Đối với nhiều nước trên thế giới, rác thải được xem là nguồn tài nguyên quý giá, trong khi ở Việt Nam, hàng chục ngàn tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày, dù vẫn biết giá trị rất lớn của chúng.
Chôn lấp là hạ sách
Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), với dân số hơn 93 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải. Chưa kể lượng rác thải nông nghiệp từ cây trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản... đều là tài nguyên.
Nguồn thải lớn nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí, nhất là tại các thành phố lớn.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.
Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh.
Các nhà chuyên môn cho rằng, nếu đem chôn lấp hoặc đốt như cách lâu nay sẽ lãng phí từ 55 - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.
Tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên, sản xuất phân vi sinh và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Việt Nam bắt đầu quan tâm giải quyết bài toán xử lý rác, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp gây thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất để chôn lấp ngày càng tăng ở nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn. Một số địa phương đã đầu tư nhà máy phân loại rác để lấy nguyên liệu tái chế, sản xuất phân vi sinh và đốt rác làm điện nhưng chưa nhiều, công suất còn thấp.
Quản lý chưa bắt kịp tốc độ xả thải
Ngoài nguyên nhân rác không được tổ chức phân loại từ đầu nguồn gây khó khăn, việc thiếu nhà máy xử lý hiện đại, công nghệ cao, năng suất cao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý rác theo cách chôn lấp phổ biến hiện nay. Cả nước hiện có 381 lò đốt rác, 37 dây chuyền chế biến compost (phân trộn). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định việc xử lý rác thải là một trong những thách thức hiện nay, đặc biệt là rác thải sinh hoạt, bởi thực trạng xử lý chôn lấp vừa gây ô nhiễm tài nguyên nước vừa gây cạn kiệt, lãng phí tài nguyên.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, phát biểu trên báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng hiện Việt Nam đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của rác thải.
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco Hà Nội) đã thực hiện một số dự án, trong đó có dự án "Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội". Đại diện lãnh đạo đơn vị này cho biết sau một năm triển khai thực hiện thí điểm, chương trình đã từng bước tạo dựng được mô hình phân loại, tái chế rác thải, giảm lượng rác thải chôn lấp; bước đầu mở ra một ngành nghề kinh doanh rác tái chế của công ty. Ước tính lượng rác tái chế thu được đến hết tháng 5-2021 khoảng hơn 500 tấn.
Để giảm áp lực cho cách xử lý chôn lấp, TP. HCM đang thay dần công nghệ xử lý rác bằng cách đốt phát điện; đồng thời hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn thành 2 loại (tái chế và không tái chế) để phù hợp công nghệ đốt rác phát điện hiện nay. Chính quyền thành phố cũng đặt mục tiêu cụ thể giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 20% vào năm 2025.
Không chỉ đốt rác mà phải tái chế rác để tạo nền kinh tế tuần hoàn cho rác thải. Ông Ngô Như Hùng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietstar - đơn vị đang vận hành nhà máy tái chế chất thải rắn tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (TP. HCM), cho biết cần nhận định rác là tài nguyên và tái chế rác là cần thiết. Nhiều năm nay, Vietstar đã đầu tư nhà máy tái chế rác với quy mô tiếp nhận khoảng 1.800 tấn/ngày. Mỗi tháng, nhà máy sản xuất khoảng 1.000 tấn phân hữu cơ và 300 tấn nhựa PE, mang lại nguồn thu cố định.
Các nhà chuyên môn cho rằng các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đầu tư lắp đặt dây chuyền xử lý, tái chế rác thải. Nhưng việc đầu tư hiện còn nhiều vướng mắc, trong đó có sự bất cập về thủ tục, giá xử lý... khiến nguồn rác thải không thể tận dụng.
Ông Ngô Như Hùng Việt khẳng định: "Muốn tái chế rác đòi hỏi quy trình xử lý rác đầu vào khá tỉ mẩn, tốn nhiều thời gian. Lượng rác Vietstar tiếp nhận mỗi ngày gần bằng 1/5 lượng rác toàn TP. HCM. Nếu có thêm nhiều nhà máy tái chế rác thì nguồn lực kinh tế mang lại từ rác thải sẽ nhiều hơn. Lúc đó, lượng rác chôn lấp sẽ giảm rất lớn, lại còn tạo lập nền kinh tế tuần hoàn từ rác thải".
