Theo luật sư, hiện các hộ nuôi cá lồng bè đã được hướng dẫn trình tự thủ tục pháp lý, hồ sơ, chứng cứ xác thực để tiến hành khởi kiện.
Ngày 15/1, ngành Nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các luật sư của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Đoàn luật sư tỉnh có buổi tiếp xúc với đại diện các hộ dân nuôi cá lồng bè để thống nhất trình tự, thủ tục pháp lý nhằm tiến hành các bước khởi kiện vụ cá bè trên sông Chà Và chết hàng loạt vào đầu tháng 9/2015.
Với 4 đợt cá chết trong năm 2015, thiệt hại của người nuôi cá lồng bè tại khu vực sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 18 tỉ đồng. Theo kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Tài nguyên thì nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn nước ô nhiễm là do hoạt động xả thải của 14 doanh nghiệp chế biến hải sản tại cống số 6.
Viện này cũng thống kê tỷ lệ gây ô nhiễm của từng doanh nghiệp khác nhau và mức bồi thường của từng doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau. Theo đó, với 76% mức độ ô nhiễm xuất phát từ phía doanh nghiệp xả thải, thì các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân là 13,8 tỉ đồng. Với kết luận này, hầu hết các doanh nghiệp không đồng tình. Do vậy, các ngành chức năng đang tiến hành giúp người dân khởi kiện.
Đến nay đã hơn 4 tháng, sau vụ cá chết, hơn 35 hộ nuôi cá lồng bè trong khu vực đang đứng ngồi không yên, phần vì lo đến hạn đóng lãi ngân hàng, đóng lãi vay nóng, phần vì nguồn nước ô nhiễm nên không thể đầu tư nuôi lại… cuộc sống vốn đã khó khăn thì nay, năm hết Tết đến lại càng khó khăn gấp bội.
Theo các luật sư, hiện nay, người dân đã có đủ căn cứ pháp lý dựa trên kết quả điều tra của Viện Môi trường và Tài nguyên. Vì vậy, việc khởi kiện sẽ rất khả quan, nếu người dân thu thập đầy đủ thông tin về mức độ thiệt hại trong đợt cá chết vừa qua.
Ông Hoàng Long Hà, Phó Chủ nhiệm văn phòng Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định: “Hiện các hộ nuôi cá lồng bè đã được luật sư hướng dẫn trình tự thủ tục pháp lý, hồ sơ, chứng cứ xác thực để tiến hành khởi kiện. Tuy nhiên, khó khăn là bà con nuôi cá phải đóng trước tiền án phí theo mức 5% tổng giá trị bồi thường”.
Về vấn đề này, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại nhiều cuộc họp, UBND tỉnh cương quyết trên cơ sở thảo thuận được với doanh nghiệp thì tốt, còn không thì phải ra tòa và nếu ra tòa thì UBND tỉnh sẽ hỗ trợ phần này. Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào thì chưa rõ”.
Người dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đang quyết tâm theo đuổi đến cùng để đòi lại quyền lợi của mình; đồng thời mong muốn trả lại môi trường nước trong sạch để có thể tiếp tục duy trì nghề nuôi trồng thủy sản./.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.