Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hầu hết các địa phương trên cả nước đã ra quân lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi, mang theo niềm tin, kỳ vọng vào một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thị trường thuận lợi.
Kinh tế nông thôn ghi lại không khí và hình ảnh ra quân sản xuất đầu năm tại một số địa phương.
Nông dân Hải Phòng rộn ràng xuống đồng đầu xuân
Sau những ngày nghỉ Tết, mặc dù thời tiết giá lạnh kéo dài kèm theo mưa phùn, nhưng người dân Hải Phòng vẫn tập trung mọi nguồn lực, đồng loạt xuống đồng làm đất, gieo cấy lúa vụ xuân bảo đảm khung lịch thời vụ, quyết tâm giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
Theo ghi nhận của PV Kinh tế nông thôn, trên cánh đồng của xã Mỹ Đức (huyện An Lão) mới ra Tết đã rộn rã tiếng chuyện trò của bà con tranh thủ xuống đồng cấy lúa xuân. Tiếng cười nói xen lẫn tiếng máy làm đất tạo nên không khí lao động khẩn trương, rộn ràng. Trên những thửa ruộng đã đủ nước và được cày, bừa sánh mịn, những đôi tay thoăn thoắt cấy, những khay mạ vơi dần dưới bàn tay của những người nông dân.
Bà Nguyễn Thị Út cho biết, sau Tết Nguyên đán, trời rét kéo dài, kèm theo mưa phùn, thời tiết không được thuận lợi nhưng mạ gieo rồi, ruộng đã bừa ngả xong, chỉ chờ cấy. Chỉ có cấy trong khung thời vụ mới hy vọng năm mới mùa màng bội thu.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, vụ xuân này, toàn thành phố gieo cấy 28.250ha lúa, các địa phương quy vùng sản xuất lúa cho chất lượng gạo ngon chiếm 40 - 50% tổng diện tích gieo cấy.
Các huyện chỉ đạo giảm cơ cấu trà xuân sớm xuống còn 3%, chủ yếu là diện tích gieo cấy chân ruộng sâu trũng, lúa có thời gian sinh trưởng 180-185 ngày. Diện tích trà xuân muộn (97% diện tích gieo cấy) sử dụng các giống lúa sinh trưởng ngắn ngày (125-145 ngày), lựa chọn giống lúa năng suất, chất lượng gạo ngon, chống chịu sâu bệnh.
Hiện tại, nhiều địa phương tích cực sử dụng mạ khay, cấy máy nên tiến độ gieo cấy được đẩy nhanh hơn, trong đó, một số diện tích sâu trũng, ruộng có diện tích nhỏ, lẻ, manh mún, nông dân tranh thủ cấy đổi công cho nhau hoặc huy động người thân trong gia đình được nghỉ Tết để cấy lúa xuân.
Áp dụng công nghệ gieo cấy hiện đại, Hà Nam hứa hẹn mùa màng bội thu
Ngay sau Lễ hội Tịch điền (mùng 7 tháng Giêng), người dân tại các địa phương trong tỉnh Hà Nam nô nức xuống đồng gieo cấy với mong muốn mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Đặc biệt, năm nay mô hình phát triển tổ dịch vụ mạ khay cấy máy thuộc Đề án “Phát triển dịch vụ Mạ khay cấy máy giai đoạn 2020 -2023” được nhiều địa phương áp dụng.
Mô hình phát triển tổ dịch vụ mạ khay cấy máy được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam triển khai từ năm 2021 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2023, toàn tỉnh có 10% diện tích, khoảng 3000ha, cấy máy. Qua hai vụ sản xuất, toàn tỉnh đã có 1.600ha được cấy máy ở tất cả 6 huyện, thị, thành phố.
