Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 5 năm 2022 | 18:18

Tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái và xây dựng thế hệ nông dân thông minh

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nông dân để đời sống của bà con ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng.

283576906_336210561918087_8455517375514450582_n.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân tại Sơn La.

 

Kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam tổ chức ngày hôm nay (29/5) tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề búc xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời.

“Tôi yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ để cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng hành cùng nông dân, chủ động tháo gỡ các khó khăn

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, chúng ta cần xây dựng và phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ, trong đó có nông nghiệp, đồng thời phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đây là hai mặt của một quá trình, có liên hệ qua lại với nhau.

Trong định hướng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia sẻ, cảm thông sâu sắc tới bà con nông dân nói riêng và đồng bào cả nước nói chung với những khó khăn, thách thức trong 2 năm gồng mình cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19 vừa qua.

Nhấn mạnh các thông điệp gửi tới các đại biểu và bà con nông dân cả nước, Thủ tướng cho rằng, đại dịch là vấn đề toàn cầu, do đó, phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương; đại dịch là vấn đề toàn dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Nhờ nỗ lực nội tại và sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, đến nay chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh. Sự kiện đối thoại hôm nay và đặc biệt là việc tổ chức thành công SEA Games 31 với hơn 10.000 người tham dự vừa qua đã cho thấy hiệu quả chống dịch và tình hình an toàn tại Việt Nam. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhiều nước còn phải gồng mình chống dịch, không quốc gia nào an toàn khi quốc gia khác còn phải chống dịch, không người dân nào an toàn khi người khác còn mắc bệnh. Do đó, chúng ta vẫn không được lơ là, chủ quan”- Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng nêu rõ, đại dịch để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng mà chúng ta phải hằng ngày giải quyết. Tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, liên quan tới cạnh tranh chiến lược, xung đột tại Ukraine, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên liệu đầu vào, lạm phát tăng cao tại các đối tác lớn của Việt Nam, sức ép lạm phát gia tăng với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Vấn đề an ninh lương thực nổi lên.

Tất cả những điều này tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, kim ngạch xuất - nhập khẩu lên tới 200% GDP, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, các diễn biến trên thế giới tác động ngay tới Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện đường lối của Đảng, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây là hai mặt song song của một quá trình, mặt này tốt sẽ ảnh hưởng tích cực tới mặt kia và ngược lại. Độc lập, tự chủ không phải là tự cung, tự cấp, cách biệt với thế giới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, các cấp phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để cùng ngành nông nghiệp, cùng người nông dân giải quyết các khó khăn đang hiện hữu và cả những khó khăn trong tương lai có thể xuất hiện mà chúng ta chưa dự báo được.

Các cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân trước đây đều mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế nói chung và cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Chúng ta phải rà soát lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại đó để tiếp tục có cảm xúc, động lực tiếp tục làm việc. Tất nhiên, một cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, chúng ta phải không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, quyết định, chiến lược lâu dài, trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất. Còn nguồn lực bên ngoài (năng lực quản trị, công nghệ, tri thức hóa nông dân, nguồn vốn, thị trường, chuỗi cung ứng…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Dựa vào nội lực là chính, nhưng không thể bỏ qua ngoại lực.

Trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…

281844182_1444020336034501_1620763727507095617_n.jpg
Thủ tướng tham quan các gian hàng tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La. 

 

Cuộc đối thoại được tổ chức với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, bảo đảm hiệu quả. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm phải làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Xây dựng thế hệ nông dân thông minh thì công tác đào tạo nghề rất quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp nêu vấn đề, muốn thực hiện thành công việc xây dựng thế hệ nông dân thông minh thì công tác đào tạo nghề rất quan trọng.

"Chính phủ có chính sách đột phá gì về đào tạo nghề cho nông dân, để hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp?"- TS. Nguyễn Lân Hùng đặt câu hỏi.

Trực tiếp phúc đáp vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay: "Chúng ta xác định, nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp nên phải chú trọng nâng cao trình độ, năng lực và khả năng làm chủ cho nông dân theo tinh thần mà Hội nghị Trung ương 5 vừa nêu ra là toàn diện và văn minh”.

Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến đào tạo nghề. Trước hết, người lao động cần hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình. Bộ trưởng mong Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng thực hiện việc này.

Theo người đứng đầu ngành Lao động, đổi mới đào tạo nghề, trong đó cần đổi mới công tác tuyên truyền như tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp, cho nông dân. Về vấn đề này, với mỗi vùng cần cách thức đổi mới tuyên truyền khác nhau.

