Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2017 | 3:55

Sức sống mới ở làng mộc Đồng Kỵ

Hàng năm, sau kỳ nghỉ Tết, bà con làng  mộc Đồng Kỵ, Từ Sơn (Bắc Ninh) đều chọn ngày lành để “khai đục” (chạm, khắc một mặt hàng nào đấy), mở cửa hàng buôn bán trở lại để lấy “hên”, cầu mong xuân mới làm ăn phát đạt.

Sau khi hết hội làng (15/2 âm lịch) cả làng thực sự bắt tay vào công việc. Giờ đây, sức sống mới ở làng mộc Đồng Kỵ đã khác xưa: các mặt hàng phong phú hơn; tay nghề nâng cao hơn và hàng hóa luân chuyển ra nước ngoài nhiều hơn; đem lại sự phồn vinh nhanh chóng cho một làng nghề có độ tuổi chưa đầy nửa thế kỷ.  

Ông Tý hướng dẫn thợ làm nghề tại khu sản xuất của gia đình.

Gặp “anh cả” làng nghề...

Đầu xuân mới, đang rỗi rãi, nên anh cả của làng mộc Đồng Kỵ, ông Nguyễn Văn Tý, đã cho chúng tôi biết rất nhiều điều về lịch sử của làng nghề kể từ khi ra đời đến nay.

Khởi đầu, cách đây gần 40 năm, những người thợ mộc xã Phù Khê sang Đồng Kỵ làm nghề rồi để lại nghề từ bấy đến nay. Không biết do cơ may hay do sự “khéo tay, hay làm” của người Đồng Kỵ mà nghề mộc ở đây ngày càng phát triển, lấn át cả Phù Khê. Vào thời điểm ông Phó cả Phù Khê lên làm ăn  ở Đồng Kỵ, ông Tý mới 15 -16 tuổi, và ông đã đi theo Phó cả lên Thái Nguyên, vừa phụ việc, vừa học nghề. Nhờ có trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa, vài năm sau, ông Tý đã trở thành Phó cả. Giống như người thầy của mình, ông bắt đầu tuyển thợ đi hành nghề ở các địa phương như Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn (Hà Nội)... Tuy nhiên, có một thời gian bị gián đoạn do ông phải tham gia quân ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia 4 năm. Song, đây chính là điều may mắn cho ông và làng mộc Đồng Kỵ, vì đã có thêm thị trường mới ở nước bạn. Sau khi xuất ngũ, ông Tý đã sang Campuchia hành nghề, kết hợp với buôn bán các sản phẩm gỗ từ Đồng Kỵ vào thị trường này. Đây cũng là dấu mốc đưa đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ tiếp cận thị trường ngoài nước. Sau 3 năm ở Campuchia, ông tiếp tục mở rộng thị trường sang huyện Bằng Tường (Trung Quốc), và từng bước đi sâu vào nội địa nước bạn từ bấy đến nay, vài năm trở lại đây đã có thêm khách  Đài Loan đến mua hàng.

Cũng phải nói thêm rằng, nhờ chính sách mở cửa của Nhà nước, được nhập gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ ra nước ngoài (theo mẫu mã của họ), nên làng nghề Đồng Kỵ ngày càng sầm uất. Hiện, mỗi năm Đồng Kỵ xuất khẩu vài chục ngàn đơn hàng; giá cả từ vài chục đến hàng chục tỷ đồng/sản phẩm, tùy theo loại gỗ; nhiều nhất là bàn ghế, giường tủ, sập... tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài địa phương. Bản thân ông Tý đã có công đào tạo hàng chục thợ phó cả cho làng nghề; hiện, lớp thợ này đã vững vàng, đang tiếp tục dìu dắt thế hệ trẻ.  Ngày nay, tên gọi giản dị làng mộc Đồng Kỵ đã nhường chỗ cho tên mới: “Làng đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ” vì đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng đi với chúng tôi đến thăm khu di tích của làng, ông Tý phân trần, không hiểu sao người Đồng Kỵ xưa đã rất thức thời, cách đây 300 năm, tổ tiên của họ đã biết trồng cây gỗ sưa. Bằng chứng là, tại khu di tích vẫn còn 30 cây gỗ sưa, đường kính từ 7 -30cm. Tiếp bước cha ông mình, bà con Đồng Kỵ đã trồng thêm được trên 700 cây sưa, có tuổi đời từ 10 -15 năm; đây là loại gỗ được ưa chuộng bậc nhất trên thị trường hiện nay.

Vài năm trở lại đây, do tuổi cao nên ông Tý đã chuyển sang chăm sóc hoa cây cảnh, trao nghề cho các con. Nếu như trước đây cơ sở của ông phải thuê 20 công nhân, thì nay, nhờ có máy móc hiện đại ông chỉ phải thuê 7 công nhân. Số lượng sản xuất, gồm 30% hàng nội địa; 70% phục vụ xuất khẩu, bình quân lãi ròng 300 - 400 triệu đồng/năm.  

