Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 11 năm 2020 | 12:48

Phú Yên: Ngành Nông nghiệp thiệt hại nặng sau mưa bão

Những ngày này, người dân Phú Yên đang tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục phần nào thiệt hại nặng nề do mưa bão.

t36.jpg
Nhiều ngôi nhà của người dân, trường học ngập sâu trong lũ.

 

Ruộng vườn ngập nước, đất canh tác bị bồi lấp

Bão số 12 đi qua khiến Phú Yên có 1 người mất tích, 2 người bị thương; hơn 16.600 ngôi nhà ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An, TX. Sông Cầu và TP. Tuy Hòa bị ngập từ 0,5-1,5m; 76 nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái. Hơn 1.180m kênh mương bị sạt, cuốn trôi; hơn 120ha hoa màu, hơn 200ha mía, khoảng 350ha lúa bị ngã đổ, ngập nước, khoảng 2.570 con gà, vịt bị chết và cuốn trôi, 5 chiếc xuồng (dưới 20CV) bị chìm; hơn 260ha ao đìa nuôi tôm, cua, cá các loại bị thiệt hại từ 50-100%; gãy đổ 73 cột điện, 39/110 xã bị mất điện…

Theo UBND tỉnh Phú Yên, ngay sau khi nước rút, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng dân quân, đoàn thể cùng nhân dân vệ sinh đồng ruộng, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp để báo cáo tỉnh kịp thời hỗ trợ. Đồng thời huy động lực lượng tu sửa kênh mương, khơi thông dòng chảy để để ruộng đồng thoát nước, người dân khôi phục sản xuất.

Tại huyện miền núi Đồng Xuân, mưa lũ đã làm cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn. Ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Do địa phương ở vùng thấp trũng, nằm ven sông Kỳ Lộ nên hầu hết địa bàn đều bị ngập sâu trên 1m. Qua báo cáo sơ bộ, toàn huyện có nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại và hầu hết diện tích nằm ven sông, suối bị bồi lấp nặng. Nhiều diện tích lúa, bắp (ngô), sắn không có khả năng khôi phục.

Sau bão lũ, cánh đồng trồng sắn của người dân xã Xuân Phước bị ngã rạp, củ sắn bị nước lũ cào trồi lên khỏi mặt đất, người dân nhìn không khỏi xót xa. Ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Xuân Phước buồn rầu nói: “Toàn bộ hơn 4ha sắn khoảng 1 tháng nữa đến thời kỳ thu hoạch bị nhấn chìm trong biển nước, ước thiệt hại gần 200 triệu đồng. Khối lượng đất bồi lấp và rác quá lớn khiến công tác khắc phục của gia đình gặp không ít khó khăn”.

 

t37.jpgHoa màu của người dân bị ngã rạp.

 

Tại TP. Tuy Hòa, sau nhiều ngày mưa dầm, giờ đây, hơn 5 sào rau muống của gia đình bà Lê Thị Bé ở phường 5 ngập lênh láng nước; ước thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Bà Bé cho biết, ngập nước nhiều ngày nên rau muống bị úng thối và chết dần. Mang tiếng là nhà trồng rau nhưng hiện đến một cọng rau muống gia đình cũng không có mà ăn.

Thuỷ điện vẫn xả lũ, người dân lo lắng

Huyện Đồng Xuân là một trong những địa phương bị ngập nặng sau bão số 12. Mưa lớn cộng với nước xả lũ từ các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khiến 11 xã, thị trấn ở huyện miền núi này bị cô lập hoàn toàn. Nhiều tuyến đường  bị ngập sâu đến 2m.

Cùng người thân quét nước, dội rửa bùn đất để làm sạch nhà sau lũ, bà Trần Thị Sen ở thị trấn La Hai, cho biết: “Người dân nơi đây không lạ gì với nước lũ. Mỗi khi đến mùa mưa bão, chúng tôi đều chủ động phòng chống. Tuy nhiên năm nay, nước lên quá nhanh, lại chảy mạnh, nhiều gia đình trở tay không kịp nên đa phần vật dụng, đồ đạc trong nhà bị ướt, hư hỏng hết. Tội nhất là những gia đình buôn bán, trong nhà trữ nhiều hàng hóa, không dọn kịp nên thiệt hại không nhỏ”.

 

t37a.jpg
Nhiều công trình bị thiệt hại nặng.

 

Tại huyện Tuy An, nhiều khu dân cư ở vùng trũng thuộc các xã An Định, An Nghiệp, An Thạch... vẫn còn ngập sâu trong nước. Lực lượng bộ đội đã về các điểm xung yếu, trũng thấp để tiếp tục di dời dân và ứng cứu các trường hợp khẩn cấp. Ông Nguyễn Bá Hòa, ở xã An Định, nói: Đợt này, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh quá, phần nào di dời được chúng tôi đã di dời, phần nào dọn không kịp thì đành để ngâm trong nước. Khổ nhất là hiện nay giếng nước cũng ngập, nước uống đang cạn dần nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với TX. Sông Cầu, các hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nhất. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo báo cáo ban đầu của các xã, phường, hàng chục hộ nuôi tôm hùm và các loại cá biển ở khu vực vịnh Xuân Đài có thủy sản nuôi bị chết, nguyên nhân do ảnh hưởng nước lũ. Phòng Kinh tế thị xã đã yêu cầu các địa phương trên địa bàn có nuôi thủy sản khẩn trương thống kê thiệt hại, trong đó có thủy sản nuôi.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết, đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành lấy mẫu tôm, cá nuôi bị chết và mẫu nước vùng nuôi đi xét nghiệm để có kết luận chính xác về tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt sau bão.

Điều đáng lo ngại là, trong khi nhiều khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn ngập sâu thì Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ phải vận hành xả lũ về hạ du với tổng lưu lượng 4.500 m3/s, lớn nhất trong mùa mưa năm nay. Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ điều tiết mức xả với lưu lượng phù hợp, nhất là trong thời điểm triều cường, để tránh gây áp lực ngập lụt cho vùng hạ du sông Ba, đặc biệt là TP. Tuy Hòa nhưng lãnh đạo nhà máy này cho biết, hiện mưa lớn đang diễn ra ở các tỉnh Tây Nguyên nên lưu lượng nước đổ về sông Ba nhiều. Nếu thời tiết vẫn bất lợi thì nhà máy sẽ phải xin ý kiến UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ. Như vậy, dự kiến sẽ có hàng ngàn người dân ở vùng hạ du phải sơ tán khẩn cấp.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện cùng người dân khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, lũ lụt gây ra. Các địa phương tiếp tục nắm tình hình, ứng cứu kịp thời các khu dân cư còn ngập lụt, chia cắt, không để người dân thiếu đói, không có nơi ở, đồng thời tiếp tục thống kê thiệt hại, đề xuất kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm sớm ổn định đời sống người dân.

 

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top