Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 8 năm 2016 | 12:34

Sống bất an trong dự án dở dang

Nhiều dự án tại TP. Hồ Chí Minh chưa hoàn thành các hạng mục công trình, chưa tiến hành nghiệm thu công trình, thang máy chưa hoạt động, hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) không đảm bảo nhưng chủ đầu tư vẫn bỏ qua để “dồn” khách hàng nhận nhà trong tình trạng bất an, hoang mang.

Cư dân sống trong chung cư Bảy Hiền hoang mang vì dự án còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành

Sống trong cảnh bất an

Chung cư 6B (huyện Bình Chánh) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư chưa nghiệm thu hệ thống PCCC, thang máy, hệ thống điện nhưng đã để người dân dọn về ở. Một người dân dọn về ở từ đầu tháng 12/2015 cho biết, hệ thống ống nước bị rò rỉ, tầng trên rò xuống tầng dưới. Hầm giữ xe nước mưa vào thoát không kịp; bể nước nằm ngay hầm rác, gây ô nhiễm; hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu; thang máy thường xuyên bị “trôi” tự do... “Vì thuê nhà tốn kém, lại chưa trả hết tiền vay ngân hàng nên tôi phải đánh liều nhận nhà ở. Nhưng nhận xong thấy hiểm nguy rình rập, không biết xảy ra tai nạn lúc nào. Không những vậy, do công trình đang thi công nên bụi bặm và tiếng ồn tra tấn cư dân mỗi ngày”, một người dân bức xúc chia sẻ.

Gần đây, tại huyện Bình Chánh, dự án chung cư HQC Plaza bị cháy lúc nửa đêm khiến cư dân phải tìm đường tháo chạy. Nguyên nhân ban đầu được các ngành chức năng xác định do chập điện, ngọn lửa lan nhanh từ tầng 11, sau đó lan rộng ra phạm vi xung quanh. Dự án HQC Palaza vẫn chưa được Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh nghiệm thu đủ điều kiện sử dụng. Hệ thống PCCC, hệ thống điện vẫn đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện. Trái ngược với cảnh máy móc, con người đang làm việc “rầm rộ”, chủ đầu tư Công ty Địa ốc Hoàng Quân vẫn  “dồn” thượng đế của mình vào ở.

Cần chế tài mạnh bảo vệ cư dân

Liên quan tới vấn đề hệ thống PCCC tại các dự án, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Sở luôn thường xuyên kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc các chủ đầu tư sai phạm. Chẳng hạn, với chung cư HQC Plaza, vừa qua Sở đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hoàng Quân và yêu cầu phải hoàn tất nghiệm thu an toàn PCCC theo đúng quy định. Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh đã nhắc nhở công ty không được phép đưa dân vào ở khi chưa nghiệm thu an toàn PCCC. Nhưng công ty phớt lờ cảnh báo, vẫn đưa dân về ở”.

Theo thông tin từ Cảnh sát PCCC, qua việc rà soát thấy có 12 chung cư công trình cao tầng chưa nghiệm thu an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình đưa người dân vào ở hoặc cho người dân đưa đồ đạc vào nhà. “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, đúng quy định về an toàn PCCC đối với các chủ đầu tư vi phạm. Chủ đầu tư vi phạm lần đầu xử phạt, vi phạm lần hai, lần ba áp dụng tình tiết bổ sung, tăng nặng. Nếu vi phạm có nguy cơ trực tiếp tiềm ẩn cháy nổ, Cảnh sát PCCC sẽ đề xuất đình chỉ tùy hạng mục hoặc đình chỉ cả công trình rồi báo cáo UBND thành phố”, Đại tá Bửu nói.

Để xảy ra sai phạm tại các công trình trên, Đại tá Bửu cho rằng, trước hết là do chủ đầu tư vì lợi nhuận, cố tình đưa dân vào ở. Tiếp theo là cơ quan cấp phép cho người dân vào ở, cụ thể là Sở Xây dựng. Riêng chính quyền địa phương, không thể nói không cấp phép, không phê duyệt nên không rõ vụ việc, mà phải tăng cường vai trò giám sát, báo cáo kịp thời những vi phạm của chủ đầu tư để các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế TS. Lê Bá Chí Nhân, việc chủ đầu tư đưa dân vào ở trong các công trình chưa được nghiệm thu, kiểm định chất lượng đã đưa dân vào ở là cố tình vi phạm pháp luật. Để xảy ra vi phạm này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các đơn vị cấp phép xây dựng đã không giám sát tiến độ thực hiện giấy phép. Tuy nhiên, do số lượng công trình ngày càng nhiều, nếu chỉ các cơ quan chức năng quản lý sẽ không hết, mà chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra và giám sát. Ở một số nơi, UBND phường, xã được Sở Xây dựng ủy quyền kiểm tra, còn địa phương nào không có ủy quyền thì phải giám sát và báo cáo cho cơ quan chức năng đến kiểm tra.

Hầu hết chủ đầu tư vì muốn đẩy nhanh tiến độ thanh toán (thường lên đến 95% giá trị hợp đồng) nên phải rút ngắn thời hạn bàn giao nhà. Khi đến hạn bàn giao nhà theo hợp đồng nhưng công trình chưa hoàn thành, nếu không bàn giao sẽ bị phạt. Vì vậy, chủ đầu tư liều bàn giao nhà cho người mua, trong khi công trình chưa được cơ quan có thẩm quyền ký nghiệm thu, hệ thống PCCC và các hệ thống hạ tầng vẫn đang trong tình trạng chưa hoàn thiện. Việc này không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của người dân mà còn vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về xây dựng.

Lại Hùng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top