Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) có ý nghĩa quan trọng giúp nông thôn Yên Bái thay đổi rõ rệt.
Nông thôn mới đổi thay từ ý thức người dân
Người dân thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai tham gia dọn dẹp vệ sinh đường giao thông nông thôn.
Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, người dân ở thôn Loan Thượng, xã Tân Hương (huyện Yên Bình) còn e dè, ngại tham gia vào các hoạt động chung vì lo lắng về kinh phí, thời gian. Theo thời gian, sự tuyên truyền, vận động của địa phương dần giúp người dân nhận thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng quê hương.
Biểu hiện cụ thể là trong đợt ra quân làm đường giao thông nông thôn năm 2024, trên 200 hộ dân ở thôn Loan Thượng đã tích cực dọn dẹp vệ sinh đường thôn và mở rộng đường bê tông liên xóm từ 3m lên 5m với tổng chiều dài 300m. Công trình có kinh phí gần 200 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân tự nguyện đóng góp 150 triệu đồng.
Bà Trần Thị Hoàn – Bí thư Chi bộ thôn cho biết: "Từ mức đóng góp này cho thấy khát vọng mở rộng đường giao thông nông thôn của người dân còn rất lớn. Người dân đã trở thành chủ thể khi chủ động đề xuất ý kiến với Chi bộ về chương trình, kế hoạch và tự giác vận động nhau đóng góp tiền của, vật chất, sức lực để bê tông hóa, mở rộng đường giao thông nông thôn, đồng thời cũng tích cực tham gia giám sát, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường. Họ đã thể hiện khát vọng có thêm nhiều con đường rộng lớn để thuận lợi giao thương, trẻ em đến trường dễ dàng, các sản phẩm nông nghiệp cũng được giá, dễ tiêu thụ”.
Thôn Tiên Phong, xã Hán Đà hiện 100% đường liên thôn xóm đã bê tông hóa, có trang bị hệ thống chiếu sáng nên đòi hỏi việc quản lý, bảo trì, vệ sinh của người dân thường xuyên hơn mới đảm bảo tiêu chí "sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Bà Nguyễn Thị Tình, người dân trong thôn cho biết: "Xóm tôi mỗi nhà đóng góp gần 500 nghìn đồng để xây dựng hệ thống đường điện thắp sáng và duy tu bảo dưỡng. Tiền điện hàng tháng thì sẽ chia đều cho các hộ. Ví dụ, tháng này hết 100 nghìn tiền điện thì mỗi hộ đóng 10 nghìn đồng. Vậy cũng không tốn kém lắm mà đường sá lại luôn được sáng rõ vào buổi tối giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn”.
Từ ý thức xây dựng và duy trì hệ thống chiếu sáng đường giao thông nông thôn đã cho thấy người dân thôn Tiên Phong luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp hơn. Thế nên, trong xây dựng NTM, thôn Tiên Phong từng đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh từ hàng chục năm trước nay vẫn luôn là tập thể đi đầu các phong trào trong toàn xã Hán Đà.
Từ năm 2021 đến nay, nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng tiền mặt để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, lắp đặt điện "Thắp sáng đường quê" và xây dựng đường hoa. Năm 2022, thôn Tiên Phong đã trở thành thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã Hán Đà.
Đại Minh là 1 trong 2 xã NTM đầu tiên (năm 2016) và xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Yên Bình (năm 2023), hiện giờ người dân nơi đây đang say sưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng số vào trồng và chăm sóc những vườn bưởi hữu cơ, vườn bưởi VietGAP để có những vụ quả bội thu.
Từ cách tỉa cành, thụ phấn đến kỹ thuật chăm bón, thu hoạch các sản phẩm bưởi đặc sản Đại Minh đến bưởi Diễn, bưởi da xanh…, người dân đều học hỏi, giúp đỡ nhau để đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, năng suất. Được thế, đời sống người dân ngày một nâng cao, sức mạnh đoàn kết nhân lên trong phong trào xây dựng NTM xây làng quê mới khang trang, sạch đẹp, hiện đại, văn minh hơn.
