Cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc theo kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh, dời ga Sài Gòn, ga Bình Triệu ra ngoài trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án trên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa thành phố và Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Nhiều ý kiến trái chiều
TS.Phạm Sanh, chuyên gia giao thông phân tích, việc quy hoạch đầu mối đường sắt TP.Hồ Chí Minh cho 2 tuyến đường sắt Bắc - Nam và tuyến đường sắt cao tốc giữa UBND TP.Hồ Chí Minh và Bộ GTVT đang có ý kiến trái chiều. Về đường sắt Bắc - Nam, Bộ GTVT muốn giữ ga Hòa Hưng, đoạn từ Sóng Thần về Hòa Hưng cải tạo nâng cấp thành đường sắt đô thị (chống ồn, trên cao, hầm…); TP. Hồ Chí Minh thì muốn bỏ ga Hòa Hưng, di dời đưa ra ga Sóng Thần. Về đường sắt cao tốc, Bộ GTVT muốn đặt ga cuối tại An Phú quận 2; TP. Hồ Chí Minh thì muốn đặt ga cuối tại quận 9.
Giao thông Quận 2 và trung tâm thành phố đang bị quá tải, do đó, rời ga ra Quận 9 theo chủ trương của Thành phố là hợp lý.
Trở lại câu chuyện thành phố và Bộ GTVT có những quan điểm khác nhau, vào thời điểm năm 2008, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có kiến nghị Thủ tướng về một số nội dung cần điều chỉnh trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020. Trong đó, nội dung quan trọng nhất được thành phố nhấn mạnh là kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia kết thúc tại ga ngoại vi thành phố. Cụ thể, sẽ đưa về ga Suối Tiên (quận 9) - nơi đang được xây ga metro cuối tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và bến xe Miền Đông mới.
Tuy nhiên, Bộ GTVT lại không đồng ý điều chỉnh dời ga đường sắt cao tốc Bắc Nam từ Thủ Thiêm ra Suối Tiên. Theo Bộ GTVT, chọn vị trí ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam phải là ga Thủ Thiêm vì Thủ Thiêm là trung tâm đô thị mới, có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, dân cư tập trung với mật độ cao. Nhà ga đường sắt cao tốc tại đây sẽ thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn ga trung tâm và có hiệu quả tốt nhất. Về phía thành phố, vẫn giữ nguyên quan điểm điều chỉnh quy hoạch đường sắt. Bởi lẽ, việc điều chỉnh quy hoạch phải được đánh giá tổng thể trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố và quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh.
Theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực quy hoạch phân tích, việc đặt ga cuối tại Thủ Thiêm vào thời điểm hiện tại sẽ có rất nhiều bất cập bởi quy hoạch vẽ ga theo bản đồ quận 2 có từ năm 1987. Thời điểm đó, quận 2 mật độ dân cư vẫn còn thưa thớt, trong khi đó, bộ mặt quận 2 bây giờ đã thay đổi rất nhiều với nhiều khu đô thị mọc lên, mật độ dân cư cao. Hơn nữa, ngay tại vị trí đặt ga lại liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe. “Nếu bố trí ga tại trung tâm này, thì cũng giống như ga Hòa Hưng. Chúng ta đang muốn di dời ra bên ngoài, mà không di dời được, chưa kể nguy cơ sẽ tắc luôn cả hầm Thủ Thiêm”, chuyên gia này phân tích.
Cần tầm nhìn dài hạn
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, TS.Phạm Sanh cho rằng, một trong các nguyên tắc quan trọng về quy hoạch bố trí ga đầu mối đường sắt hiện đại, kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng, càng gần trung tâm đô thị càng tốt, vì phục vụ người dân tốt nhất và giảm kẹt xe. Tất nhiên để quy hoạch ga đầu mối đường sắt, còn phải nghiên cứu thêm nhiều vấn đề, như vấn đề quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành, vấn đề giải tỏa bồi thường, các vấn đề về tài chính, khả năng thực hiện, cả các vấn đề về công nghệ, môi trường, chính trị xã hội…
Trở lại quy hoạch các ga đầu mối đường sắt TP.Hồ Chí Minh, với tuyến đường sắt Bắc - Nam, phương án giữ lại ga Hòa Hưng và nâng cấp thành đường sắt đô thị của Bộ GTVT có vẻ hợp lý, vì khó nối kết giao thông công cộng từ Sóng Thần (hay Dĩ An) về trung tâm thành phố, chi phí đầu tư một ga mới thay thế ga Hòa Hưng không hề đơn giản. Nhưng với tuyến đường sắt cao tốc, trước mắt là tuyến Sài Gòn- Nha Trang, phương án của TP. Hồ Chí Minh lại có vẻ hợp lý hơn, vì mạng lưới giao thông khu vực quận 2, cả xa lộ Hà Nội mới được mở rộng, hiện nay đang nghẹt cứng bởi xe container ra vào cảng Cát Lái và lượng xe ra vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, giao thông nối kết giữa quận 2 và trung tâm thành phố đang bị quá tải do thiếu hạ tầng nghiêm trọng; trong lúc khu vực Suối Tiên giải quyết được nhiều vấn đề về yêu cầu quy hoạch, như nối kết tuyến metro số 1, nối kết các đường vành đai ngoài, các cao tốc tương lai, các đầu mối giao thông khác như bến xe miền Đông, sân bay Long Thành…, đất còn tương đối trống và đang là khu vực cộng cư của người dân các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhu cầu đi lại rất lớn.
“Tuy nhiên, để có đủ căn cứ quyết định chọn địa điểm nhà ga đầu mối đường sắt cho TP. Hồ Chí Minh, cần có một nghiên cứu tiền khả thi, khảo sát điều tra hiện trạng, phân tích sâu thêm và đưa ra các con số tương đối chính xác về các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, hiệu quả tài chính cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội. Cần thêm các thông số định lượng khoa học bổ sung cho các phân tích kinh nghiệm định tính”, TS.Phạm Sanh nói.
Minh Tuấn - Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.