hỗ trợ kinh tế.

Là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Lào đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi Trung Quốc cố tác động lên một số thành viên ASEAN về vấn đề Biển Đông. Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm lịch sử đến Lào của Tổng thống Obama sẽ làm nổi bật cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á giữa Mỹ và Trung Quốc./.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top