Trong vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo cấy 2.000ha theo mô hình mạ khay, cấy máy. Hiệu quả mô hình là cấy nhanh, giảm chi phí nhân công. Nếu làm dịch vụ mạ khay, cấy máy, mỗi sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), tổ dịch vụ sẽ thu 200-279 nghìn đồng, trong đó đã gồm giống, công, nước, cấy… Nhưng nếu thuê cấy thủ công, mỗi sào hiện nay 350-400 nghìn đồng, không gồm các chi phí khác. Với máy cấy, mỗi ngày thực hiện được 5ha, trong khi cấy thủ công hai người cấy một ngày được 1 sào.
Để áp dụng mô hình này, việc gieo mạ buộc phải thực hiện trên khay. Muốn gieo trên khay phải có giá thể. Hiện nay, nông dân các tỉnh phía Bắc áp dụng mô hình gieo mạ khay, cấy máy đều mua đất làm giá thể gieo mạ từ Thanh Hóa.
Tuy nhiên, nhiều người nhìn thấy những hàng lúa thưa hơn bình thường có vẻ “tiếc đất”, nhưng thật ra, khoảng cách mỗi hàng phải như vậy mới đúng yêu cầu để lúa phát triển tốt.
Áp dụng mô hình này, nông dân giảm được chi phí sản xuất, có thời gian để làm việc khác. Các khâu dịch vụ cấy – gặt tiến tới được khoán cho các tổ dịch vụ và tư nhân với giá thống nhất, đảm bảo hiệu quả.
Sau một năm thực hiện mô hình này, năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Những chi phí cho ngày công lao động, chăm bón… giảm nhiều. Hiệu quả kinh tế của mô hình mạ khay cấy máy này được đánh giá chỉ sau gieo thẳng (gieo sạ).
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam: Xét ở khía cạnh môi trường, mô hình cấy máy này hiệu quả bền vững hơn. Vì, nhiều năm qua, khi thực hiện gieo thẳng, lượng thuốc bảo vệ thực vật do bà con dùng cho mô hình này tương đối nhiều, ảnh hưởng đến đất đai, cây trồng, sức khỏe con người. Vấn đề điều tiết nước cho các diện tích gieo thẳng cũng tốn công hơn. Còn cấy máy, bà con không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật trước, trong và sau khi cấy, lượng nước cho các chân ruộng cũng không cần nhiều, vấn đề điều tiết nước cũng đơn giản hơn. Việc cấy máy không áp dụng ở những chân ruộng quá lầy lội.
Hiện nay, nông dân Hà Nam sử dụng hai loại máy cấy, một loại máy cấy tay (tức là dùng tay đẩy mạ), một loại máy cấy tự động 6 hàng của Kubota Nhật Bản, có tính năng điều chỉnh mật độ cũng như độ nông sâu của cây lúa phù hợp với điều kiện đất và loại giống. Loại máy này do các tổ dịch vụ, tư nhân cung cấp, chưa phổ biến hết ở các địa bàn nông thôn. Giá máy khá cao nên khi triển khai Đề án, Sở đang đề xuất UBND tỉnh cho cơ chế hỗ trợ 50% giá máy cấy cho người dân.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó chi cục trưởng, Chi cục trồng trọt Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam), đến ngày 09/02/2022, toàn tỉnh gieo cấy 28.790ha lúa, đạt 99,1% kế hoạch; 2.536,4ha cây màu vụ xuân, đạt 59,9%.
Trong những ngày đón Tết Nguyên đán thời tiết rét đậm, rét hại, tuy nhiên, toàn bộ diện tích mạ đã gieo được che phủ 100% nylon nên không bị ảnh hưởng, diện tích gieo sạ trước Tết do nhiệt độ xuống thấp nên sinh trưởng và phát triển chậm. Các địa phương tiếp tục xuống đồng đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và trồng cây màu vụ xuân theo kế hoạch.
Nông dân Lào Cai gieo trồng vụ xuân đúng lịch thời vụ
Những ngày đầu năm mới, bà con nông dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang khẩn trương chuẩn bị cho vụ xuân đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, mong muốn một năm mới bội thu.
