Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 3 năm 2021 | 13:6

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, khí thải tại Thủ đô

UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 742/UBND-ĐT về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Lắp đăt hệ thống quan trắc không khí tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh

Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, có trách nhiệm tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố để cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Quá trình thực hiện, các sở, ngành chủ động phối hợp, báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn (nếu có vướng mắc) các cơ quan chuyên ngành Trung ương để thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ được giao.

Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường, đảm bảo cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Thực hiện kiểm kê khí thải trên địa bàn thành phố làm cơ sở xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

 

th1.jpg
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày trở nên nghiêm trọng.

 

Xây dựng, ứng dụng phần mềm mô hình hóa, dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí. Đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố; thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí định kỳ. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh lượng bụi, khí thải lớn. Xử lý nghiêm các cơ sở, hoạt động gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong quý II/2021; đảm bảo trong năm 2021 không còn tình trạng đốt rơm rạ. Phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe gắn máy, mô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND thành phố giải pháp kiểm soát khí thải từ giao thông, góp phần cải thiện chất lượng không khí.

UBND thành phố cũng giao các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông định hướng, quán triệt các cơ quan báo chí, truyền hình sử dụng thông tin chất lượng môi trường do các cơ quan có thẩm quyền. 

Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định, hoàn thành xong trong quý II/2021. Khẩn trương phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công Thương và các quận, huyện, thị xã rà soát tổng hợp danh mục, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

Ô nhiễm không khí do quản lý rác thải kém hiệu quả

Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở các khu vực thành thị, khu dân cư ngày càng tăng cao khiến cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên, một số công ty thu gom rác thải đô thị đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, khối lượng công việc của công nhân vệ sinh môi trường tăng gấp 2 – 3 lần.

Điều này dẫn đến lượng rác thải tồn đọng tại các khu vực dân cư, sau khi được thu gom cũng trở nên quá tải, trong khi các nhà máy xử lý chưa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu. Một số công nhân vệ sinh phải đốt rác để giảm diện tích bãi chứa, vô tình giải phóng ra không khí không chỉ khí thải các bon mà còn nhiều khói bụi, kim loại nặng…

Mặt khác, tại những nơi rác thải tồn đọng, hiện tượng rác hữu cơ phân hủy cũng là nguồn gây ra khí thải gây ô nhiễm không khí.

 

th23.jpg
Ô nhiễm không khí do quản lý rác thải kém hiệu quả

 

Như vậy, bên cạnh việc xử lý phát thải công nghiệp hay hạn chế khí thải từ phương tiện giao thông, việc quản lý hiệu quả rác thải rắn cũng là biện pháp giúp giảm ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam PRO Việt Nam), công tác quản lý chất thải rắn đang không bắt kịp với tốc độ đô thị hóa cũng như khối lượng và độ phức tạp của rác thải phát sinh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến từ thói quen, nhận thức của người tiêu dùng đối với rác thải. Đây cũng được coi là mắt xích quan trọng nhất để hình thành chuỗi giá trị tái chế, phương pháp xử lý ô nhiễm gắn liền với mô hình kinh tế tuần hoàn, đem lại lợi ích vẹn toàn cả về môi trường lẫn kinh tế.

Các nhà tái chế cho biết, chuỗi giá trị tái chế cũng như công tác quản lý chất thải rắn đạt hiệu quả cao yêu cầu không chỉ rác thải được phân loại tại nguồn mà còn xử lý sơ rác thải trước khi thải bỏ.

Góp phần khắc phục vấn nạn ô nhiễm không khí cũng như nhiều vấn nạn ô nhiễm môi trường khác, PRO Việt Nam đã và đang tiến hành hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức để nâng cao chất lượng hoạt động thu gom rác thải cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phân loại, xử lý rác thải đối với người tiêu dùng.

Bàn giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch

Sông Tô Lịch là dòng sông có ý nghĩa lịch sử, văn hoá và tâm linh của Hà Nội. Núi Nùng Sông Tô được coi là tượng trưng cho kinh thành Thăng Long xưa. Sông Tô Lịch (có chiều dài khoảng 14,6km) cùng sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét tạo nên hệ thống thoát nước chính của thành phố Hà Nội.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải của lưu vực 77,5km2 với lưu lượng 30m3/s. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch là rất nghiêm trọng, hoàn toàn không thể sử dụng nước sông trong sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khác nhau để cải tạo dòng sông. Tuy vậy, hiện nay sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm trầm trọng.

 

th3.jpg
Sông Tô Lịch, ngày càng ô nhiễm

 

Dưới góc độ lịch sử, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đưa ra các thông tin quý giá về dòng sông Tô Lịch trong 2000 năm qua; vị trí của dòng sông trong quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội; những giải pháp cụ thể để khôi phục dòng sông.

Đưa ra những thông tin tổng quan về quy hoạch kiến trúc các dòng sông thuộc Hà Nội, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nêu quan điểm: Cần quy hoạch cải tạo dòng sông Tô Lịch đang ô nhiễm như hiện nay thành dòng sông thoát nước mưa; có giải pháp bổ cập nước thường xuyên cho dòng sông; tiếp tục thực hiện việc cống hóa hai bên dòng sông để thu nạp nước thải; quy hoạch cảnh quan kiến trúc hai bên dòng sông.

GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thuỷ Lợi cho rằng: Cần phải trả lại chức năng chính cho dòng sông Tô Lịch đó là thoát nước mưa. Cùng với đó, các đơn vị của thành phố cần giải quyết được bài toán sông phải có dòng nước sạch chảy liên tục nhất là vào mùa cạn; những giải pháp cụ thể để bổ cập nước thường xuyên cho sông Tô Lịch.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm ở các dòng sông nhất là sông Tô Lịch, GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường - kiến nghị: Cần phải rà soát và điều chỉnh Quyết định 725/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, cần đưa nội dung thu gom, xử lý nước thải phân tán bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông; thực hiện dự án bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch cũng như các sông hồ khác của Hà Nội từ nguồn nước sông Hồng và nước thải sau xử lý.

Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông Tô Lịch và các sông hồ nội đô khác có kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí trên mặt nước; xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông Tô Lịch và sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập và kiểm soát hoạt động các nhà máy và công trình xử lý nước thải xả vào sông; xây dựng chế tài bảo vệ môi trường sông Tô Lịch và sông hồ nội đô.

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top