Quảng Ngãi áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở cấp độ 2
Từ 12 giờ ngày 19/10, Quảng Ngãi áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) trên địa bàn toàn tỉnh (trừ các địa bàn, địa điểm phong tỏa).
Ngày 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh quyết định “Quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ 12 giờ ngày 19/10/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế với địa bàn, địa điểm phong tỏa khi có ca F0 trong cộng đồng.
Áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) trên địa bàn toàn tỉnh (trừ các địa bàn, địa điểm phong tỏa).
Cụ thể, không tập trung quá 30 người tại khu vực công cộng, ngoài phạm vi công sở, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế và khi thực hiện các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời. Tiệc đám hiếu, đám hỉ, liên hoan, tân gia… tổ chức tại nhà riêng tập trung không quá 30 người.
Các cuộc họp, hội nghị, tập huấn, hội thảo, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... tập trung không quá 50 người và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp 100% người tham gia tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 (trong đó mũi tiêm cuối đã qua 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng thì được tổ chức không quá 100 người. Nếu cần thiết tổ chức quá số người theo quy định trên, phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa: Được phép hoạt động nhưng phải đáp ứng các điều kiện, quy định theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế. Giao Sở Giao thông vận tải cập nhật, hướng dẫn thực hiện cụ thể. Đối với tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn: Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Lý Sơn thống nhất số lượng chuyến ra vào đáp ứng nhu cầu và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh: Hoạt động bình thường và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với các cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng: Được phép hoạt động và phải có kế hoạch hoạt động gắn với triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Riêng yêu cầu về xét nghiệm thực hiện theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu dễ bị lây nhiễm, như: Vũ trường, Karaoke, mát xa, quán bar, trò chơi điện tử, internet công cộng. Hoạt động của cơ sở kinh doanh, dịch vụ làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp phục vụ không quá 05 người cùng một thời điểm.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, quán café, giải khát…): Các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng: Được phép phục vụ tại chỗ nhưng không quá 50% công suất (số bàn/số ghế) và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống có phòng riêng bố trí không quá 10 người/phòng. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Các địa phương còn lại: Cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K. Khuyến khích bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi.
Các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục, thể thao trong nhà được hoạt động nhưng không quá 30 người/1 thời điểm, phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Hoạt động giáo dục, đào tạo: Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch tại địa phương, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để quyết định lộ trình phương thức dạy và học cụ thể cho từng cấp học, từng địa phương phù hợp với thực tế.
Các cơ quan, công sở: Được phép hoạt động bình thường, nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống, dịch theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 về hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị.
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự: hoạt động không quá 30 người/thời điểm. Có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Giao Sở Nội vụ cập nhật hướng dẫn của Bộ Nội vụ để có văn bản chỉ đạo thực hiện cụ thể.
Đối với cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch: Được phép hoạt động, nhưng người tham gia phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: phải có xác nhận đã tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng Covid-19 (đủ 14 ngày sau khi tiêm) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 không quá 06 tháng.
Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, triển lãm, chiếu phim, bảo tàng và các cơ sở văn hóa khác, giải đấu thể thao được phép hoạt động nhưng không quá 50% công suất. Người tham gia đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 không quá 06 tháng…
Chiều 7/10, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, cơ quan này đã ra thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 25, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong các ngày 28 và 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 46. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.