Ngay từ mùng 2 Tết, bà con đã ra đồng chăm sóc rau màu, thu hái su hào, bắp cải, xà lách, cà chua… phục vụ người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán. Đặc biệt, vụ lúa xuân đang được người dân tranh thủ triển khai trong điều kiện thời tiết đẹp.
Từ cuối năm 2021, các địa phương trong tỉnh Lào Cai đã chủ động nạo vét kênh mương, làm thủy lợi mặt ruộng, đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Người dân cũng tích cực cày lật đất và cày ải sớm tạo điều kiện cho chất hữu cơ phân hủy, tránh ngô độc cho cây lúa khi gieo. Vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh Lào Cai có kế hoạch gieo cấy 10.000 ha lúa, 10.200 ha ngô. Trong đó, nhóm giống lúa lai chiếm khoảng 30% diện tích gieo cấy như: LC25, LC212, LC270, Tân Thịnh 15, Thái Xuyên 111, Syn98, 27P53, TH3-3, CT16, GS16,GS55.
Nhóm giống lúa thuần chất lượng chiếm khoảng 70% diện tích gieo cấy như: Thiên ưu 8, BC15, TBR225, BC 15 kháng đạo ôn, BT7 kháng bạc lá, Đông A1, Đài thơm 8, VNR20, HANA số 7, HANA167, LH12, HD11, ADI 168, Hoa khôi 4, thơm RVT, Bắc thơm, Tám thơm. Giống lúa đặc sản địa phương như Séng cù, Nếp tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn.
Hiện, giống, phân bón… cơ bản đủ cung ứng cho tất cả các địa phương trong tỉnh, riêng lúa giống có thể cung cấp đủ cho cả vụ mùa. Cơ cấu giống được bố trí theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị, hiệu quả cao và thị trường tiêu thụ lớn. Để nông dân sản xuất đúng tiến độ, cây trồng đạt năng suất cao, Lào Cai đã sớm có hướng dẫn khung thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ xuân, chỉ đạo các địa phương khẩn trương đăng ký nhu cầu để chủ động nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo đủ nhu cầu, chất lượng và ổn định giá cả. Trong đó, tổng nhu cầu giống 450 tấn giống lúa (thuần 375 tấn tương đương 7.500ha, lai 75 tấn tương đương 2.500ha) và 204 tấn ngô giống. Xuống giống sớm nhất là nông dân 3 huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, đã hoàn thành 13,1 tấn giống.
Thời tiết thuận lợi, người dân Nghệ An sẽ có vụ mùa bội thu
Sau kỳ nghỉ Tết, những người nông dân “chân lấm tay bùn” bắt đầu trở lại với công việc thường ngày của mình. Mặc dù mưa rét nhưng nông dân Nghệ An vẫn cặm cụi dưới đồng với mong muốn một vụ mùa bội thu.
Sáng mùng 6/2 (mùng 6 tháng Giêng), dọc tuyến đường chạy qua các xã Nghi Trung, Nghi Long, Nghi Thuận... (Nghi Lộc), nhiều thửa ruộng đã đầy ăm ắp nước. Tiếng cười nói rôm rả của bà con đang tập trung làm đất, bón phân để gieo cấy lúa xuân cho kịp khung thời vụ.
Vụ xuân năm nay, huyện Nghi Lộc có hơn 7.000ha gieo cấy lúa. Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện khuyến cáo bà con gieo mạ trong khung thời vụ và che phủ bằng nylon chống rét. Cùng với đó, địa phương cũng chỉ đạo các xã, thị trấn vận động người dân tổ chức vệ sinh, nạo vét, sửa chữa kênh mương để hạn chế rò rỉ, thất thoát nước, hướng dẫn các biện pháp tưới hợp lý, tiết kiệm nước.
Bà Trần Thị Hiền (xóm 6, xã Nghi Trung) phấn khởi cho biết: Vụ này, gia đình cấy hơn 3 sào (1 sào miền Trung = 500m2). Ăn Tết xong, tranh thủ lúc thời tiết đẹp, nước nhiều nên chúng tôi ra cấy cho kịp thời vụ.
