Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 3 năm 2016 | 6:27

Dán tem cho cam sành Hàm Yên theo đơn đặt hàng: Liệu còn thương hiệu?

KTNT - Hàm Yên (Tuyên Quang) là một trong những huyện có diện tích trồng cam lớn nhất nước, cam sành Hàm Yên càng trở nên nổi tiếng sau khi được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, có tem nhãn rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng cam được dán tem trước khi đưa ra thị trường còn rất hạn chế, phần lớn là dán theo đặt hàng của khách.

Hiện nay, lượng cam Hàm Yên được dán tem trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ chiếm số lượng rất ít.

Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cam sành, những năm gần đây, chính quyền huyện Hàm Yên đã có nhiều chính sách để mở rộng diện tích trồng cam. Hiện, diện tích cam của huyện đạt 4.881,5ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 3.110,4ha, sản lượng năm 2015 đạt 43.545,6 tấn.

Năm 2007, cam Hàm Yên đã được đăng ký nhãn hiệu và được  nhận nhiều giải thưởng thương mại; năm 2012 tiếp tục được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam. Năm 2013, cam sành Hàm Yên lọt top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam. Năm 2015 được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” và hiện đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam và giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, việc tạo ra sản phẩm cam đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, hướng tới nền nông nghiệp sạch và bền vững là cần thiết.

Trên tinh thần đó, năm 2015, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt ngân sách thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Tuyên Quang và kế hoạch chuỗi giá trị cam năm 2015, giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức thực hiện.

Nhà vườn Hàm Yên thu hoạch cam.

Trao đổi về kết quả thực hiện, bà Trần Thị Lịch, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, cho biết, năm 2015, Chi cục triển khai mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 25ha, đã được chứng nhận VietGAP. Năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 500 tấn.

Theo bà Lịch, việc người dân trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP khi thu hoạch có thùng đựng và có tem dán đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu của cam sành Hàm Yên, giúp việc truy xuất nguồn gốc thêm thuận lợi. Tuy nhiên, trong tổng số 500 tấn cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tỷ lệ cam được dán nhãn rất ít. Nguyên nhân của vấn đề này được bà Lịch giải thích là “phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng”, khách hàng có nhu cầu thì nhà vườn mới dán tem. Chưa kể việc dán tem vào từng quả đã khiến tăng chi phí nhân công, trong khi giá bán cam có tem không cao hơn là mấy so với cam không dán tem.

Ông Trịnh Ngọc Hạnh, người trồng cam ở thị trấn Tân Yên cho hay, công đoạn dán tem mất rất nhiều công, vô tình nâng giá thành lên cao nên hàng năm lượng cam dán tem đưa ra thị trường không nhiều. Nhà vườn chỉ dán tem nếu khách hàng đặt còn đa số lượng cam có dán tem chủ yếu đưa vào siêu thị và đem đi giới thiệu sản phẩm.

Bà Lịch nhấn mạnh: Hiện chúng ta vẫn giữ thói quen giao thương dựa trên cơ sở tin tưởng nhau là chính, trong khi ở nước ngoài, khách hàng mua sản phẩm thường dựa vào tem mác, nhãn hiệu, xuất xứ… Nếu không thay đổi tư duy, cách làm, nông sản của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó trên đường hội nhập.

Hoàng Văn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top