Chung cư An Sương (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh Niên Xung Phong (TNXP) đầu tư, dù đã đi vào hoạt động hơn 5 năm nay nhưng “nổi cộm” nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể là khu xử lý nước thải vẫn không được sử dụng, tiền phí bảo trì 2% vẫn chưa được bàn giao hết cho Ban quản trị (BQT), việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, cơi nới xây dựng trái phép khu vực xung quanh chung cư vẫn diễn ra...
>> Quận 12 (TP. Hồ Chí Minh): Công trình không phép xây dựng trên đất công
>> Chung cư An Sương: Chủ đầu tư bị tố chiếm giữ hàng tỷ đồng phí bảo trì
Hơn 5 năm khu xử lý nước thải vẫn chưa được bàn giao
Liên quan tới việc những “lùm xùm” tại chung cư An Sương (quận 12), Báo Kinh tế nông thôn đã đăng tải bài viết trên website www.kinhtenongthon.com.vn số xuất bản ngày 6-5-2016 với tiêu đề “Chung cư An Sương: Chủ đầu tư bị tố chiếm giữ hàng tỷ đồng phí bảo trì”. Tiếp đó, Ban bạn đọc của báo tiếp tục nhận được đơn của BQT chung cư An Sương phản ánh về việc chủ đầu tư chưa hoàn trả hết tiền phí 2% cộng với lãi suất có định kỳ và việc chưa bàn giao khu xử lý nước thải cho BQT chung cư. Cụ thể, BQT chung cư phản ánh trước đó đã được phía chủ đầu tư chuyển tiền phí 2% cho BQT làm hai đợt. Đợt 1 vào tháng 10-2015 với số tiền 1 tỷ đồng, đợt 2 vào tháng 6-2016 với số tiền 1,9 tỷ đồng trong tổng số gần 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền còn lại gần nửa tỷ đồng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cho BQT chung cư. Mặt khác, BQT cũng phản ánh việc chung cư đã đi vào hoạt động hơn 5 năm nay nhưng khu xử lý nước thải vẫn trong tình trạng “mới tinh” vì không được sử dụng, cũng như chưa được bàn giao cho phía BQT chung cư để đưa vào vận hành. Do đó, nước thải sinh hoạt của hàng trăm cư dân tại chung cư chưa qua xử lý bị xả thẳng ra ngoài môi trường.
Xe tải đậu trái phép trên vỉa hè ở mặt trước chung cư An Sương
Nhiều xe tải, hàng hóa chiếm dụng lòng đường, vỉa hè phía mặt sau chung cư An Sương hướng vào UBND phường Trung Mỹ Tây cách đó khoảng 200m.
Trước đó, theo Quyết định số 5413/UBND-ĐT ngày 10-9-2015 của UBND quận 12, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày BQT nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao toàn bộ kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho BQT để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của luật và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh biết. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao quỹ này thì BQT nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quyết định của Chính phủ.
Ngoài ra, nhiều cư dân cũng phản ánh xung quanh khu vực chung cư An Sương, việc dùng vỉa hè, lòng đường làm nơi tập kết hàng hóa, dừng đậu xe trái phép, xây dựng tường rào bao bọc giáp khu vực nhà trẻ Hương Sen tại chung cư trên phần đất dự phóng làm đường, chưa có giấp phép xây dựng của chính quyền địa phương vẫn diễn ra.
Chính quyền “làm ngơ”?
Nhằm làm rõ các vấn đề mà cư dân cũng như BQT chung cư phản ánh, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã liên hệ với các cơ quan liên quan. Theo đó, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lâm Quân Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây thông tin: Việc xây dựng tường rào bao quanh tiếp giáp với nhà trẻ Hương Sen dưới góc độ địa phương, pháp lý, phần đất này thuộc đất quy hoạch lộ giới làm đường dự phóng. Ông Vương cũng cho biết, chính quyền địa phương không cấp phép cho việc xây dựng này, nhưng phía nhà trẻ Hương Sen đã có văn bản xin ý kiến UBND quận 12 về vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến nay phường chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào của quận.
Trường mầm non Hương Sen với tường rào bao bọc trên phần đất được quy hoạch làm đường dự phóng
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên đã có buổi trao đổi với Phó Chánh văn phòng UBND quận 12 về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý địa bàn cơ sở, trách nhiệm của các ngành quản lý về đô thị của quận 12 như thế nào khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép như vậy mà trong một thời gian dài không có biện pháp gì xử lý. Đồng thời, phóng viên cũng đề cập tới việc hàng trăm hộ dân tại chung cư An Sương trong nhiều năm qua vì khu xử lý nước thải không đi vào hoạt động nên nước thải bị xả trực tiếp ra ngoài môi trường (không qua xử lý). Vậy với trách nhiệm quản lý cơ sở, UBND phường Trung Mỹ Tây, UBND quận 12 có biết vấn đề này hay không? Việc phóng viên đã 2 lần phản ánh với lãnh đạo UBND phường Trung Mỹ Tây vấn đề này nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ” không được xử lý triệt để thì trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức khi để nước chưa qua xử lý xả trực tiếp ra ngoài môi trường sẽ như thế nào? Tình trạng này khi nào mới được khắc phục triệt để? Tất cả các vấn đề nói trên cũng đã trình lãnh đạo UBND quận 12 xem xét, tuy nhiên sau nhiều lần liên hệ, phóng viên chỉ nhận câu trả lời chung chung “vấn đề anh trao đổi đã trình lãnh đạo, tuy nhiên nội dung anh hỏi có liên quan tới 3, 4 đơn vị nên mất thời gian”. Phó Chánh văn phòng UBND quận 12 cho biết sẽ có văn bản để trả lời về các vấn đề liên quan.
Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục tìm hiểu vụ việc để thông tin tới bạn đọc.
Nhóm phóng viên
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.