Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 11 năm 2017 | 10:1

Tây Nguyên: Lâm Đồng sẵn sàng cho Festival hoa, lấy đất tái canh cao su để trồng xen cà phê

Lâm Đồng đã sẵn sàng cho Festival hoa Đà Lạt, người trồng tiêu Đắk Lắk gặp khó khăn; Gia Lai có chủ trương lấy đất tái canh cao su trồng cà phê,... là những tin tức nổi bật ở Tây Nguyên.

Lâm Đồng: Trồng mới 42.000 cây hoa hồng ri dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ VII

Trên diện tích 5.200m2, số hoa hồng ri được trồng chạy dài trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, từ khu vực ấp Ánh Sáng tới gần vòng xoay chợ Đà Lạt.

Trồng 42.000 cây hoa hồng ri thay cho loại hoa xác pháo tại khu vực công viên Ánh Sáng

Được biết, hoa hồng ri còn có tên gọi là hoa phụng điệp, có nguồn gốc từ Brazil, thường thích hợp trồng vào mùa hè. Với miếng đất trống hơn 0,5ha, lại nằm tại khu vực trung tâm, được trồng luôn phiên nhiều loài hoa đẹp nên vài năm nay khu vực trên đã trở thành điểm nhấn hấp dẫn du khách tới thưởng ngoạn, chụp hình lưu niệm mỗi khi lên tới TP Đà Lạt.

Đắk Lắk: Người trồng tiêu đối mặt với nhiều khó khăn sau bão

Cơn bão số 12 quét qua khu vực Đắk Lắk trong mấy tiếng đồng hồ nhưng đã để lại những thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây hồ tiêu.

Mặc dù không nằm trong tâm bão nhưng các vườn tiêu ở huyện Cư Kuin cũng bị thiệt hại khá nặng nề. Riêng xã Ea Bhốk, hầu như vườn nào cũng có trên dưới 100 trụ tiêu bị gãy, đổ.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, trên địa bàn có 20 ha tiêu bị ảnh hưởng nặng, với khoảng 15.000 trụ tiêu bị đổ, nặng nhất là xã Ea Bhốk (1.000 trụ). Phòng cũng đã cử cán bộ xuống các xã kiểm tra tình hình để có giải pháp hỗ trợ sớm nhất cho người dân.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, theo thống kê sơ bộ của các địa phương, toàn tỉnh có gần 4.000 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại, trong đó, diện tích hồ tiêu khoảng gần 480 ha. Hầu hết các vùng trồng tiêu đều bị ảnh hưởng, nhất là những địa phương gần tâm bão, trong đó có nhiều vườn tiêu ở Krông Năng, M’Đrắk, Ea Kar gần như bị đổ hoàn toàn.

Gia Lai: Lấy đất tái canh cao su để trồng xen cà phê

Hàng trăm hécta đất tái canh cao su tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đang bị người dân trồng xen canh cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng… làm phá vỡ cơ cấu cây trồng, gây tranh chấp nước tưới, buộc địa phương phải cầu cứu cấp trên.

Ông Lê Quang Trương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, cho biết việc trồng xen cao su đã được Tập đoàn Cao su Việt Nam cho chủ trương. Nếu trồng thuần cao su thì mật độ là 555 cây/ha với tỷ lệ 6-3, nghĩa là hàng cách hàng 6m, cây cách cây 3m. Khi chuyển sang trồng xen, công ty chuyển đổi một số mô hình, trong đó mật độ gồm 413 cây/ha, 460 cây/ha hoặc 500 cây/ha. Khoảng cách giữa các hàng là 5,5m, cây cách cây 2m. Trồng 2-3 hàng cao su rồi chừa luồng đất trống rộng 15m, 21m hoặc 27m. Phần đất trống này được công ty hợp đồng trồng xen với các tổ chức, hộ dân theo hình thức công ty bỏ đất, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư để chia lợi nhuận, còn đối với dân thì trả một số tiền cho công ty.

