Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 7 năm 2017 | 2:47

Thanh niên Bắc Ninh làm theo Bác

Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 05 -CT/TW về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh ­Bắc Ninh đã thu được một số kết quả nhất định. Điển hình là phong trào thanh niên lập nghiệp, phát triển kinh tế hộ, làm giàu cho gia đình và quê hương. Những gương mặt chúng tôi gặp ở đây còn khá trẻ, là thế hệ 8X, 9X, song họ đã có cách nhìn mới về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khi vận dụng vào cuộc sống hiện tại.

100% đoàn viên nhất trí làm theo tinh thần Chỉ thị 05.

Chọn nghề đã “thoáng” hơn

Đặng Tài Tuấn ở thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa (Yên Phong) cho biết, trước đây anh từng là sinh viên Đại học Thể dục - Thể thao Bắc Ninh. Tuy nhiên, kết thúc năm học thứ nhất, Tuấn bỗng có cái nhìn mới mẻ hơn về nghề nghiệp của mình sau này. Số là, anh thấy các anh chị đã tốt nghiệp ra trường chỉ làm những công việc như: dạy bơi cho trẻ em, bán hàng, số ít được làm việc đúng chuyên môn của mình. Trông người “ngẫm” ta, bản thân Tuấn cũng linh cảm, con đường thể thao ở phía trước không có cơ may cho mình. Trong khi ở nhà, công việc khá bận rộn, mẹ anh chuyên đi chợ, lo khâu đầu ra cho trang trại tổng hợp trên 1ha của gia đình. Tuấn lại là con cả, các em đang tuổi ăn học, một mình bố không đủ sức chăm sóc trang trại... Đây là điều làm Tuấn suy nghĩ rất nhiều, vì vậy, cuối kỳ nghỉ hè, Tuấn mạnh dạn bàn bạc với bố. Lúc đầu, nghe con trai tâm sự, bố anh hơi đột ngột, nhưng thấy Tuấn quyết tâm nên ông đồng ý.

Trang trại của gia đình đã được bố anh đầu tư 3 - 4 vụ, song do thiếu tầm nhìn kinh doanh, thiếu nhân công, đầu tư lớn nhưng không nắm bắt được thị trường... nên gia đình anh và nhiều hộ dân ở Thụy Hòa rơi vào khủng hoảng nguồn cung thịt lợn. Vì vậy, khu chuồng trại đầu tư để tăng đàn lên 400 con (dự định 40 con/chuồng), nay Tuấn tính toán lại, chỉ để 20 con/chuồng. Rất may, khâu đầu ra do mẹ anh giữ được bạn hàng, nên thịt lợn vẫn tiêu thụ túc tắc. Trong khi đàn nái vẫn còn 16 con, Tuấn vẫn duy trì, mặc dù có lúc giá thịt hơi chỉ còn 20.000 đồng/kg.         

Tạm ổn khâu thịt lợn, Tuấn lại cùng bố cân nhắc đàn gia cầm. Nhu cầu gà ta thả vườn đang ngày càng tăng nên anh đầu tư nuôi 500 con, giá 60.000 - 65.000 đồng/kg; giữ nguyên đàn gà công nghiệp đẻ trứng, mặc dù giá trứng có lúc xuống rất thấp, song, thị trường chấp nhận thì vẫn sản xuất. Gà công nghiệp chỉ 40.000 đồng/kg, sức mua bằng gà ta nên Tuấn giữ cả 2 loại. Ngoài ra, trang trại còn có 2 ao cá truyền thống, doanh thu 20 - 30 triệu đồng/năm. Tuấn nhẩm tính, nếu sau này ra trường đi làm, với mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng (chưa kể chi phí đi lại) thì ở nhà làm trang trại sẽ có cuộc sống tốt hơn. Mặt khác, số tiền vay ngân hàng 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, tăng đàn lợn nái, hiện phải trả 6,5 triệu đồng tiền lãi/tháng, 150 triệu đồng/năm đang là con số phải cân nhắc để trả đúng hạn cũng được Tuấn bàn bạc với bố mẹ, nên mọi việc dần ổn định.

Trước lúc chia tay, tôi hỏi về nội dung sinh hoạt của Đoàn Thanh niên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương, Tuấn cho biết: “Thực chất, chỉ thị này vào cuộc sống từ lâu rồi. Vì từ trước đến nay, chúng tôi vẫn luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực tiễn lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như: thực hành tiết kiệm; hỗ trợ, giúp nhau trong lao động sản xuất. Ai có sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa mới đều được chia sẻ, ủng hộ. Bằng chứng là, qua các đợt bình xét, biểu dương những gương mặt mới trong lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đem lại hiệu quả kinh tế cao, Đoàn Thanh niên chúng tôi luôn dẫn đầu”. 