Ứng xử với rác thải nhựa
Nhựa không phải là chất thải. Nhựa chỉ là chất thải khi không được quản lý tốt. Rác thải nhựa là nguồn tài nguyên. Để quản lý nguồn tài nguyên này, điều cần thiết hiện nay, chúng ta phải xây dựng được hệ thống thu gom rác và phân loại rác từ nguồn.
Tuy vậy, trên thực tế, quy định này chưa được thực hiện nghiêm, nhiều chủ đầu tư vẫn tìm cách trì hoãn việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Thực trạng này đang khiến môi trường quanh các khu đô thị bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng…
Một trong những vấn nạn nhức nhối về ô nhiễm mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ thải ra môi trường mỗi năm, trong đó, có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa. Ước tính từ thống kê của các cơ quan quản lý về môi trường, trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó, có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông. Túi ni lông hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, đến ven biển… Đơn cử, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng. Hơn 80% số này đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà phổ biến là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm.
Và nếu không có cách quản lý hiệu quả để “đãi rác tìm vàng”, chúng ta hoàn toàn có khả năng bị rác nhấn chìm trước khi kịp nhìn thấy những ánh kim lấp lánh từ những thứ loại bỏ đó.
Tại Việt Nam, về cơ bản, nếu chỉ dựa vào đội ngũ thu gom phế liệu, các cơ sở chế biến bao bì thủ công, chúng ta vẫn “đãi” được một lượng túi ni lông, sản phẩm nhựa và một phần các thứ có thể tái chế, nhưng khối lượng không nhiều, không đủ sạch cho các nhà máy xử lý được đầu tư hàng triệu USD. Điều đó dẫn đến bất cập lựa chọn công nghệ xử lý rác bị phụ thuộc vào đặc điểm nguồn rác hiện có, chứ không theo các tiêu chuẩn đầu ra về sản phẩm và chỉ số môi trường.
Chưa kể, ngay trong thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy sự lên ngôi của xu hướng mua sắm online. Với hoạt động ship hàng khắp mọi miền đất nước, người bán phải “gia cố” hàng hóa trong nhiều lớp ni lông. Trong khi đó, sau khi nhận sản phẩm, người mua hàng cũng không thể tận dụng lại túi ni lông hoặc không muốn tận dụng nên lượng rác thải nhựa cứ thế càng đầy lên, tạo áp lực với môi trường sống.
Chúng ta phấn chấn với sự xuất hiện của những ống hút bằng tre, túi đựng bằng giấy, túi tự hủy… song, đó mới chỉ là một vài điểm sáng để khởi tạo nên thói quen và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng chứ chưa đi sâu sát vào trong đời sống sinh hoạt của đại đa số người dân. Việc tuyên truyền về việc mang túi và hộp nhựa dùng nhiều lần đi chợ của cơ quan chức năng chỉ diễn ra nhất thời và chưa đủ để “mưa dầm thấm lâu”. Người dân thiếu trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ môi trường càng làm cho lượng rác thải nói chung, lượng rác thải nhựa nói riêng ngày càng gia tăng và không kiểm soát được. Do vậy, ngăn rác thải nhựa đến lúc trở thành chính sách quốc gia để tạo nên thói quen tập thể chứ không chỉ là phong trào nhỏ lẻ.
Thay đổi hành vi con người, bước qua những trở ngại trong tư duy, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần và "xả rác có tâm", cải thiện hệ thống thu gom và phân loại rác... là những giải pháp cơ bản trọng tâm. Nhưng chưa đủ. Vấn đề mấu chốt ở đây lại là các quy định pháp lý.
Quy định xử phạt với người không phân loại rác từ nguồn được đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là một bước đi rất quan trọng. Nhưng để cụ thể hóa bước đi đó, cần nhiều nỗ lực và quyết tâm hơn, hướng dẫn đồng thời cưỡng chế thực thi, mới có thể rút ngắn quá trình dịch chuyển và thay thế công nghệ xử lý rác thải, trước khi chúng ta kiệt sức vì trả giá cho môi trường.
Dịch chuyển nào cũng cần bắt đầu từ nhận thức và ý thức. Vì sao rác là tài nguyên và cần làm gì để rác trở thành tài nguyên, cần trở thành nhận thức của số đông, chứ không chỉ dừng lại ở tư duy của nhà quản lý?!
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.