Ông Nguyễn Văn Hòe – Trường thôn Khả Lĩnh chia sẻ: Xây dựng NTM kiểu mẫu, nhân dân trong thôn đều quyết tâm giữ vững các tiêu chí, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng đường liên thôn để xe cộ đi lại dễ dàng, xây dựng nhà cửa, đường làng khang trang, sạch đẹp để tạo khung cảnh làng quê thanh bình, trù phú.
Để làm được như vậy, người dân trong thôn đều tích cực giúp nhau phát triển kinh tế gắn liền với cây bưởi đặc sản, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thật nhiều vườn bưởi kiểu mẫu, vườn bưởi hữu cơ, vườn bưởi VietGAP để cùng nhau tham gia các cuộc thi, hội chợ thương mại do huyện, tỉnh tổ chức.
"Hiện nay, nhân dân trong thôn vẫn duy trì, chăm sóc tốt gần 100 ha bưởi, có những hộ gia đình thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng mỗi vụ bưởi. Nhiều hộ dân tham gia vào các tổ hợp tác, HTX tại địa phương đã thường xuyên quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm qua các cuộc hội chợ, các sàn thương mại điện tử cũng tích cực giúp các hộ khác tiếp cận với thị trường mới với giá cả ổn định”, ông Hòe cho biết thêm.
Được biết, xã Đại Minh hiện có trên 400 ha bưởi các loại, sản lượng hàng năm đạt trên 50 nghìn tấn, thu nhập bình quân từ trồng bưởi đạt trên 60 tỷ đồng. Trong hành trình xây dựng NTM, Đại Minh đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện trên 73 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 5,3 tỷ đồng. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,54%.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Yên Bình cho thấy, người dân đã phát huy tối đa sức mạnh của đoàn kết và hợp tác cộng đồng, là cơ sở để xây dựng NTM thành công. Người dân tích cực tham gia các hoạt động chung vào mỗi giờ, mỗi tuần; thực hiện nhiều phần việc như: cải tạo đường sá, xây dựng cảnh quan, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, người dân đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngay tại các nhà văn hóa thôn.
Người dân cũng không chỉ dựa vào nông nghiệp truyền thống mà đã khám phá, phát triển các nguồn thu khác như: phát triển các mô hình du lịch cộng đồng ở các xã Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Ngọc Chấn, Tân Hương, Cảm Nhân, Mông Sơn; duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Nùng thông qua các đội văn nghệ dân gian trong toàn huyện. Cùng với đó, thông qua các phong trào, phần việc "5 không 3 sạch” "6 không, 6 sạch”…, người dân đã nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách bền vững để duy trì cuộc sống và phát triển.
"Có thể nói xây dựng NTM không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm của người dân, mà còn là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng. Và những kết quả mà Yên Bình đạt được trong 13 năm xây dựng NTM đã minh chứng rằng sự đổi thay và phát triển bền vững có thể đạt được khi mọi người cùng đoàn kết, hợp tác và đồng lòng” - ông Trường khẳng định.
Kiên cố đường giao thông nông thôn
Linh hoạt trong giải pháp phát triển hệ thống giao thông nông thôn (GTNT), đến hết năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa trên 6.000 km đường GTNT, đạt tỉ lệ 74,6%; 100% xã có đường bê tông đến trung tâm, đóng góp tích cực cho tiêu chí hạ tầng giao thông để 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục lồng ghép các chương trình, đề án từng bước hoàn thiện hệ thống GTNT, đảm bảo theo quy hoạch xây dựng các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Tranh thủ thời tiết khô ráo, bà con thôn Tĩnh Hưng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cùng nhau đổ bê tông tuyến đường vào khu sản xuất của thôn. Tuyến đường có chiều dài hơn 200m, rộng 3m được Nhà nước hỗ trợ xi măng theo Đề án phát triển GTNT, người dân ủng hộ cát sỏi, ngày công để hoàn thành.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân 11 thôn của xã Hưng Khánh đã đóng góp vật liệu, ngày công bê tông hóa toàn bộ 35km đường thôn, liên thôn và đường vào các khu sản xuất. Các tuyến đường hoàn thành góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, giúp địa phương sớm hoàn thành tiêu chí về giao thông. Dự kiến hết năm nay, xã Hưng Khánh cơ bản hoàn thành kiên cố hóa đường GTNT, góp phần để Hưng Khánh duy trì các tiêu chí xã NTM nâng cao.
