Là một nhà báo đi suốt chiều dài đất nước từ thời khó khăn bao cấp đến phát triển hội nhập có biết bao nhiêu niềm vui nỗi buồn.
Trong đó không ít lần nguy hiểm đến tính mạng bản thân và gia đình. Thế nhưng, tất cả đều vượt qua bởi bản lĩnh của người làm báo Đảng trong tôi là thế! Nhân kỷ niệm 93 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/06/1925 – 21/06/2018) tôi như được sống lại những ký ức đẹp đã gắn bó với nghề suốt 35 năm qua.
Tác giả với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh sau cuộc gặp bất ngờ.
“Vạn sự khởi đầu” là dấu ấn khắc sâu trong tâm trí tôi từ lúc bắt đầu gắn bó vào nghiệp báo cho đến nay. Chặng đường làm báo của tôi đã đi qua 35 năm theo chiều dài lịch sử đất nước. Bây giờ tôi có dịp ngoái nhìn lại phía sau mới biết được đời làm báo niềm vui và nỗi buồn luôn lẫn lộn; mới biết được tình ngươi tình đất luôn đèo bòng trong tôi. Vì thế, đồng nghiệp thân thiết nhà báo Phan Thế Cải tặng cho tôi 2 câu thơ của nhà thơ Pê – tô – phi:
“Nơi ta đến không một người chờ đợi
Nơi ta đi bụi đỏ cuốn đường dài”
Tôi còn nhớ như in vào một ngày tháng 8/1992, thời bấy giờ tôi còn là phóng viên của Văn phòng Hội nhà Báo tỉnh Hà Tĩnh.Trên chiếc xe đạp cà tàng, đôi bàn đạp còn lại mỗi hai cùi sắt nhọn tôi rẽ vào một quán cóc sửa xe nhờ họ hàn cho một cục sắt to hơn để đạp đường trường cho dễ. Người thợ sửa chữa có tên là Đoàn Ngọc Nho ở Thạch Phú, thị xã Hà Tĩnh thời ấy đăm đăm nhìn thẳng vào tôi và hỏi: “chú làm nghề gì mà khổ thế này? Thưa bác em làm nghề báo. Nếu chú làm nghề báo tui bày cho chú một nơi mà viết”. Không cần tôi hỏi lại, ông liền chỉ tay lên dãy Trường Sơn trước mặt. “Trên ấy là quê tôi, Hương Liên – Hương Khê – Hà Tĩnh, có một bộ tộc người ăn lông ở lỗ trên mấy nóc nhà sàn nhỏ nhoi xiêu vẹo, cuộc sống của họ thiếu ăn, thiếu mặc thậm chí quan hệ huyết thống anh em trong nhà với nhau”.
Nghe ông Nho mách bảo, với nung nấu của người làm báo tôi lên đường cùng chiếc xe cà tàng từ Thị xã Hà Tĩnh theo hướng ngược rừng từ 5 giờ sáng cho đến chập tối mới đến được thị trấn Hương Khê. Bởi con đường từ Thị xã Hà Tĩnh lên Hương Khê toàn đường đất, sỏi đá phải lạng lách những hòn đá mồ côi nằm lăn lốc giữa đường nếu không tránh kịp cả xe lẫn người vật lộn nhau giữa đường là chuyện bình thường. Sau một đêm trằn trọc không sao ngủ được, mờ sáng tôi tiếp tục cuộc hành trình men theo con đường ngồ ghề bụi đỏ, đạp xe thì ít mà dắt thì nhiều vì đường dốc núi cao vực thẳm. Đến xế chiều cùng ngày, bản Rào Tre của đồng bào dân tộc Chứt đã xuất hiện trước mặt. Quả đúng như lời ông Nho giới thiệu, cả bản chỉ có 7 nóc nhà sàn cheo leo trên sườn núi âm u tịt mịt. Thời bấy giờ tôi còn sử dụng chiếc máy ảnh dennix (Liên xô) sử dụng bằng phim cuộn. Bước vào bản mọi người trên nhà sàn nhìn ngó chỉ trỏ vào tôi, họ phát ngôn tiếng dân tộc là lạ. Tôi không hiểu gì hết, thấy một cụ già hơn 90 tuổi đang ngồi móm mém nhai hạt mít. Tôi vội vã chộp ngay tấm hình này, đồng thời nhìn sang vách nhà phía bên cạnh thấy một em bé không áo quần đứng tựa bên vách nứa mục đổ, đó là những hình ảnh ban đầu xuất hiện trước ông kính của tôi. Sau một ngày khai thác tối đa về cuộc sống ăn ở sinh hoạt khổ cực của đồng bào tôi trở về thị xã Hà Tĩnh.
