Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 7 năm 2022 | 11:19

Thăm “ngôi nhà hạnh phúc” của động vật hoang dã ở Sapa

Tôi gọi Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Sapa - Lào Cai) là “ngôi nhà hạnh phúc” của các loài động vật hoang dã trải qua nhiều biến cố sinh tử, sau những ngả đường lưu lạc lại may mắn được chăm sóc, trở về với mẹ thiên nhiên.

Chăm sóc ân cần

Rộng chừng 29ha, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên là nơi bảo tồn và phát triển nhiều loại cây, dược liệu quý hiếm, tiếp nhận động vật chăm sóc, bảo vệ, phục hồi thói quen sinh tồn hoang dã để trở về sống trong môi trường tự nhiên của mình.

Dẫn chúng tôi đến khu sinh sống của các loài động vật hoang dã mà Trung tâm đã tiếp nhận, anh Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm giới thiệu: “Chúng tôi tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã bị săn bắt được cơ quan chức năng thu giữ, tang vật vụ án buôn bán động vật hoang dã được bàn giao sau khi kết thúc điều tra và từ người dân địa phương trao tặng. Phần lớn cá thể khi tiếp nhận thường trong tình trạng sức khỏe yếu do bị nuôi nhốt lâu ngày, trong điều kiện bị lạm dụng cơ thể, không được vệ sinh, chăm sóc hoặc bị thương do trúng bẫy... nên đòi hỏi người chăm sóc phải tốn nhiều công sức, sự tâm huyết”.

 

anh-1.jpg
Anh Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên tại khu nuôi gấu.
anh-3.JPG
Hai cá thể khỉ được thăm khám sau tiếp nhận.

 

Chỉ một ngày theo chân cán bộ Trung tâm đi làm việc nhưng tôi đã cảm nhận trọn vẹn tình cảm đặc biệt mà anh, chị, em  đã gắn bó với nơi này từ những ngày đầu (năm 2009). Anh Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ gần 20 năm trong nghề kể lại: “Ngày đầu tiếp nhận những cá thể hoang dã, chúng tôi cũng nhiều bỡ ngỡ vì chưa có kinh nghiệm về đặc tính của những loài vật đó, chỉ biết rằng, chúng bị thương thì cần phải băng bó, thậm chí phải mua thuốc của người để trị bệnh cho chúng. Có những con khỉ bị sập bẫy giập hết tay, chúng tôi phải tự mua dao mổ, thuốc gây mê về tiến hành tháo khớp. Nhìn những con khỉ đau đớn liếm vết thương, càng liếm càng nhiễm trùng, hoại tử thì động lực mạnh mẽ nhất là bằng mọi giá chữa trị cho chúng khỏi bệnh. Nhiều con đã lành nhưng cũng có con chịu cụt tay vĩnh viễn thì chúng tôi xác định để lại Trung tâm nuôi chứ thả về rừng nó cũng khó tồn tại trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt. Tuy nhiên, khác với thú nuôi bình thường, những con vật này vẫn rất dữ, khó gần người. Như tôi đã chăm sóc một thời gian dài thì không sao, nhưng chỉ cần người lạ vào gần, nó sẵn sàng tấn công”.

Chăm sóc động vật hoang dã không chỉ vất vả như chăm con mọn mà còn đối mặt với nhiều nguy hiểm. Công việc bình thường của người được phân công chăm sóc động vật sẽ bắt đầu từ sáng sớm, đến từng khu, thăm từng loài, xem xét từng con, quan sát biểu hiện, sức khỏe... , có bỏ ăn hay không. Sau đó sẽ dọn dẹp, vệ sinh chuồng sạch sẽ rồi mới đưa thức ăn vào.

Việc chế biến thức ăn cũng hết sức tỉ mỉ, tùy từng loài mà chuẩn bị khẩu phần thức ăn riêng như: gấu ăn bí, táo, chuối, cà rốt, củ đậu, mật ong, cháo gà. Khỉ ăn chuối, bí, khoai lang rửa sạch, thái miếng, ngô bung. Cầy ăn các loại hoa quả, chuối, dưa chuột. Cu li thì phải đi tìm côn trùng, nhựa thông và thêm nửa quả trứng gà, vịt luộc/ bữa. Mèo rừng, rắn ăn thịt gà sống...