Hàng trăm hécta đất tái canh cao su tại huyện Chư Sê đang bị người dân trồng xen canh cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng… làm phá vỡ cơ cấu cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, lo ngại việc cho trồng xen đã làm tăng diện tích hàng trăm hécta tiêu, cà phê, phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra, các hồ đập trước kia thiết kế không tính toán nước cho diện tích cao su, nay trồng xen đương nhiên không đủ nước tưới. Ngoài ra, cây cao su có độ che phủ cao, giờ xen canh làm tỷ lệ che phủ giảm, thay đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng nước ngầm.

Theo Huyện ủy Chư Sê, việc trồng xen trong diện tích cao su tái canh bước đầu đã gây tranh chấp nguồn nước tưới với người dân. Khi tái canh, công ty không báo cho xã, huyện biết, dẫn đến những vị trí nằm trong quy hoạch nông thôn mới, dân cư, đang làm thủ tục trình UBND tỉnh thu hồi thì triển khai tái canh. Đến khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh, buộc huyện phải xuất ngân sách để đền bù.

Đắk Nông: Vụ phân “rồng vàng”, “rồng đen” ở Đắk R’lấp – cây trồng chết do nấm và thiếu chất

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (NN và PTNT) tỉnh Đắk Nông, ông Lê Trọng Yên vừa ký ban hành Công văn số 2435/SNN-TTr trả lời nội dung kiến nghị của gia đình ông Phan Văn Thủy, trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp).

Trước đó, gia đình ông Thủy phản ánh, sau khi bón phân NPK “rồng vàng” do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu phân bón Âu Châu (Long An), sản xuất thì hàng loạt cây cà phê, hồ tiêu bị chết.. Gia đình nghi ngờ do phân kém chất lượng.

Sở NN và PTNT​ kết luận cây trồng chết do nấm và thiếu chất

Sở NN và PTNT đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xác minh sự việc và lấy mẫu đất của gia đình ông Thủy để kiểm nghiệm, phân tích. Kết quả, các mẫu phân tích cho thấy, nguồn đất trồng cà phê, hồ tiêu của gia đình ông Thủy có sự xuất hiện nhiều loại nấm và tuyến trùng; hàm lượng Magie, Kali thấp. Do đó, Sở NN và PTNT kết luận, cây cà phê bị vàng lá là do thiếu Magie và Kali. Còn cây tiêu chết là do bệnh chết nhanh, chết chậm bắt nguồn từ các loại nấm.

Trong công văn, Sở NN - PTNT Đắk Nông không đưa ra kết luận về chất lượng của loại phân NPK có lôgô rồng vàng. Sở giải thích, do vào thời điểm xác minh, loại phân này đã được người dân sử dụng hết. Tại đơn vị cung cấp phân cho gia đình ông Thủy là đại lý phân bón Minh Đức, thị trấn Kiến Đức, cũng không còn phân “rồng vàng”. Do đó, Sở không thể lấy mẫu để phân tích, kiểm nghiệm chất lượng đối với loại phân này.

Kon Tum: 600 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu mía

UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư quy hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 khoảng 122 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2030 khoảng 480 tỷ đồng.

UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã phê duyệt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Theo quy hoạch, đến năm 2020, sẽ phát triển diện tích mía toàn tỉnh lên 3.250 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 70 tấn/ha, sản lượng đạt 227.500 tấn. Đến năm 2030 diện tích mía toàn tỉnh đạt 4.000 ha, năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, sản lượng đạt 320.000 tấn. Sản xuất các sản phẩm từ mía đến năm 2020 là 30.000 tấn đường kính trắng, 20.000 tấn mật rỉ; đến năm 2030 sản xuất 40.000 tấn đường kính trắng, 30.000 tấn mật rỉ, 5.000 lít cồn thực phẩm, phát điện 6 MW/h./.

Quốc Hùng (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top