Cùng với Hưng Khánh; xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cũng đang phấn đấu hoàn thành bê tông hóa và mở rộng 11 km đường GTNT trong năm 2024. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư của huyện, Cát Thịnh đã xây dựng kế hoạch làm đường GTNT tại các thôn, chỉ đạo các thôn làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, huy động sự góp sức của người dân làm đường.
Người dân thôn Tĩnh Hưng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên chung tay làm đường thôn.
Những năm qua, phong trào kiên cố hóa, mở rộng đường GTNT đã diễn ra sôi nổi khắp các địa phương trong huyện Văn Chấn. Đến hết năm 2023, địa phương này đã kiên cố hóa và mở rộng được trên 100 km, trong đó bê tông hóa theo Đề án GTNT gần 74 km, đường bê tông xi măng lồng ghép các nguồn vốn 27km. Huyện cũng đã thực hiện được 58 công trình thoát nước và 4 cầu bê tông cốt thép, góp phần tạo động lực để nhân dân phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2023, Văn Chấn có 12/21 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Từ lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án, tận dụng nguồn đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân để phát triển GTNT gắn với xây dựng NTM,đến hết năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa trên 6 nghìn km đường GTNT, đạt tỉ lệ 74,6%; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm được kiên cố hóa, đóng góp tích cực cho tiêu chí hạ tầng giao thông để 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Để "giao thông đi trước" góp phần hình thành các trục động lực phát triển kinh tế, thời gian tới, ngành giao thông sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất với tỉnh các dự án giao thông trọng điểm, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn xây dựng và phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành kiên cố thêm khoảng 2.000 km đường GTNT, hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông trong XDNTM để toàn tỉnh có 126/150 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 46 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm cuối nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp.
Tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp trong câu chuyện của chính mình
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã tới thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên (Yên Bái) và làm việc với xã Việt Thành về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tại buổi làm việc, lãnh đạo xã Việt Thành cho biết, địa phương đã duy trì xã NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 và đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí tiêu chí xã NTM nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025.
Việt Thành cũng đã xây dựng đồ án quy hoạch chung, giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, được UBND huyện phê duyệt. Đặc biệt, xã có 2 vùng sản xuất hàng hóa tập trung là vùng trồng quế diện tích 725ha (trong đó sản xuất quế hữu cơ 477 ha); vùng trồng dâu 221ha. Trên địa bàn xã có 05 HTX, 4 doanh nghiệp và 42 tổ hợp tác trồng rừng, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia cầm. Các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp hoạt động và có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả.
Lãnh đạo huyện Trấn Yên giới thiệu với Bộ trưởng Lê Minh Hoan những sản phẩm nông nghiệp OCOP của địa phương.
Đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Việt Thành đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn trong thời gian tới, xã Việt Thành tiếp tục nỗ lực, cố gắng duy trì và phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều đó, Bộ trưởng cho rằng chính quyền địa phương cần định hướng, hỗ trợ và đồng hành cùng người dân, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong quá trình thực hiện các mô hình kinh tế, tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp trong câu chuyện của chính mình gắn với kết hợp du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường, thu hút du khách biết đến vùng trồng dâu nuôi tằm Việt Thành - miền quê nông thôn mới đáng sống.
Bộ trưởng cũng đề nghị xã Việt Thành và huyện Trấn Yên tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tích cực học tập, sáng tạo dựa trên điều kiện thực tế của địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM theo phương châm: "Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, xây dựng NTM không chỉ là việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn là việc xây dựng con người mới với tư duy và tầm nhìn mới.
Theo baoyenbai.com.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.