Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 9 năm 2017 | 5:16

Phó Thủ tướng hạ lệnh cấm biển; sơ tán triệt để người dân khỏi vùng nguy hiểm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển; khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm.

 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đặt giới hạn đỏ đưa người, phương tiện vào bờ

Như đã đưa, sáng 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tất cả các tỉnh ven biển đã kêu gọi, kiểm đếm được 69.500 phương tiện biết được thông tin, diến biến bão.

Trong tọa độ nguy hiểm, có khoảng 4679 phương tiện, hiện các phương tiện này đều đã nắm được thông tin và đang di chuyển đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 tàu của tỉnh Thanh Hoá chưa nắm được thông tin, hiện đang tích cực liên lạc.

Có khoảng 315 lồng bè với khoảng hơn 4000 phương tiện đang hoạt động tại các khu vực ven biển.

Lực lượng Biên phòng hiện đã dừng tất cả các hoạt động không cần thiết, để cùng với các địa phương kêu gọi, hướng dẫn phương tiện vào nơi tránh trú an toàn. Mục tiêu là muộn nhất chiều tối nay các phương tiện phải vào nơi an toàn. Cùng với đó, đảm bảo chằng néo chắc chắn phương tiện đã vào nới tránh trú.

Đồng thời Biên phòng kiến nghị yêu cầu mọi phương tiện phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu, di chuyển vào nơi an toàn. Đặt ra giới hạn đỏ cho việc đưa người, phương tiện vào bờ là chiều tối nay, 14/9. Kiến nghị hạn chế phương tiện đi lại trên Quốc lộ 1.

Đưa những phương tiện có chức năng, khả năng cứu hộ cứu nạn đến những nơi xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, các tỉnh sẵn sàng phương tiện để phối hợp với các lực lượng công an, quân đội khi bão đổ bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, ngay sau cuộc họp này, tỉnh cũng sẽ họp trực tuyến với lãnh đạo các xã để chuẩn bị công tác ứng phó bão.

Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin, diễn biến bão, hiện đang di chuyển vào bờ.

 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, chỉ còn khoảng 5% diện tích lúa chưa thu hoạch, cùng với đó có khoảng 600ha cam đang chuẩn bị được thu hoạch. Do đó, nếu bão vào, đây sẽ là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất. Tỉnh cũng đã có các phương án đảm bảo an toàn cho hồ chứa, các đập thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn. Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo sơ tán người dân tại những vùng nguy hiểm ngay trong chiều nay theo phương châm tuyệt tối tuân thủ lệnh di dời theo các kịch bản ứng phó đã được phê duyệt.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, hiện còn 298 tàu chưa vào bờ, dự kiến sẽ vào trong chiều tối nay. Tỉnh cũng đã chỉ đạo xả bớt nước tại các hồ chứa lớn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Cho đến sáng nay, Quảng Bình đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh yêu cầu các lực lượng tiếp tục khẩn trương liên lạc với các phương tiện còn hoạt động trên biển, đặc biệt là 3 phương tiện chưa liên lạc được, kiên quyết yêu cầu phương tiện vào bờ neo đậu. Cùng với đó, việc tổ chức, sắp xếp, chằng néo phương tiện cần được đặc biệt lưu ý. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện vãng lai, phương tiện của địa phương khác; chủ động thông báo, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.

Nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Phó Thủ tướng  đánh giá cao sự chủ động của các cơ quan, lực lượng chức năng, của người dân trong triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, chủ động.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển.

Tiếp tục kiểm đếm, thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu khai thác thuỷ sản, tàu vận tải, tàu du lịch,…) biết diễn biến của bão, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

“Đây là trách nhiệm của các Đài thông tin duyên hải, Bộ Tư lệnh biên phòng, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, chính quyền địa phương ven biển và gia đình các chủ tàu”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển (bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị trên các giàn khoan, các công trình thăm dò, khai thác dầu khí, phương tiện liên quan đến hoạt động của dầu khí; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, các vùng biển đảo, các nhà giàn.

 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14/9.

Cùng với đó, phải đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn, đối với khu vực vùng tâm bão có khả năng đổ bộ có thể kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu như một số trận bão trước đây; chủ động di dời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi.

Khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền (kể cả ở nơi neo đậu) khi bão đổ bộ vào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là các khu vực xung yếu, công trình đang thi công. Những việc này phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến ven biển vào trưa ngày 15/9.

Trong đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất. Khi cần thiết, huy động lực lượng vũ trang, thanh niên,... hỗ trợ nhân dân thu hoạch.

Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, công trình, đặc biệt lưu ý đối với những thiết bị, công trình dạng cột, tháp cao như cần cẩu, tháp truyền hình, cột ăng ten có chiều cao lớn, biển quảng cáo cỡ lớn, hệ thống lưới điện,…; chủ động chặt tỉa, có biện pháp bảo vệ cây xanh để hạn chế thiệt hại, nhất là tại các đô thị.

Các Bộ, ngành, địa phương được yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện.

Chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, đường hàng không tại các khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Yêu cầu Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn duy trì ứng trực, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.

“Đảm bảo an toàn cho người và tài sản, an ninh tại các khu vực người dân sơ tán, an toàn tài sản cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục tăng cường thông tin, cập nhật kịp thời diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó, tránh chủ quan.

Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã vào Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo chống bão.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top