Di sản được xem là nguồn lực quan trọng để phát triển ngành du lịch. Nhiều địa phương nhờ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị của di sản mà di sản trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách tới tham quan.
Điểm sáng
Năm 1999, Khu phố cổ Hội An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư tu bổ các di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, có chính sách liên kết giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và bảo tồn đã đem lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Hiện, Di sản Văn hóa Hội An trở thành thương hiệu hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, Quảng Nam đón trên 4 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu khách quốc tế. Nguồn thu từ dịch vụ, du lịch giúp người dân và chủ di tích có điều kiện bảo tồn, tu bổ di tích.
Mới đây, Hội An đã dẫn đầu cuộc bình chọn thành phố tuyệt vời nhất năm 2019 do Tạp chí Travel and Leisure (Mỹ) tổ chức.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, tỉnh sẽ xây dựng Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm là điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái phục vụ du khách. Địa phương cũng thường xuyên hợp tác để bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị của các di sản.
Theo ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, Hội An đã trở thành một ví dụ điển hình cho những đóng góp của công tác bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể qua sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng địa phương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có văn hóa, vai trò và sự tham gia của cộng đồng địa phương được coi trọng.
”Di sản văn hóa là những giá trị mà cả cộng đồng cùng góp phần kiến tạo, di sản văn hóa nhắc nhở chúng ta về những giá trị mà chúng ta chia sẻ và những điểm chung thay vì những điều khác biệt. Đối với di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn, giá trị di sản chính là mối liên hệ với lịch sử của nhân loại và đây là giá trị đích thực của di sản”, ông Michael Croft nói.
Những năm gần đây, du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế có sự phát triển khá mạnh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh này đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,1 triệu người. Có được kết quả này là nhờ Thừa Thiên - Huế đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt, nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch.
Để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, các sản phẩm du lịch cao cấp và hiện đại để làm đối trọng và giảm sức chứa khách du lịch cho thành phố di sản Huế, Thừa Thiên - Huế đã thông qua Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề án, TP. Huế sẽ mở rộng từ 70,67km² lên khoảng 348,54 km², gấp 5 lần hiện tại. Cùng với đó, Thừa Thiên - Huế có chủ trương xây dựng Huế trở thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thương hiệu riêng của các địa phương có di sản. Di sản được coi là nguồn lực hấp dẫn của du lịch, phát triển du lịch bền vững gắn với di sản còn góp phần bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị của hệ thống di sản Việt Nam.
Di sản bị xâm hại
Tuy vậy hiện nay, tại nhiều địa phương, việc khai thác giá trị di sản trong phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế như: cơ sở hạ tầng yếu kém, tình trạng xâm hại cảnh quan; môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm; chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên còn yếu…
Báo chí gần đây phản ánh tình trạng xâm hại nghiêm trọng tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Hàng chục công trình không phép đang bê tông hóa vùng lõi di sản.
Qua khảo sát, kiểm tra, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nêu ra hàng loạt các công trình trái phép đã và đang xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới như: Công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh; công trình kè đầm tại hòn Vụng Ba Cửa, công trình kè đầm tại Vụng Ong; công trình kè đầm hòn Vụng Hà…
Tuy nhiên, thực tế thì những công trình vi phạm trên chỉ là một phần trong số hàng loạt công trình đang bê tông hóa các hòn đảo giữa vịnh.
Tại khu vực đền Bà Men, từ ngôi miếu nhỏ nay người ta dựng ngôi đền bê tông cốt thép quy mô lớn.
Hang Tiên Ông cũng đang được đổ bê tông lấn ra giữa vùng nước của vịnh để xây bến tàu, cầu cảng. Máy móc cơ giới được huy động như một đại công trường ngay giữa vùng lõi di sản. Động Mê Cung cũng đang bị máy móc cơ giới tác động không thương tiếc. Đây là 2 công trình do Ban quản lý vịnh Hạ Long đầu tư theo chủ trương nâng cấp bến tàu nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng tham quan.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vào cuộc kiểm tra, UNESCO đang xử lý theo quy trình để có khuyến nghị phù hợp.
Còn tại Ninh Bình, Công ty CP Du lịch Tràng An đã ngang nhiên đưa máy móc vào khoan đục từ chân núi Cái Hạ lên tới đỉnh núi, xây dựng khoảng hai nghìn bậc thang bê tông cốt thép.
Đây là vùng lõi di sản Tràng An. Việc xây dựng này vi phạm điều 13 Luật Di sản Văn hóa, phá vỡ cam kết với UNESCO.
Tỉnh Ninh Bình kết luận, việc làm trên đã vi phạm Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa năm 2009; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Quyết định 230 ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An…
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, hầu hết những công trình xây dựng xâm phạm di sản, thắng cảnh quốc gia đã qua mặt các cơ quan quản lý của địa phương để ngang nhiên tồn tại. Nếu các cơ quan quản lý địa phương làm đúng chức năng của mình sẽ không xảy ra tình trạng này.
Mới đây nhất là vi phạm tại đèo Mã Pí Lèng; Khu phố cổ Đồng Văn và Khu vực cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)...
Về những hạn chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vẫn còn những hạn chế, bất cập. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành chưa tốt. Chưa xử lý tốt quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản.
Giải pháp phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, di sản là tài nguyên du lịch không thể thay thế, cho nên giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc cái mới, cái xây dựng sau nhất thiết phải tôn trọng di sản gốc.
Những dự án phát triển du lịch gắn với khai thác di sản muốn triển khai, nhất định phải có sự tính toán, tham vấn kỹ lưỡng từ những chuyên gia di sản thông qua các hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá chi tiết những tác động đến di sản, từ đó bảo đảm khống chế các tác động ở mức độ cho phép.
TS. Mai Hà Phương, Trưởng Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, lưu ý, quan điểm gắn di sản với phát triển du lịch không có nghĩa là tất cả các di sản đều được phép khai thác du lịch. Có những di sản chưa, hoặc không được khai thác du lịch mà phải bảo tồn.
Trong phát triển du lịch tại các khu di sản, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ và quyền lợi của các bên tham gia, nhất là cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của di sản trong các hoạt động bảo vệ, quản lý và khai thác di sản.
Ở một khía cạnh khác, để khai thác được du lịch, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tìm nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ xã hội hóa để trùng tu, sửa chữa, tôn tạo các di sản, các di tích lịch sử - văn hóa, từ đó phục vụ cho phát triển du lịch.
TS Nikhil Joshi, Trường ĐH Quốc gia Singapore cho biết: Có một số quốc gia quan niệm rằng, di sản + du lịch = tiền. Liệu quan niệm này có phù hợp? Phải chăng công thức trên nghĩa là phát triển di sản gắn với du lịch để phát triển kinh tế? Tôi không muốn nói công thức và quan niệm bảo tồn di sản và phát triển kinh tế của một số quốc gia như trên là sai hay đúng, tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn, cần hết sức thận trọng trong việc bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế bền vững.
Có thể nói, phát triển du lịch và bảo tồn di sản là hai việc song song, hỗ trợ và có mối quan hệ hữu cơ mật thiết với nhau. Do vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ khi phát triển du lịch dựa trên thế mạnh là các di sản của mình.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.