“Làm ruộng giờ không vất vả như trước, các công đoạn làm đất, thu hoạch chủ yếu sử dụng máy móc. Năm nay nhờ thời tiết ủng hộ nên mạ non lên đều và rất đẹp, hy vọng năm nay lúa sẽ đạt năng suất cao”, bà Hiền nói.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, chia sẻ: “Những ngày đầu năm mới, tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng bà con nông dân vẫn rất hăng say, phấn khởi ra đồng sản xuất, chăm sóc cây trồng. Hiện cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, báo hiệu một vụ mùa bội thu”.
Tại huyện Diễn Châu, những ngày đầu năm, bà con cũng tranh thủ xuống đồng gieo trồng vụ đông xuân. Toàn huyện gieo trồng 9000ha lúa, 2553ha lạc; thả nuôi 270ha cá xen lúa, cùng với 145ha tôm vụ 1.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu, tuy thời tiết lạnh, nhưng cây trồng phát triển tốt. Người dân nơi đây phấn khởi, vui vẻ khi xuống đồng.
Tương tự như các địa phương khác trong tỉnh Nghệ An, không khí sản xuất của bà con nông dân huyện Thanh Chương sau Tết cũng đang rất khẩn trương, hăng say và phấn khởi. Ngoài việc bơm nước vào ruộng, nhổ mạ hay gieo cấy cho kịp mùa vụ… thì việc chăm sóc cây trồng để sinh trưởng và phát triển tốt cũng là vấn được bà con nơi này lưu tâm.
Nhờ thời tiết năm nay khá thuận lợi, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ bản tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống; lúa sinh trưởng đồng đều, hoa màu phát triển tốt, đảm bảo thời vụ sinh trưởng, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Nông dân Hà Tĩnh hồ hởi xuống đồng chăm sóc lúa xuân
Mặc dù những ngày đầu năm mới thời tiết Hà Tĩnh vẫn còn có rét và mưa nhẹ, nhưng khắp nơi, bà con nông dân đã tranh thủ xuống đồng tỉa dặm, lấy nước chăm sóc lúa xuân.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được 59.252/59.570ha, đạt hơn 99,4% diện tích. Thời tiết thuận lợi nên các diện tích lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Các địa phương cơ bản tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống nên lúa sinh trưởng đồng đều, đảm bảo thời vụ sinh trưởng; hầu như không xảy ra hiện tượng lúa bị chết rét.
Hiện nay, các địa phương đang tập trung gieo cấy diện tích còn lại. Cùng với đó, tổ chức ra quân dặm tỉa, phòng trừ một số loại sâu bệnh và chuẩn bị bón thúc đẻ nhánh.
Ông Hồ Lý Tiến (thôn Bình Minh, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh) vui vẻ cho biết: Dù đầu xuân năm mới, tôi đã 80 tuổi nhưng vẫn tranh thủ ra đồng để làm cỏ, tỉa dặm, chăm sóc lúa.
“Đã khá lâu rồi người dân mới đón một cái Tết rét như năm nay. Nhưng tiết trời này lại rất thuận lợi cho sự sinh trưởng của lúa xuân. Lúa đạt độ 5 - 7 lá là có thể tiến hành tỉa dặm để kịp thời bón thúc đợt 1, giúp lúa bén nhanh và bước vào kỳ đẻ nhánh”, ông Tiến cho biết thêm.
Bà Thạch Thị Thuận (thôn Nam Thắng, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà) thì cho biết, gia đình làm 7 sào, hoàn thành gieo cấy từ giữa tháng 12 âm lịch, đến nay lúa phát triển được 5 lá. Điều khiến bà phấn khởi là dù thời tiết mưa rét nhưng lúa vẫn lên đều, không bị chết.
