Ông Phan Thế Phương là người được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, được người dân tại thôn 14 (xã Quảng Công, Quảng Điền) suy tôn là “Thần Hoàng” và tên ông cũng được lấy để đặt cho một trường học tại địa phương này.
Vị “Thần Hoàng” trong lòng dân
Về thăm xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thôn 14 của xã là một trong những địa phương nằm bên bờ phá Tam Giang. Vào những năm 1980 nơi đây vẫn là một vùng quê nghèo khó và người dân phải trật vật để mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm cá tự nhiên trên phá Tam Giang.
Giờ đây, người dân thôn 14 đã có cuộc sống sung túc hơn với đường bê tông, nhà cửa kiên cố khang trang, mua sắm xe ô tô… và chuyện “miếng cơm manh áo” chỉ còn là trong ký ức của những người thế hệ trước. Người dân ở đây cho rằng, cuộc sống sung túc mà họ có được hôm nay chính là nhờ nghề nuôi tôm, cá và trong đó là nhờ ông “Thần Hoàng” Phan Thế Phương.
Ông Nguyễn Văn Tuyển (78 tuổi, trú tại thôn 14) cho biết, ở làng này từ người già đến trẻ nhỏ ai ai cũng biết đến “Thần Hoàng” Phan Thế Phương bởi lẽ ông Phương chính là người đã mang nghề nuôi tôm, cá đến và giúp người dân phát triển sinh kế.
Chị Tuyết (45 tuổi, trú tại thôn 14) nhớ lại, lúc bác Phương về làng truyền nghề nuôi tôm, cá cho người dân thì chị mới hơn 10 tuổi. “Bác thích ăn cháo tôm và các món làm từ tôm lắm. Chính tôi cũng đã nhiều lần được nấu cháo cho bác ăn đó. Bác hay lắm, gần gủi và chất phác lắm, cứ rảnh khi nào là bác ghé về thăm làng lúc đó”, chị Tuyết kể lại.
Ba của chị Tuyết, ông Phạm Hóa (77 tuổi) kể rằng, thực ra trước khi bác Phương về truyền nghề nuôi dạy tôm, cá thì ông và một số người cũng đã nghĩ và đào hồ nuôi. Tuy nhiên, việc nuôi tôm, cá của họ không thực sự hiệu quả. Thậm chí, nhiều người cho rằng họ đang “ném tiền qua cửa sổ”.
“Khoảng năm 1988 bác Phương thường chọn nhà tôi là địa điểm để tổ chức các buổi họp, gặp mặt trao đổi với bà con trong vùng về nghề nuôi tôm, cá. Bác từng giảng dạy tại Khoa Thuỷ sản, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội rồi sau này làm Giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Trị Thiên nên biết rất rõ về kỹ thuật nuôi tôm cá.
Tôi nhớ nhất là lần họp tại nhà tôi, bác đã mời nhiều chuyên gia từ các trường đại học ở Hải Phòng, Cần Thơ, lãnh đạo tỉnh… và kêu gọi người dân các xã, các huyện ven phá Tam Giang đến tham gia trật kín cả nhà”, ông Hóa nhớ lại.
Đến nay, người dân, đặc biệt các vị cao niên trong thôn 14 đều khẳng định sự phát triển của nghề nuôi tôm, cá nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội tại đây nói riêng đều là nhờ ông “Thần Hoàng” Phan Thế Phương. Cũng vì lẽ đó, sau khi ông Phương mất, người dân nơi đây đã lập miếu thờ phụng và suy tôn ông là vị “Thần Hoàng” là ông “Tổ nghề” nuôi tôm, cá của làng.
Lấy tên ông Phan Thế Phương để đặt tên cho trường THCS
Ông Phan Thế Phương (27/6/1934 – 6/10/1991) , quê tại xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông từng tham gia Cách mạng trong khi theo học trường Khải Định (nay là Quốc học); kết nạp Đảng Cộng sản Việt nam khi mới tròn 16 tuổi (năm 1950); giảng dạy tại Khoa Thuỷ sản, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội; quyền Hiệu trưởng trường trung cấp Thuỷ sản Trung ương I (Hải Phòng); Giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Trị Thiên…
Với những cống hiến của mình, ông Phan Thế Phương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Hữu nghị, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” (năm 2003).
Đặc biệt, từ năm học 2013 - 2014, khi các trường THCS trên địa bàn huyện Quảng Điền được đổi tên trường, ngôi trường THCS Phan Thế Phương được công nhận theo Quyết định số 1715/QĐ-UBND của UBND huyện Quảng Điền ngày 28/5/2013 với tiền thân là trường THCS Quảng Công.
Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng trường THCS Phan Thế Phương Trần Đình Nhật cho biết, nhà trường rất vinh dự và tự hào khi được mang tên Phan Thế Phương. Theo đó, trong những năm qua, cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường luôn phấn đấu nỗ lực để xứng đáng với niềm tự hào đó.
“Năm học 2013 – 2014, chúng tôi có 273 học sinh chia thành 8 lớp. Mặc dù trường chúng tôi là được đánh giá là khó khăn nhất trong tổng số các trường THCS tại huyện Quảng Điền, tuy nhiên, thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực, quyết tâm để đạt hiệu quả cao nhất trong dạy và học. Đến nay, trường chúng tôi đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia”, thầy nhật chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Quảng Công Lê Duận cho biết, tính đến thời điểm hiện tại địa phương có 146 héc-ta nuôi tôm, cá tập trung ở 05 thôn vùng nông nghiệp gồm: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4 và thôn 14.
“Địa phương, đặc biệt là người dân nuôi tôm, cá và thầy, trò trường THCS Phan Thế Phương luôn ghi nhớ công ơn của bác. Người dân đã lập đền thờ phụng bác, trường THCS Phan Thế Phương cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để truyền đạt cho thế hệ sau biết đến công ơn to lớn của bác và lấy đó là tấm gương giáo dục cho các em học sinh”, ông Duận cho hay.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.