“Cứ như vậy, chúng tôi trở nên gắn bó với chúng từ lúc nào không hay. Anh, chị, em coi chúng như những đứa trẻ, gọi chúng bằng những cái tên âu yếm nhất: Dạ Hoa, Vi Hoa, Yến Hoa... để dễ bề theo dõi chăm sóc tốt”,  anh Hùng cho biết.

 

anh-4.JPG
Các em nhỏ tại địa phương trao tặng 1 cá thể rùa núi viền nặng 2,8kg.

 

Về với “mẹ thiên nhiên”

Mỗi năm 2-3 lần Trung tâm sẽ có những đợt thả động vật hoang dã về rừng. Công việc tưởng như đơn giản nhưng ẩn chứa biết bao sự cống hiến thầm lặng. Thật may mắn khi được trò chuyện cùng cô bé Phạm Thị Mai Chi (Long An) thuộc Tổ chức động vật châu Á, người tình nguyện hỗ trợ Trung tâm chăm sóc, làm giàu môi trường sống cho động vật. Mai Chi cho biết: “Em thường xuyên đi tình nguyện ở những trung tâm như thế này thuộc các vùng miền trên cả nước. Với mỗi địa điểm em thường lưu lại khoảng 3-4 tháng để cùng với các anh, chị chăm sóc động vật hoang dã. Hàng ngày, ngoài chăm sóc sức khỏe còn phải huấn luyện chúng quen với cách sống trong môi trường gần tự nhiên nhất. Cho chúng sống trong một khu bán hoang dã và làm tăng dần các đặc tính tự nhiên như: Mèo rừng có hành vi sống về đêm, mình sẽ giấu đồ ăn ở nhiều vị trí để nó tự đánh hơi đi tìm. Mèo thích cào móng thì mình sẽ cung cấp đồ cào móng cho nó như uốn sợi dây gai vào thanh gỗ để nó thực hiện những hành vi tự nhiên của nó nhiều nhất có thể. Khỉ có hành vi tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên, giấu đồ ăn vào cây gỗ, khúc gỗ xong lấy lá che lại để nó đi tìm. Gấu thì làm tăng khả năng đánh mùi bằng cách cung cấp những loại cây gây mùi trong môi trường sống tự nhiên của gấu, đưa những cành cây lớn để gấu thỏa thích cào cấu, ăn, tự chơi...”.

 

anh-5.JPG
Tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

 

Đến thời điểm thích hợp, cán bộ Trung tâm phải đi khảo sát những địa điểm phù hợp với đặc tính, môi trường sống của từng loại và phải ở địa điểm cách xa dân nhất. Đối với loài sống ở độ cao hơn 2.000m, anh em phải đi lên những khu vực có độ cao hơn 2.000m khảo sát xem trong sinh cảnh đó phải có thức ăn của nó hay không như: cây quả, côn trùng... Có những dịp phải đi hàng tuần lang thang trong rừng.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiến hành được 2 đợt tái thả động vật hoang dã về với “mẹ thiên nhiên”. Đợt 1 tái thả 39 cá thể thuộc 3 loài gồm: 35 cá thể rắn hổ mang một mắt kính, 2 cá thể khỉ mặt đỏ và 02 cá thể khỉ mốc. Đợt 2, tái thả 20 cá thể thuộc 5 loài gồm: 3 cá thể culi nhỏ, 5 cá thể rùa đầu to, 6 cá thể cầy vòi mốc, 2 cá thể mèo rừng, 4 cá thể trăn đất đã được cứu hộ thành công và đủ điều kiện tái thả.

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đã tiến hành tiếp nhận cứu hộ 16 vụ thuộc 13 loài với 44 cá thể từ người dân và các cơ quan chức năng. Tỷ lệ cứu hộ thành công là 43/44 cá thể ( 97,73%) .

Tính đến hết ngày 17/06/2022, tổng số động vật trong Trung tâm là 135 cá thể thuộc 31 loài, gồm 23/31 loài chiếm 74,19% tổng số loài, và 113/135 cá thể chiếm 83,70% tổng số cá thể, thuộc Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top