Đó là ý kiến của Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn tại buổi thị sát, chỉ đạo công tác chữa cháy rừng ở tỉnh Hà Tĩnh.
Triển khai hiệu quả giải pháp “4 tại chỗ”
Chiều 30/6, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN&PTNT cùng Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng và các sở ban ngành liên quan đã đến thị sát hiện trường, chỉ đạo công tác chữa cháy rừng tại rú Mồng Gà, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, khoảng 16h ngày 29/6 một đám cháy khởi phát từ khu vực rừng xã Ân Phú (huyện Vũ Quang), sau đó cháy lan sang các khu vực rừng xã Sơn Long, Sơn Trà, Sơn Bình (huyện Hương Sơn) đã được khống chế vào lúc 8h sáng cùng ngày. Tuy nhiên, do gió Lào thổi mạnh, độ dốc cao kết hợp thảm thực bì khô nỏ, nắng nóng gay gắt nên khoảng 10h trưa nay (30/6) lửa đã bùng cháy trở lại ở xã Sơn Trà.
“Hiện, gần 1.000 người bao gồm các lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Sơn, Công an phòng cháy chữa cháy, dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể địa phương, chủ rừng và người dân đang nỗ lực dập lửa”, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thông tin.
Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Lực lượng tham gia chữa cháy thời điểm này rất vất vả. Họ phải mang vác thêm nhiều dụng cụ chuyên dụng lại di chuyển trên địa hình dốc, gió Lào thổi mạnh, nắng nóng nên khi đến nơi hầu hết đã kiệt sức. Trong khi đó, nhu yếu phẩm tiếp tế cũng khó đến kịp thời nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy. Theo ông Huấn, giải pháp căn cơ hiện nay các lực lượng tham gia chữa cháy tập trung triển khai là chọn địa hình thuận lợi để phát đường băng ngăn lửa cháy lan; tập trung và tổ chức lực lượng chữa cháy tại khu vực rú Mồng Gà, không để lửa “ăn” sang diện tích rừng do BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố quản lý.
Qua đánh giá bước đầu vụ cháy liên huyện Vũ Quang, Hương Sơn gây thiệt hại 30 ha; trong đó khoảng 7 ha có rừng, số còn lại là lau lách, dây leo, thực bì khô.
Phải đảm bảo an toàn cho lực lượng chữa cháy và người dân
Kiểm tra và chỉ đạo công tác chữa cháy tại rú Mồng Gà, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn biểu dương tỉnh Hà Tĩnh trong việc phát hiện kịp thời điểm phát lửa, triển khai hiệu quả phương án “4 tại chỗ”.
Theo Thứ trưởng, trong điều kiện thời tiết bất lợi nhưng Hà Tĩnh đã huy động hàng nghìn lượt người dập lửa hàng chục giờ đồng hồ; nhiều chính quyền cơ sở, người dân tự giác bảo vệ tài sản của mình; đồng thời, tham gia đóng từng chai nước, nắm từng nắm cơm tiếp tế cho lực lượng chữa cháy. Tình nghĩa quân dân này rất đáng trân trọng, gìn giữ.
“Việc Hà Tĩnh cần làm bây giờ là khống chế đám cháy nhưng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng chữa cháy, người dân; bảo vệ tài sản nhà nước và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời, làm ẩm vật liệu cháy gần nhà dân để ngăn lửa cháy sang khu vực dân cư”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Theo dự báo khô hạn sẽ kéo dài thêm 2 tháng nữa, trong đó có khoảng 5 – 7 đợt nắng cực đoan như hiện nay. Do đó, vật liệu cháy sẽ tiếp tục tăng lên rất nhiều. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Hà Tĩnh vẫn phải thực hiện nghiêm phương án “4 tại chỗ”; ngăn nguồn lửa do người dân đem vào rừng; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là việc quản lý người vào rừng. Mặc dù trước mùa nắng nóng lực lượng chức năng đã quán triệt, ký cam kết rất nghiêm khắc đến tận hộ dân nhưng thực tế nhiều hộ dân vẫn chưa nhận thức tốt vấn đề này. Bài học từ vụ việc một hộ dân ở huyện Nghi Xuân đốt rác trong vườn gây cháy rừng vào năm ngoái là một ví dụ.
“Hiện, chúng tôi đang tập trung điều hành lực lượng tiếp cận điểm cháy xung yếu, ngăn không cho cháy sang các khu vực có mật độ rừng dày, thực bì nhiều, vật liệu cháy lớn. Kiểm soát nguồn phát lửa trong dân. Đặc biệt, trong phối hợp lực lượng, trường hợp phải chữa cháy kéo dài, anh em mệt mỏi thì phải thay đổi lực lượng thường xuyên để đảm bảo nhân lực trên hiện trường luôn tốt nhất”, ông Sơn chia sẻ thêm về các phương án chữa cháy địa phương đang triển khai.
Trà Giang