Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù thành phố đã có nhiều biện pháp xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm pháp luật..., tuy nhiên, hiệu quả chưa cao.
Tại Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 7/4, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã gợi ý một số nội dung liên quan vấn đề “Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025”.
Theo đó, đối với “Biện pháp giải quyết, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn TP Hà Nội”, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là vấn đề lớn, khó, có tính chất lịch sử, đã tồn tại qua nhiều giai đoạn trong bối cảnh có sự thay đổi về quy định pháp luật qua các thời kỳ.
Trên cơ sở danh mục các dự án đã được phân loại, đề xuất các nguyên tắc tiêu chí để xử lý đối với từng nhóm dự án cụ thể như: Nhóm dự án đủ điều kiện thu hồi theo quy định pháp luật, nhóm dự án cần tháo gỡ khó khăn, nhóm các dự án đủ điều kiện tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó, báo cáo, trình HĐND thành phố xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư và biện pháp giải quyết, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố.
"Nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố chỉ nêu các nguyên tắc, tiêu chí cơ bản mang tính chất hệ thống lại các biện pháp để triển khai thực hiện, không phải căn cứ pháp lý thay để các văn bản quy phạm pháp luật liên quan", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng nêu rõ, việc triển khai các nhiệm vụ này thể hiện quyết tâm của Thành ủy, HĐND thành phố và sự đồng hành cùng chính quyền trong việc giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Thành phố; góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, không để lãng phí tài nguyên.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung bàn kỹ, bàn sâu các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính căn cơ, lâu dài, phải công tâm, khách quan để đóng góp các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai.
Vừa đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, vừa bảo đảm công khai, minh bạch giúp cải thiện môi trường đầu tư và tạo nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Bàn về các vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, sau khi Thành ủy có Nghị quyết chỉ đạo HĐND thành phố thông qua Nghị quyết chuyên đề về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên trên địa bàn Hà Nội, UBND TP sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.
"Qua trao đổi, làm việc với các Ban HĐND thành phố, dự kiến sẽ trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết trên tinh thần không nêu danh mục dự án cụ thể. Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND thành phố và các sở, ngành công khai thông tin về các danh mục dự án để người dân biết, giám sát", ông Chu Ngọc Anh nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.