“Qua Tết, tôi ra đồng từ ngày mồng 4 để “thăm lúa”, vừa kiểm tra mực nước trong ruộng, vừa xem mức độ phát triển của lúa. Nhờ thời vụ xuống giống gặp thời tiết tốt, đủ nước nên lúa phát triển đều và đẹp. Từ ngày hôm qua tôi bắt đầu xuống đồng tỉa dặm, nếu thời tiết tuận lợi thì trong khoảng 1 tuần tôi sẽ tỉa dặm xong”, bà Thuận nói.
Anh Nguyễn Kiều Hưng (thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) cho hay, mặc dù đầu xuân năm mới nhưng anh tranh thủ ra đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa để đảm bảo lúa phát triển đúng thời gian mùa vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn vừa đi kiểm tra tình hình sản xuất vụ xuân năm 2022, trực tiếp kiểm tra tại một số địa phương thuộc 2 huyện Thạch Hà và Can Lộc.
Tại đây, ông Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao tinh thần ra quân sản xuất đầu năm của bà con nông dân. Ông cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo cho lúa xuân phát triển tốt.
Theo dự báo, thời tiết Hà Tĩnh sẽ tốt hơn vào những ngày tới, đây là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân tập trung chăm sóc, tỉa dặm cho lúa xuân, bắt đầu một năm lao động mới với nhiều niềm vui và kỳ vọng một mùa bội thu.
Người dân Thừa Thiên - Huế tích cực chăm sóc lúa
Vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sản xuất khoảng 28.400ha lúa. Sau những bất lợi về thời tiết diễn ra hồi cuối tháng 12/2021 thì đến nay thời tiết tại Thừa Thiên - Huế được đánh giá là thuận lợi cho việc sản xuất lúa vụ đông xuân.
Ghi nhận tại nhiều cánh đồng hiện nay, người dân đang tích cực chăm sóc lúa vụ đông xuân. Ông Nam (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) cho biết, vụ này ông và gia đình người con trai gieo trồng hơn 1 mẫu lúa, phổ biến với các giống lúa như KH1, Khang dân. Thời tiết tương đối thuận lợi nên lúa phát triển tốt.
Bà Hương (xã Thủy Thanh) chia sẻ, trong các vụ gần đây, phần lớn người dân trong xã sản xuất giống lúa J02 bởi loại lúa này mang lại năng suất cao hơn so với Khang dân, khả năng chống chịu đổ ngã, sâu bệnh cũng tốt hơn nên ít phải chăm sóc hơn so với các giống lúa truyền thống trước đây.
Cũng theo bà Hương, sau khi dặm lúa xong, người dân sẽ tiến hành bón thúc cho lúa và thời gian sau đó chỉ theo dõi nước, sâu bệnh trong ruộng để kịp thời có biện pháp phòng trừ.
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Lê Văn Anh, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên - Huế, cho biết, thời điểm trước, trong và sau Tết, đơn vị đã có hướng dẫn người dân toàn tỉnh các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
“Tính đến thời điểm này, toàn bộ cây trồng đang sản xuất trên địa bàn đều sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục theo dõi thời tiết, sự phát triển của tất cả các loại cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh để có hướng dẫn sát sao đến người dân”, ông Lê Văn Anh cho biết thêm.
Ngư dân Quảng Ngãi trúng “lộc biển” đầu năm
Mở đầu các chuyến biển đầu năm Nhâm Dần 2022, hàng nghìn ngư dân Quảng Ngãi trúng đậm “lộc biển” đầu năm. Nhiều tàu cá đánh bắt gần bờ chỉ sau một đêm ra khơi đánh bắt đã thu về cả trăm triệu đồng.
Trong những ngày qua, không khí làm việc trên cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) khá nhộn nhịp. Lượng tàu thuyền mở phiên biển đầu năm trở về bờ liên tục trúng đậm hải sản. Trong đó, chủ yếu là cá nục, cá chuồn. Hải sản đánh bắt vào bờ đều được thương lái thu mua đưa lên các xe đông lạnh xuất đi thị trường trong và ngoài tỉnh.
