Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 16:57

“Sống khỏe” với mô hình chăn nuôi hiện đại

Trong khi nhiều hộ dân gặp khó khăn vì dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thì HTX Hà Anh, xã Nguyên Phúc (Bạch Thông - Bắc Kạn) vẫn “sống khỏe” nhờ áp dụng mô hình quản lý, phương thức chăn nuôi khép kín, hiện đại.

Mô hình hiện đại

Trên diện tích khoảng 6.000m2, HTX Hà Anh đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, lắp đặt thiết bị vận hành hiện đại và mua con giống. Qua các lớp tập huấn, học hỏi từ địa phương khác, HTX  đã mạnh dạn lắp đặt những thiết bị tiên tiến áp dụng trong quy trình sản xuất con giống, chăm sóc và xuất bán. Đầu tiên phải kể đến hệ thống camera giám sát mọi hoạt động của trang trại, góp phần bảo đảm an ninh và giúp Giám đốc HTX theo dõi, quản lý, điều hành mọi hoạt động bên trong trang trại từ xa.

 

21.jpg
Khu chăn nuôi lợn của HTX Hà Anh được đầu tư quy mô, khép kín.

 

Nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn được điều chỉnh phù hợp với đàn lợn dù trong ngày hè nóng nực hay mùa đông giá lạnh nhờ quạt thông gió và máy điều hòa. Việc ăn, uống của lợn cũng hoàn toàn tự động và cung cấp thường xuyên theo nhu cầu của vật nuôi. HTX Hà Anh cũng đầu tư 100 triệu đồng xây dựng hầm biogas nhằm xử lý phân thải, hạn chế thấp nhất mùi từ quá trình chăn nuôi, đồng thời tận dụng nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Chị Đinh Thị Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Hà Anh, cho biết: “Việc đầu tư trang trại theo hướng hiện đại ban đầu khá tốn kém nhưng hiệu quả mang lại lâu dài và rõ nét. Nếu cứ chăn nuôi theo phương cách truyền thống thì rủi ro dịch bệnh cao và lãi cũng chẳng được bao nhiêu trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục”.

Phòng dịch là yếu tố tiên quyết

Trước khi thành lập HTX Hà Anh, gia đình chị Hằng cũng từng chăn nuôi lợn với quy mô vài trăm con lợn mỗi lứa. Nhưng năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện khiến gia đình phải tiêu hủy khoảng 300 con lợn, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, cũng may được Nhà nước hỗ trợ một phần. Rút kinh nghiệm, khi đưa trang trại lợn hiện đại vào hoạt động, chị Hằng và các thành viên HTX Hà Anh xác định, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để đạt thành công trong chăn nuôi.

Mọi hoạt động bên trong trang trại đều khép kín, “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Các thành viên HTX hạn chế vào trong khu sản xuất, công nhân cũng không được tự ý ra ngoài, một tháng được nghỉ 3 ngày, mỗi lần trở lại phải cách ly 01 ngày, khử khuẩn mới được vào trang trại. Khách đến tham quan, liên hệ công tác cũng thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch như: Thay quần áo bảo hộ và khử khuẩn trước khi vào khu sản xuất.

Mỗi tháng đôi lần, HTX Hà Anh tự mổ lợn phục vụ nhu cầu của công nhân, không mua thịt bên ngoài về nhằm hạn chế thấp nhất nguồn lây dịch tả lợn châu Phi. Tiến hành rắc vôi bột ngoài cổng, phun khử trùng trại 2 lần/ngày, khử trùng thức ăn bằng tia UV..., tất cả nhằm mục đích không để lọt mầm bệnh vào trại lợn.

Lãi 500.000 đồng/con

Quy mô thiết kế trại lợn là 500 con, nhưng HTX mới nuôi 200 con lợn thịt, 50 con lợn nái. Số lợn nái được phân kỳ 16-17 con đẻ cùng đợt, mỗi đợt cho khoảng 200 lợn con, số lợn này nuôi đạt 100 - 120kg sẽ xuất bán. Với giá bán 55.000 đồng/kg lợn hơi, trừ chi phí, mỗi con lợn sẽ cho lãi khoảng 500.000 đồng.

Chị Hằng cho biết thêm: “Tuy mỗi con lợn nuôi khoảng 4-5 tháng chỉ cho lãi khoảng 500.000 đồng nhưng với 200 con xuất bán/tháng thì hiệu quả kinh tế không nhỏ. Thời gian tới, HTX sẽ gây thêm 50 con lợn nái, đưa tổng số lợn thịt mỗi lứa khoảng 400 con”.

 

 

 

Xuân Nghiệp
Ý kiến bạn đọc
Top