Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, các NHTM do nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 300.000 – 400.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, những ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 300.000 – 400.000 tỷ đồng để cho vay với các điều kiện ưu đãi cho DN, hợp tác xã và người dân trong việc mua bán nhà ở xã hội.
Siết tín dụng có đáng lo?
Thời gian qua, việc Ngân hàng Nhà nước sẽ siết tín dụng đối với bất động sản như dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đã khiến thị trường dấy lên nhiều lo ngại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc siết tín dụng này nên hết sức thận trọng.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, Hiệp hội là tổ chức đầu tiên phát văn bản lên Thủ tướng, Thống đốc NHNN, Bộ Xây dựng kiến nghị dự thảo Thông tư 36, trong đó có 2 nội dung: Giảm vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn; và tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc từ 150 lên 250%.
Trong văn bản, Hiệp hội đã phân tích: Hiện nay, nguồn vốn cho các dự án bất động sản, theo quy định các chủ đầu tư phải có từ 15 – 20% nguồn vốn bởi đối với các dự án quy mô vài trăm héc ta thì cần vài chục đến hàng trăm nghìn tỷ.
Thông thường, việc huy động của khách hàng qua các giai đoạn, luật quy định chỉ được thu đến 70%. Do vậy, nguồn vốn vay từ ngân hàng đến từ 40 – 50% tổng mức đầu tư dự án. Một số ít DN BĐS huy động được vốn qua thị trường chứng khoán nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Các quỹ tín thác, đầu tư ở VN về cơ bản chưa hình thành nên nguồn vốn ngân hàng vẫn là chủ lực và quan trọng nhất với thị trường bất động sản.
"Thị trường bất động sản là đầu kéo nên hết sức thận trọng. Thị trường hiện nay đang phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường nên không có lý do gì để hạn chế", ông Nam cho hay.
Các ngân hàng thương mại đang hướng dòng tiền của mình vào thị trường BĐS vì họ thấy dự án khả thi, dễ thu hồi được dòng vốn. Theo ông Nam, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo là thông tư 36 cần phải có lộ trình thích hợp và thời điểm áp dụng hợp lý. Tuy hiện nay Hiệp hội chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía ngân hàng nhưng các động thái về việc sửa đổi và ban hành thông tư 36 có vẻ như đã tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN.
Hiện lĩnh vực xây dựng và BĐS là điểm sáng, lôi kéo nhiều ngành nghề khác, kéo GDP tăng cao và đang là điểm sáng gần như là duy nhất.
"Tôi cũng xin nói thêm, gói 30.000 tỷ không liên quan gì đến thị trường bất động sản, chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội và phục vụ nhu cầu người nghèo đô thị về nhà ở. Khi phân khúc này phát triển sẽ lan tỏa đến các phân khúc khác của thị trường bất động sản", ông Nam nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), việc sửa đổi thông tư 36 là thuộc thẩm quyền của NHNN. Như chúng ta đã biết, NHNN đã có dự thảo thông tư để sửa đổi thông tư 36 này và cũng đã tổ chức một số cuộc hội thảo để lấy ý kiến của doanh nghiệp và xã hội về vấn đề này.
Hiện, NHNN đang xem xét các ý kiến để quyết định ban hành thông tư. Về việc sửa đổi thông tư này, tôi đã tham dự một số hội thảo và cũng đồng tình với hầu hết các ý kiến cho rằng việc NHNN nên xem xét sửa đổi thông tư 36 nhưng phải bảo đảm giữ ổn định, không gây sốc cho thị trường. Do vậy cần phải xem mức điều tiết, lộ trình điều tiết cho phù hợp.
Bà Đỗ Thu Hằng - Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, sau giai đoạn phát triển tích cực của thị trường bất động sản trong năm 2014 – 2015, chúng tôi thấy rằng việc đưa ra dự thảo sửa đổi thông tư 36 giúp cho các bên tham gia trên thị trường cùng nhìn nhận lại việc phát triển về mặt lâu dài. Các doanh nghiệp cần phải tính thêm các nguồn vốn huy động ngoài nguồn tín dụng ngân hàng để có thể chủ động cho kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững chung.
Liệu có gói hỗ trợ tiếp theo?
Theo ông Nguyễn Trần Nam, hiện Thủ tướng đã có chỉ đạo và ngân hàng triển khai tiếp việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho đến khi hết cam kết số tiền trong hợp đồng.
Số lượng hộp đồng hiện nay ký trên 34.000 tỷ, vượt quá con số quy định. Tỷ lệ giải ngân được 75% (trên 20.000 tỷ). Do vậy, người dân đã ký hợp đồng thì không có gì phải lo lắng cả.
Còn DN thì vẫn có nhiều vấn đề. Khi chuyển sang lãi suất thương mại thì DN phải tính vào sản phẩm của họ nên giá bán tăng. Do vậy, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ, nếu các DN đã ký hợp đồng rồi tiếp tục được giải ngân với lãi suất như quy định.
Trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ đã quy định 2 nguồn vốn cho DN và người dân để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ giá rẻ.
Trên thực tế, NHNN đã có những bước triển khai ban đầu. Những ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay với các điều kiện ưu đãi cho DN, hợp tác xã và người dân trong việc mua bán nhà ở xã hội. 3% tương đương 300 – 400.000 tỷ đồng là con số tương đối lớn. Gói này không có giới hạn khi nào dừng.
NHNN chỉ định 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank phải làm việc này và ban hành Thông tư số 25 hướng dẫn điều kiện, cách thức, đối tượng cho vay, nội dung giống gói 30.000 tỷ đồng.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại chưa triển khai vì họ phải giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội được cấp vốn từ chính sách, huy động vốn từ thị trường để cho DN và người dân mua nhà ở xã hội vay. Ngân hàng chính sách xã hội chịu trách nhiệm xây dựng đề án, báo cáo Chính phủ với những điều kiện như gói 30.000 tỷ đồng.
Thay vì gói 30.000 tỷ, giờ có 2 nguồn vay là các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng ngân hàng chính sách để hoàn thiện gói vay này để trình Chính phủ./.
Theo Châu Anh/VTCNews
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.