Từ mùng 6 Tết đến nay, hàng nghìn ngư dân các xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và huyện Lý Sơn trúng đậm các mẻ cá nục điếu và cá chuồn trong chuyến biển đầu năm mới. Chỉ sau một đêm ra khơi, nhiều tàu đã đánh bắt 1- 5 tấn cá nục; giá bán dao động từ 20 ngàn đến 30 ngàn đồng/kg, tàu đã thu về trên 50 -100 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Tấn Trường (huyện Lý Sơn), Thuyền trưởng tàu QNg-96189TS, cho biết: Chỉ sau một đêm ra khơi, tàu đã đánh bắt được hơn 5 tấn cá nục, thu về trên 100 triệu đồng. Chuyến biển đầu năm đã có lộc, hy vọng mùa biển năm nay sẽ được mùa hơn mọi năm.
Chiều 09/2, tàu QNg-90424TS của thuyền trưởng Võ Văn Quân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cập cảng với 720kg cá chuồn sau một đêm đánh bắt, thu về khoảng 50 triệu đồng.
Trúng được lộc biển đầu năm, không chỉ người đi biển mà cả những lao động trên bờ cũng phấn khởi vì có công ăn việc làm.
Còn về tàu khai thác xa bờ, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi Trần Lê Hồng Sơn cho biết: Từ mùng 01 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến sáng mùng 10 tháng Giêng, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 113 tàu thuyền xuất bến để khai thác xa bờ. Đến 7 giờ sáng 10/2 đã có 32 tàu về cập bến, gồm: 29 tàu cập cảng cá Tịnh Kỳ và 03 tàu cập cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, với tổng sản lượng khai thác 17,6 tấn cá các loại (chủ yếu là cá nục, cá chuồn...).
Trúng mùa biển ngay đầu năm, cộng thêm giá hải sản hiện ổn định, nên ngư dân Quảng Ngãi phấn khởi. Sau khi bán cá cho thương lái, ngư dân tiếp tục tiếp nhiên liệu, đá lạnh,… tranh thủ ra khơi đánh bắt trong những ngày đầu năm mới. Thắng lợi trong phiên biển đầu năm mới, ngư dân Quảng Ngãi kỳ vọng mùa biển mới bội thu.
Nông dân Đắk Nông ra quân sớm cấy lúa và chăm sóc vụ cà phê
Sau những ngày Tết vui tươi, từ ngày mùng 4 Tết, nông dân các địa phương ở Đắk Nông đồng loạt ra quân lao động, sản xuất. Bà con đều hướng đến một năm mới với nhiều thắng lợi mới.
Trên cánh đồng A Ba, xã Đắk Môl (Đắk Song), hàng trăm hộ dân ra đồng sản xuất trong ngày mùng 4 Tết. Người làm đất, người cày, người cấy... làm nhộn nhịp cả cánh đồng. Thời tiết thuận lợi, nông dân khẩn trương cấy lúa vụ đông xuân.
Ông Y Ngang cùng con trai mang máy cày xuống ruộng làm đất chuẩn bị cho ngày cấy lúa. Theo ông Y Ngang, sau những ngày nghỉ Tết, gia đình ông ra đồng chuẩn bị đất để cấy lúa khoảng 1,5 sào ruộng (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2).
Ngoài gia đình ông Y Ngang, hàng chục hộ dân khác cũng tất bật xuống giống lúa vụ đông xuân. Hầu hết bà con đều kỳ vọng vụ đông xuân này mưa thuận, gió hòa, gặt hái được nhiều thành công.
Còn tại khu đập Đắk Ken, ở xã Đắk Lao (Đắk Mil), hàng chục máy bơm đã được vận hành để tưới nước cho cà phê. Anh Nguyễn Tấn Tú, ở tổ dân phố 1, thị trấn Đắk Mil đang khẩn trương lắp máy bơm để tưới nước cho 5ha cà phê.
