Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 3 năm 2022 | 16:58

Quảng Nam tiên phong xây dựng thương hiệu “điểm đến xanh”

UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và Bộ tiêu chí du lịch xanh. Có thể nói, Quảng Nam là tỉnh tiên phong đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh trong năm 2022.

Sáng 26/3, tại TP. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo "Quảng Nam phát triển Du lịch Xanh - Gìn giữ giá trị bản địa" và "Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam".
 
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo

 

Đón đầu xu thế du lịch xanh
 
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ngành du lịch với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, phát triển theo xu hướng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát như hồi chuông cảnh tỉnh cho chặng đường du lịch đã đi qua. Để tạo hướng đi bền vững, ngành du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025. Định hướng, quyết sách này đang được lan tỏa trong cộng đồng, những nhà làm du lịch và cả hoạt động dịch vụ phụ trợ.
 
Du khách trãi nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ tại Hội An
Du khách trải nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ tại Hội An

 

Theo ông Phan Xuân Thanh, “du lịch bền vững Quảng Nam - du lịch không rác thải nhựa”, kế tiếp – “du lịch xanh” là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa - di sản và tài nguyên thiên nhiên… Tuy nhiên, việc thực hiện không dễ, bởi mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu - dài hạn và thiện chí đồng hành.
 
Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra một số kiến nghị, như: Quản lý nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu; cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp; thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế, tái tạo cũng là mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, kiến tạo một chu trình mới; chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch ở Quảng Nam; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên….
 
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Việc tổ chức Hội thảo “Quảng Nam phát triển Du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa” và Lễ công bố “Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam” là hành động thiết thực mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, là cơ hội để chúng ta khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch, đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
 
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và Bộ tiêu chí du lịch xanh. Có thể nói, Quảng Nam là tỉnh tiên phong đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh trong năm 2022.
 
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam, cho biết: Để có quyết định chuyển hướng mạnh mẽ này, ngành du lịch đã ấp ủ ý tưởng từ vài năm trước cùng với sự đồng hành thử nghiệm của doanh nghiệp và cộng đồng qua vài dự án cho kết quả khả thi như: Mô hình nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông; mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi, An Nhiên farm; sản phẩm thảo mộc vì sức khỏe (chuỗi tuần hoàn từ nguyên liệu đến thành phẩm) của An Farm; sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển của Coco Casa; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea’lavie Boutique Resort & Spa...
 
Chuỗi sản phẩm du lịch xanh đang được kỳ vọng là hướng phát triển tiềm năng của Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng. Không chỉ thân thiện với môi trường, mô hình này còn giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách.
 
14 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động du lịch tại Quảng Nam cam kết thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam 2022.
14 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động du lịch tại Quảng Nam cam kết thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam 2022.

 

14 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động du lịch tại Quảng Nam đã cam kết thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam 2022.
 
Bộ tiêu chí du lịch xanh gồm có 6 lĩnh vực gồm: Khách sạn (9 chủ đề), homestay (10 chủ đề), khu nghỉ dưỡng (10 chủ đề), doanh nghiệp lữ hành (5 chủ đề), điểm du lịch dựa vào cộng đồng (9 chủ đề) và điểm tham quan (11 chủ đề).  Khi tham gia vào bộ tiêu chí, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội được tư vấn chuyên môn và hỗ trợ thực hiện; có cơ hội marketing trên các kênh truyền thông của Quảng Nam và tổ chức quốc tế về du lịch xanh; có cơ hội tham gia mạng lưới du lịch xanh, được kết nối với các công ty lữ hành tên tuổi.
 
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top