"Tôi nhớ trước 2010, ở Trạm Tấu (Yên Bái), bà con còn chưa biết trồng ngô. Chúng tôi đã phải huy động sinh viên trường nông nghiệp lên hướng dẫn bà con trồng ngô. Sau đó, một vụ, hai vụ thành công, bà con ở đó mới làm theo. Từ chuyện này cho thấy, nhiều nông dân cần có lực lượng mang tính chất dẫn dắt", ông Dung nói.

282159258_1985886514951876_341478342705589937_n.jpg
Các sản phẩm trái cây và sản phẩm OCOP trưng bày tại sự kiện Thủ tướng đối thoại nông dân thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham quan và tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm.

 

Ngoài ra, đổi mới trong công tác đào tạo nghề phải gắn với đổi mới chương trình, giáo trình, học liệu… Từ đó, để làm sao gắn đào tạo với cơ cấu lao động, sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân.

Vấn đề tiếp theo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh là phải đổi mới cơ cấu nguồn lực đầu tư.

"Trong 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, chúng ta đã bố trí khá nhiều nguồn lực cho đào tạo nghề, nhưng qua kiểm tra, khi về địa phương, khoản này thường bị cắt xén bớt, chuyển sang nhiệm vụ khác. Thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực cho đào tạo nghề một cách chính xác, đầy đủ", ông Dung nhấn mạnh.

Một vấn đề ông Dung nhấn mạnh trong vấn đề đào tạo nghề, đó là phải phân vai, phân công rõ ràng cho từng Bộ, ngành. Theo đó, toàn bộ hoạt động đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh; đào tạo nghề phi nông nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

"Chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó 75% đã được đào tạo, nhưng chỉ có hơn 24% có chứng chỉ hành nghề, thuộc diện thấp trong khối ASEAN. Thủ tướng đã phê duyệt chương trình chiến lược trong đào tạo nghề. Do đó, thời gian tới chúng ta phải coi đây là một trong những khâu đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại", ông Dung nói thêm.

Quyết tâm cao trong việc giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu TĂCN

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Hòa Mỹ cho biết, HTX chăn nuôi lợn công nghệ cao ở Ứng Hòa (Hà Nội) của ông có quy mô 3.000 lợn nái, 1.700 lợn thương phẩm/lứa, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tạo gánh nặng rất lớn cho sản xuất. Ông Thanh nêu câu hỏi: "Chính phủ sẽ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?"

Trả lời những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá cả các mặt hàng tăng cao thời gian qua, trong đó có vật tư nông nghiệp, là vấn đề toàn cầu liên quan tới đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực kiểm soát tình hình, hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu, vật tư có tính chất chiến lược; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo không bị ách tắc, ép giá; nghiên cứu chính sách điều chỉnh thuế, phí…

Thời gian tới, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên qua sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ về giải pháp sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào.

Cụ thể, Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán - người mua. Vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm nên nếu tính toán tỉ mỉ hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ.

"Nếu giá cả tiếp tục leo thang, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét trợ giá với một số vật tư thiết yếu để hỗ trợ người nông dân trong giai đoạn hiện nay", ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Tiếp tục câu chuyện về giá sản phẩm bị "đội" cao do chi phí đầu vào tăng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh vào giải pháp chủ động tiết giảm chi phí đầu vào.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Tôi có đi thị sát mô hình ở nhiều địa phương, nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, đó cũng là cách giảm chi phí".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, Việt Nam cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài.

btlmh-16538046360282086275872.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

 

Nhắc tới vấn đề Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, vấn đề quan trọng là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu.

Các bộ, ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Chúng ta cùng nhận thức vấn đề, đưa ra giải pháp và hành động để giảm phụ thuộc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước".

Phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn phải vì lợi ích của người dân. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Trong giai đoạn tới, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân.

Gắn mục tiêu là “phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, cần quán triệt một số quan điểm đã được thống nhất tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội; Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch đẹp.

282262155_977580362954618_3573760307907045813_n.jpg
Thủ tướng khẳng định, trong giai đoạn tới, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.

 

“Tại cuộc đối thoại hôm nay, chúng ta đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược, khó khăn, vướng mắc, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Các vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi tại Hội nghị đối thoại góp phần bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sông nông dân”, Thủ tướng kết luận.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, Hội nghị đối thoại hôm nay một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam; là sự cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

“Sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và phát triển bền vững”, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn chia sẻ./.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top