Đây là đợt tưới nước thứ 2 của gia đình anh trong mùa khô năm nay. Rẫy cà phê của gia đình anh Tú ở vùng Đắk M’Bai, cách đập Đắk Ken 3km. Anh Tú chia sẻ: “Trong không khí xuân mới, tôi mong muốn vụ cà phê năm nay sẽ trúng mùa, được giá. Các chi phí đầu tư sẽ giảm giá để nông dân bớt khó khăn. Năm nay, gia đình tôi ra quân sớm hơn mọi năm và hy vọng mọi điều thuận lợi sẽ đến”.
Tương tự, gia đình ông Trần Đoàn, ở thôn Đắk Thủy, xã Đắk Lao, cũng khẩn trương lắp máy tưới đợt 1 cho 3ha cà phê. Ông Đoàn chia sẻ: “Hôm nay là ngày tốt, nên tôi lắp máy tưới cho cà phê. Tôi mong muốn một năm lao động, sản xuất sẽ đạt kết quả cao hơn”.
Niềm tin lúa đông xuân thắng lợi
Vụ đông xuân này, nông dân thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) gieo cấy 10.019ha lúa, chủ yếu canh tác các giống Đài thơm 8, OM 18, RVT và ST 24. Thời điểm này, toàn thị xã có khoảng 3.000ha lúa đông xuân sạ sớm đang trong giai đoạn trổ - chín và dự kiến vào đầu tháng 3 sẽ bắt đầu thu hoạch.Nhiều nông dân tin rằng, năng suất lúa năm nay sẽ ở mức cao, đạt mức 7,5-8 tấn/ha.
Đang rảo quanh thăm 6 công (1 công = 1.300m2) lúa đông xuân (giống ST 24) của gia đình được hơn 50 ngày tuổi, ông Lương Văn Ngôn, ở khu vực 5, phường Thuận An, cho hay: “Do dịch hại xuất hiện ít nên từ đầu vụ tới giờ, tôi chỉ phun một cữ thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa sinh vật gây hại, trong khi mọi năm là phun 2-3 lần thuốc. So với mọi năm thì lúa đông xuân năm nay phát triển tốt và đồng đều hơn, trong đó cây lúa nở bụi và có nhiều chồi hữu hiệu, đồng thời bộ rễ cũng phát triển tốt. Từ những yếu tố đang có nên tôi và bà con nơi đây đặt nhiều kỳ vọng về một vụ lúa trúng mùa, trúng giá để bù đắp chi phí về giá phân bón ở mức cao”.
Cùng với nông dân, từ đầu vụ lúa đông xuân đến nay, ngành Nông nghiệp thị xã Long Mỹ cũng triển khai nhiều công việc trọng tâm để giúp vụ lúa chính trong năm đạt thắng lợi. Cụ thể, trước khi xuống giống, ngành nông nghiệp thị xã đã đề ra khung lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng, đồng thời đưa ra những giải pháp sản xuất hiệu quả để người dân làm theo. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật từ thị xã đến các địa phương luôn bám sát địa bàn để cùng nông dân thăm đồng và hướng dẫn người dân quản lý, phòng trừ có hiệu quả các loại dịch hại trên cây lúa. Đặc biệt trong dịp Tết vừa qua, với sự quyết tâm bám sát đồng ruộng cùng nông dân của cán bộ ngành nông nghiệp thị xã Long Mỹ nên tình hình dịch hại xuất hiện và gây hại trên lúa đông xuân không đáng kể do đã phòng trị kịp thời.
Một mùa Xuân đã về. Với người nông dân, mùa Xuân không chỉ mang theo hy vọng mà đó còn là mùa của lao động, mùa của thi đua sản xuất với kỳ vọng về một vụ bội thu. Mong rằng, sự nỗ lực, hăng say sản xuất đầu năm, ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nông sẽ được đền đáp bằng những mùa vàng thắng lợi, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.