Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 6 năm 2020 | 11:14

Quảng Nam: Ruộng nứt nẻ, lúa khô héo

Từ đầu mùa khô đến nay, cánh đồng Cả có tổng diện tích trên 50ha của hàng trăm hộ dân thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) lúa bị chết cháy gần hết…

Bất lực nhìn lúa cháy
 
Sau nhiều ngày dùng đủ mọi cách chống hạn để cứu 03 sào lúa ở cánh đồng Cả không thành, lão nông Nguyễn Quang Hòa ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, đành bất lực chấp nhận cảnh mất trắng, khi ruộng lúa của mình bị chết cháy gần hết.
 
Ruộng lúa ở cánh đồng Cả tại thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) khô nứt nẻ
Ruộng lúa ở cánh đồng Cả tại thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) khô nứt nẻ.

 

Ông Hòa lắc đầu ngao ngán: “Chỉ một tuần nữa mà trời không mưa thì bỏ thôi chứ không thể cứu được ruộng lúa nữa. Bình thường mọi năm, cả khu vực đồng này lấy nước ở trạm bơm từ hồ Phú Ninh ra nhưng năm nay, nước chỉ về một lần, không đủ để tưới cho toàn bộ cánh đồng. Tưới được giọt nào cho ruộng lúa thì cũng không thấm vào đâu, như muối bỏ bể; 3 sào của tôi cũng bó tay, chắc mất trắng vụ này”.
 
Cánh đồng Cả có tổng diện tích trên 50 hecta là sinh kế của hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu xã Trà Kiệu Tây. Từ đầu mùa khô đến nay, dù đã làm đủ mọi cách để cứu lúa, nhưng nhiều nông dân ở đây cũng đành thả tay, chấp nhận chịu cảnh mất trắng.
 
Ông Nguyễn Văn Sáu, phó Giám đốc Hợp tác xã Duy Sơn cho biết, hiện tại lúa trong giai đoạn đẻ nhánh, nhiều diện tích lúa phụ thuộc nước tưới từ trạm bơm Hoàn Châu đang bị khô cháy không thể phục hồi do thiếu nước. Hợp tác xã đang thuê máy móc và nhân công nạo vét bùn, cát lòng hồ, suối tận dụng mạch nước ngầm để chống hạn cứu lúa. Tuy nhiên, sắp tới mà vẫn không có mưa thì trạm bơm Hoàn Châu không thể đảm bảo nước tưới cho khu vực này.
 
Cánh đồng Cả lấy lượng nước thừa của hồ chứa Phú Ninh nhưng năm nay hồ Phú Ninh cũng khô cạn, không có nước, máy bơm phải hoạt động cầm chừng. Từ đầu vụ đến giờ cũng chỉ có một cơn mưa ngày 29/5 chỉ tích trữ được một lượng nước rất ít, không đủ để cứu lúa. Trước mắt, chúng tôi tập trung nạo vét lòng hồ, lòng suối để tận dụng mạch nước ngầm cứu chữa được diện tích nào hay diện tích đó.
 
Tập trung cứu lúa
 
Ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, năm nay, từ đầu vụ Đông Xuân đã xuất hiện tình trạng khô hạn, nhiễm mặn và kéo dài đến nay nên việc sản xuất hết sức khó khăn về nguồn nước tưới. Các hồ đập Khe Cát, Cây Sơn đều ở dưới mực nước chết.
 
Không có nước, máy bơm phải hoạt động cầm chừng
Không có nước, máy bơm phải hoạt động cầm chừng

 

Hiện nay, huyện đã dựng một số trạm bơm dã chiến và khởi công một số trạm bơm để dự phòng cho cuối vụ vụ Hè Thu. Tuy nhiên, độ mặn đo được tại khu vực từ cầu Câu Lâu cũ ngược lên cầu Gò Nổi  luôn ở mức 7 phần nghìn, còn tại bể hút của trạm bơm điện 19.5 là 20 phần nghìn, trong khi đó lượng nước từ hồ chứa Phú Ninh đưa nước ra rất yếu. Do đó, vụ Hè Thu 2020, huyện Duy Xuyên sạ cấy khoảng 3.400/3.500ha lúa theo kế hoạch, còn gần 100ha không sản xuất được do thiếu nước.
 
Lúa hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh, Phòng NN&PTNT chỉ đạo cán bộ thường xuyên bám ruộng và làm việc với Công ty thủy lợi cố gắng đảm bảo nước tưới để cây lúa sinh trưởng, không ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa. Đồng thời, phòng cũng đang lên phương án sử dụng các trạm bơm điện trước để vận hành lại đảm bảo nguồn nước cho đến cuối vụ.
 
Nếu trong thời gian tới không có mưa thì các hồ chứa trên địa bàn sẽ không cung cấp đủ nước. Do đó, phải huy động các trạm bơm điện để bơm nước từ sông Thu Bồn. Trong trường hợp nước không đủ thì vào phải chấp nhận mất một số diện tích cuối kênh để bảo vệ diện tích còn lại.
 
Theo kế hoạch vụ Hè Thu năm 2020 toàn tỉnh Quảng Nam sẽ sản xuất khoảng 42.000ha lúa, tuy nhiên, do khô hạn khốc liệt nên phải bỏ hoang hàng ngàn ha. Tại huyện Tiên Phước chỉ gieo sạ được khoảng 1.200ha trong tổng số hơn 1.550ha ruộng vụ hè thu do thiếu nước. Đối với diện tích đã gieo sạ thì hàng trăm héc ta bị khô hạn. Huyện Núi Thành cũng chỉ gieo sạ khoảng 3.000/3.400ha lúa theo kế hoạch, còn gần 400ha ở các xã phía Nam của huyện không sản xuất được do thiếu nước.
 
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, nếu trong thời gian tới không có mưa, thì chắc chắn lượng nước các hồ chứa không thể cung cấp đủ nước tưới cho cho diện tích lúa đến cuối vụ Hè Thu. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước khi cây lúa ở giai đoạn làm đòng và trổ bông là hiện hữu. Do đó, công ty đã dự tính kỹ và sẽ phải cắt giảm diện tích cây trồng.
 
Để có thể dự trữ lượng nước trong hồ đảm bảo cấp cho cây lúa Hè Thu ở giai đoạn làm đòng, trổ bông tại khu tưới các hồ chứa nước đang thiếu nước, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam thực hiện kỹ thuật tưới nước “ướt khô xen kẽ” bắt đầu từ ngày 20/6, áp dụng theo từng khu tưới, từng cánh đồng theo trà lúa đã gieo sạ, sau khi kết thúc tỉa dặm và bón phân lần 2 trong các hồ chứa nước thuộc Công ty đang quản lý.
 
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top