Mặc dầu mệt nhoài nhưng tôi cố gượng thức thâu đêm chắt chiu từng tờ giấy với mấy chiếc bút bi viết ngay phóng sự “Có một dân tộc thiểu số đang sống khắc khoải giữa núi rừng Hương Khê. Cuộc sống du cư hoang dã bệnh tật đe dọa sự tồn vong”. Sau vài đêm thức trắng tác phẩm để đời này được báo Hà Tĩnh đăng tải. Ban biên tập báo Hà Tĩnh thời bấy giờ đánh giá đây là đề tài “độc” được ưu tiên đăng tải kịp thời. Sau đó tôi bạo gan gửi bài ra báo Nhân dân, chỉ sau hai ngày báo Nhân dân số ra ngày 13 tháng 8 năm 1992 đăng trang nhất phóng sự “Có một dân tộc thiểu số đang sống khắc khoải giữa núi rừng Hương Khê. Cuộc sống du cư hoang dã bệnh tật đe dọa sự tồn vong” của tác giả Anh Bình.
Sau khi báo phát hành được mấy ngày, tôi được Tổng biên tập báo Nhân dân thời bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Thọ điện thoại thông báo với Tổng biên tập báo Hà Tĩnh tin cho nhà báo Anh Bình ra Hà Nội để gặp chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh. Cảm xúc lúc đó thật khó diễn tả thành lời, tôi vừa nửa mừng nửa lo, với bộ quần áo lếch thếch bên chiếc mày ảnh dennix tôi tìm đến số nhà 37 Hùng Vương, đấy là nhà ở của Ban Thường vụ Quốc hội. Thấy tôi xin bước vào cổng ông bảo vệ giáp mặt nhìn từ đầu đến chân tôi và hỏi “Chú vào đây có việc gì”. Tôi liền trả lời: “Thưa bác, em vào đây để gặp bác Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội”. Ông bảo vệ trừng mắt nhìn tôi rồi vội vã bám số điện thoại bàn gọi cho ai đó, một lúc sau Chánh văn phòng Quốc hội ra đón tôi và đưa lên gác hai để gặp Chủ tịch Quốc hội. Bước vào phòng làm việc tôi được Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan chào đón tôi như đón người thân. Sau khi chuyện trò hỏi thăm về gia đình, về công việc, Chủ tịch Quốc hội đưa tờ báo Nhân dân có đăng bài của tôi về đồng bào dân tộc ở Hương Khê và hỏi: “Bài viết và những tấm hình này có phải cháu viết không?”. Tôi trả lời “Dạ đúng, cháu viết”. “Nếu đúng như cháu trả lời thì ở Hương Khê, Hà Tĩnh là tỉnh lần đầu tiên phát hiện ra một bộ tộc mới đấy hở cháu?”. Tôi cũng trả lời: “Dạ đúng thưa bác”.
Trước lúc chia tay, bác Nông Đức Mạnh có dặn dò tôi: “Cháu viết báo cho Đảng, cho dân thế là tốt rồi, chớ có viết báo đời nha”. Sau câu dặn dò ấy, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực. Trước lúc chia tay Chủ tịch Quốc hội nhắn gửi âu cũng là giao trách nhiệm cho tôi rằng: “Cháu nhớ về nói với Đại tá Võ Hồng Tuyên - Chỉ huy Trưởng; Trung tá Võ Trọng Việt - Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh ra đây gặp bác”. Bởi, trong bài viết của tôi có đoạn: “Sau khi đi tuần tra vào rừng sâu, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện có một bộ tộc người sống bơ vơ giữa rừng. Bằng mọi cách, các chiến sỹ đã tuyền truyền, vận động đồng bào ra cư ngụ ở bên một sườn núi thuộc địa bàn xã Hương Liên, huyện Hương Khê, gần với đồng bào Kinh. Đồng thời, chăm sóc đời sống từng ngày cho họ bằng tiết kiệm chia sẻ quần áo, gạo cơm từ phần ăn của các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng để giúp đồng bào những ngày đầu hòa nhập cộng đồng.
Câu chuyện làm báo của tôi thời bấy giờ là thế. Đây chỉ là một câu chuyện của đời làm báo trong nhiều câu chuyện khác với bao kỷ niệm để đời mà tôi không bao giờ quên.
Những câu chuyện về nghề trong đời làm báo của tôi thì kể mãi không hết, nhưng câu chuyện trên là kỷ niệm mà tôi nhớ nhất. Và ngày kỷ niệm về nghề trong những lần tiếp theo tôi sẽ kể tiếp câu chuyện nghề mà tôi đã được trải nghiệm.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.