Giàu “khủng”

Được biết, các sản phẩm của Đồng Kỵ giờ đây không dừng lại ở thị trường trong nước, với những loại gỗ bình thường như gụ, mun, hương, cẩm lai...mà hướng tới những loại cao cấp như trắc, sưa. Ví như, 1 bộ bàn ghế bằng gỗ trắc gồm 1 đoản dài, 1 bàn, 4 ghế, 4 đôn có giá 3- 4 tỷ đồng; cũng một bộ như vậy nhưng bằng gỗ sưa có giá lên tới vài chục tỷ đồng. Đây là những mặt hàng được khách Trung Quốc, Đài Loan đặt nhiều, nếu chỉ làm bằng các loại gỗ bình thường thì giá chỉ 30 - 40 triệu đồng/bộ. Khách hàng “sộp” nên người làm hàng, bán hàng cũng nhanh chóng trở nên giàu “khủng”. Giờ đây, đến Đồng Kỵ, người dân không khỏi ngỡ ngàng như lọt vào bất kỳ một phố cổ sầm uất nào ở Hà Nội. Đó là những cửa hàng sáng giá như: Lập Hưởng, Hoàng Hải, Mai Hướng, ... với doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm là chuyện bình thường.

Một góc cửa hàng buôn bán đồ gỗ Lập Hưởng.

Được biết, Đồng Kỵ có 16.887 khẩu, 90% dân số tham gia làm nghề, ngoài những gương mặt sáng giá kể trên, đa số người dân Đồng Kỵ có doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Thu, khu phố Tân Thành, cho biết, ông làm nghề này trên 25 năm, với những mặt hàng như: bàn ghế, giường tủ, lọ hoa, đồ thờ, ... Ông thuê 10 nhân công, trả lương quanh năm theo sản phẩm, bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, hàng bán chạy nhất từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Đây cũng là thời gian gỗ đảm bảo khô nỏ nhất, hàng sản xuất có chất lượng hơn, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng và yêu cầu của khách. Đầu ra là các địa phương: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc và nhiều vùng miền trên cả nước.

Cũng theo ông Thu, nghề mộc khó nhất là khâu kỹ thuật và khâu sấy gỗ; để có một bộ sản phẩm đẹp, từ khúc gỗ to phải xẻ ra thành tấm, theo kích cỡ khách đặt hàng. Sấy gỗ có 2 cách, một là phơi nắng tự nhiên, tùy theo chủng loại gỗ, phơi khoảng 3 giờ (gỗ tươi), sau đó ngâm nước 1 giờ, đa phần ngâm trong bồn to, đem lên phơi tiếp 4 giờ nữa.  Cứ liên tục như vậy, có khi phải vài tháng mới làm hàng được. Nếu không phơi nắng thì dùng máy sấy công nghiệp (hấp theo quy trình và chủng loại gỗ để đảm bảo chất lượng); hoặc m­­­ua gỗ đã khô để sản xuất được ngay.

Khâu kỹ thuật là đặc biệt quan trọng, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, có mắt thẩm mỹ cao. Ví như vào mộng phải khít, kiểu dáng, nét đục phải thanh thoát, mềm mại, sản phẩm phải có “hồn” mới đạt yêu cầu. Đối với hàng xuất đi Trung Quốc, Đài Loan, làng nghề chủ yếu làm theo mẫu mã của khách, song đồ thờ cúng: nét đục, khảm bằng thủ công, kích cỡ... họ làm theo lối cổ xưa của Việt Nam.     

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Tuất, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Kỵ, cho biết: “Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và buôn bán gỗ là thế mạnh của Đồng Kỵ, với trên 100 doanh nghiệp và hơn 90% số hộ tham gia làm nghề. Đồng Kỵ đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, dịch vụ điều tiết gỗ và đồ gỗ của cả vùng. Đảng bộ xã luôn tìm biện pháp tích cực, khuyến khích nhân dân đầu tư, mở rộng mặt bằng; đổi mới trang thiết bị để làng nghề ngày càng phát triển. Hiện, xã đã quy hoạch làng nghề ổn định theo 3 cụm: Cụm công nghiệp làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ 12,6ha (năm 2002); Khu công nghiệp Đồng Quang 29ha (năm 2004); Khu Đô thị dịch vụ phường Đồng Kỵ, vừa sản xuất, vừa mở cửa hàng buôn bán trong khu dân cư 40ha (năm 2010). Nguồn gỗ hiện nay chủ yếu nhập từ Lào, Campuchia, Thái Lan, song, những nguồn này đã cạn kiệt, bà con chuyển hướng sang nhập gỗ từ châu Phi, Nam Mỹ, Indonesia. Nhờ làm nghề nên thu nhập bình quân của phường đạt 45 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn do Trung Quốc nên hàng bán chậm hơn những năm trước”. 

Ngoài ra, ông Tuất cho biết thêm, Đồng Kỵ có thuận lợi là được các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương đặc biệt quan tâm; bên cạnh việc quy hoạch làng nghề còn giúp bà con tìm kiếm thị trường. Thường xuyên có 3 - 4 ngân hàng trên địa bàn giúp nhân dân tiện lợi trong việc vay vốn; người dân cần cù, năng động, sáng tạo, chăm chỉ làm ăn.

Với sự nhất trí cao, đồng sức đồng lòng từ người dân đến chính quyền, hy vọng, người dân Đồng Kỵ sẽ giữ vững được ngôi vị của mình trong lòng bạn bè quốc tế và bà con cả nước.

   Dương An Như

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top