Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 15:45

Thái Bình làm theo lời Bác

Thực hiện lời dạy của Người trong lần cuối về thăm, 56 năm qua (1966 - 2022), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

“Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Thực hiện lời dạy của Người trong lần cuối về thăm, 56 năm qua (1966 - 2022), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn cách mạng, nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM)…

Đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Năm 2015, Hưng Hà là huyện về đích NTM đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Với tư duy, xây dựng NTM là hành trình có khởi đầu nhưng không có kết thúc nhằm nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân, từ đó đến nay, các xã, thị trấn ở Hưng Hà đã không ngừng đẩy mạnh NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

 

13b.jpg
Một góc trung tâm xã Nam Cường (Tiền Hải).

 

Tại các vùng nông thôn của huyện, những tuyến đường kiên cố rộng rãi trải dài xanh, sạch, đẹp đến tận ngõ xóm, ruộng đồng; những công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa xã, thôn, các khu thể thao, khu vui chơi được đầu tư xây dựng khang trang; những mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả đã giúp mang lại nhiều hộ nông dân thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm, giúp nông thôn Hưng Hà khoác tấm áo mới.

Nam Cường là một trong bốn xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM của huyện Tiền Hải (năm 2013).  Nhân dân xã Nam Cường luôn tự hào về truyền thống lao động cần cù, khai hoang lấn biển và vinh dự được Bác Hồ về thăm năm 1962. Đảng bộ và nhân dân xã Nam Cường đã đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khai thác mọi nguồn lực xã hội để tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Diện mạo nông thôn ở Nam Cường như một bức tranh với những gam màu tươi sáng của những công trình xây dựng mới, những ngôi nhà cao tầng và con đường bê tông thẳng tắp, sạch sẽ, rộng rãi...

Không chỉ Nam Cường, khắc ghi lời Bác dạy, toàn huyện Tiền Hải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng và trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Để được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM (2019), Tiền Hải đã huy động nguồn lực gần 2.250 tỷ đồng  thực hiện các tiêu chí NTM. Kết quả, 100% số xã đạt chuẩn NTM, huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí và không còn nợ xây dựng cơ bản. Hiện nay, Tiền Hải đang chủ động rà soát, đánh giá và nâng cao chất lượng các tiêu chí để hướng tới NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao.

Cùng với hai huyện Hưng Hà, Tiền Hải, các huyện, thành phố khác của  Thái Bình đều đã đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng NTM, NTM nâng cao. Xác định xây dựng NTM nâng cao là mục tiêu khó, nên cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp.

Trong quá trình xây dựng NTM, Thái Bình tự hào nằm trong tốp đầu cả nước về đích sớm khi 100% số xã đạt chuẩn NTM, 7/7 huyện đạt chuẩn NTM, thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Thái Bình đã có 20 xã hoàn thành 11/11 tiêu chí NTM nâng cao, trong đó 15 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Theo ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân, công tác xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu đến 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu. Tạo đột phá trong nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp

Theo UBND tỉnh Thái Bình, kinh tế của tỉnh hiện cơ bản phát triển ổn định, dần phục hồi và tăng trưởng khá; tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 tăng 6,68% (đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố); quý I/2022 tăng 7,44% (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố). Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 28,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 37,8%. Tổng thu ngân sách ước đạt 10.580,3 tỷ đồng, tăng 65,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 35% kế hoạch, thuộc tốp đầu và cao hơn bình quân chung của cả nước… Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm...

Phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở: “Thái Bình đất hẹp, người đông; người xưa đã chọn nơi đây là nơi lấn biển. Do đó, tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển hướng ra biển”.

Theo Thủ tướng, Thái Bình  phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, ổn định, hiệu quả, nhưng phải xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh, là trụ cột cho sự phát triển.  Thái Bình phải phát huy thế mạnh này, nhưng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Thái Bình góp phần phục vụ an ninh lương thực, xuất khẩu; đầu tư khoa học-công nghệ, tăng năng suất lao động về giống, phân bón, công nghệ mới, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, mở rộng thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu.

“Phải tạo hệ sinh thái nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tạo thị trường trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chế biến sâu; phải có chuỗi cung ứng toàn quốc, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Trong suốt dặm dài gian khó, cho đến hôm nay và mãi sau này, người dân quê lúa luôn khắc ghi hình ảnh Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc. Nhớ Bác, ơn Bác, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình càng tích cực học tập và làm theo lời Bác, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, sớm hiện thực hóa lời căn dặn của Người: “... làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

 

Sau khi dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải; khánh thành, dâng hương và trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Cường (huyện Tiền Hải), ghi sổ vàng lưu niệm tại khu lưu niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Tiền Hải tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng Tiền Hải ngày càng giàu mạnh, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

13a.jpg
 

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường  được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp thể hiện lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu.

Với niềm tự hào và ý thức trách nhiệm, Đảng bộ, nhân dân huyện Tiền Hải sẽ mãi gìn giữ Di tích Quốc gia đặc biệt quý giá này để muôn đời hướng về, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Người và giáo dục tư tưởng nhân văn, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho lớp lớp thế hệ mai sau.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phong trào cách mạng của các địa phương, trong đó có phong trào cách mạng Thái Bình và Thái Bình cũng là tỉnh vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm. Mỗi lần, Bác về thăm là mở ra một chặng đường lịch sử mới, tỉnh Thái Bình thêm một bước phát triển, cán bộ, nhân dân thêm nhiều tiến bộ.

 

 

H.Nghĩa - P.Lợi
Ý kiến bạn đọc
Top