Định hướng đúng

Không riêng Thụy Hòa,  anh Nguyễn Tùng Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Giang Sơn (Gia Bình), cũng cho biết, thanh niên Giang Sơn ngày nay vẫn kiên định đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn, sống giản dị, tiết kiệm. Thể hiện rõ nhất là chương trình hành động hàng năm của Đoàn, nhất là phong trào thanh niên phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đã huy động được  nhiều đoàn viên hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế gia đình, trồng cây ăn quả.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nổi bật trong phong trào thanh niên lập nghiệp của Đoàn Thanh niên xã Giang Sơn là mô hình của Bí thư Nguyễn Tùng Sơn. Với diện tích đất 2,5ha, Sơn đầu tư trồng nghệ vàng, nghệ đen để làm dược liệu, xen lạc, đỗ tương. Ngoài ra, Sơn còn mở cửa hàng tạp hóa, tổng thu nhập hàng năm đạt 600 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động và 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình tiêu biểu thứ hai thuộc về Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Giang Sơn, anh Nguyễn Thế Dũng. Với diện tích 1,5ha, Dũng đầu tư trồng cây ăn quả: bưởi, nhãn, mít... và nuôi 15 con bò, dê, tổng  vốn đầu tư ban đầu khoảng 800 triệu đồng, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động thời vụ, 5 lao động thường xuyên. Ngoài ra, còn nhiều mô hình thanh niên lập nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 05 - CT/TW thành công ở Bắc Ninh mà chúng tôi chưa thể kể hết.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Bắc Ninh, anh Trần Văn Đăng, cho biết: “Chỉ thị số 05 -CT/TW của Bộ Chính trị đã đi vào thực tiễn qua những việc làm cụ thể của đoàn viên, thanh niên trong đời sống sản xuất, cũng như thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa mới. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xứng đáng được biểu dương, nhân rộng. Nhiều nội dung học tập và làm theo đã được các cấp bộ Đoàn triển khai một cách năng động, sáng tạo; việc học tập các chuyên đề tiếp tục được đẩy mạnh, Chỉ thị ngày càng đi vào chiều sâu. Điều đáng nói là, việc học tập và làm theo Bác không chỉ dừng lại ở cá nhân, tập thể riêng lẻ nào, mà đã trở thành phong trào rộng khắp, việc làm thường xuyên, hàng ngày trong đoàn viên, thanh - thiếu niên và quần chúng nhân dân”.  

Anh Đăng còn cho biết thêm, số cán bộ, đảng viên thuộc cơ quan Tỉnh đoàn đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2017 là 34/34 người; cán bộ Đoàn chủ chốt cấp huyện 185/185 người; cấp xã 126/126người; 100% cơ sở Đoàn trong tỉnh tích cực nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đưa ra nhiều chương trình, phong trào phục vụ đoàn viên, thanh - thiếu niên như: Tôi yêu Tổ quốc tôi; Sáng tạo trẻ; Thanh niên khởi nghiệp và Thiếu nhi Bắc Ninh thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng chuyên trang “Tuổi trẻ Bắc Ninh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Song song với những công việc trên, các cấp bộ Đoàn cũng đã tổ chức được 165 buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề và nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, biển đảo thiêng liêng..., thu hút 70.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia. Năm 2016, Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã tuyên dương 85 Bí thư Chi đoàn và 10 gương thanh niên tiêu biểu cấp tỉnh.

Ngoài ra, để tôn vinh những tấm gương thanh, thiếu niên điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn  phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ thông qua những phong trào thiết thực như: nghìn việc tốt, uống nước nhớ nguồn, hoa điểm 10, đôi bạn cùng tiến..., thu hút đông đảo đội viên thiếu niên và nhi đồng tham gia.

Sau hơn một năm tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả như: Công tác tuyên truyền, giáo dục được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung, góp phần tích cực trong việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng. Việc giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật cho thanh, thiếu nhi ngày càng đi vào thực chất. Nội dung thực hiện được đánh giá có nhiều sáng tạo, hiệu quả, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hành động của Đoàn. Tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nói đi đôi với làm của cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu niên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng, hình thức tổ chức có nhiều đổi mới. Nhiều hoạt động được tổ chức đồng loạt, rộng khắp, có sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân.

Tuy nhiên, đây là chương trình mới, vừa triển khai, vừa học tập rút kinh nghiệm nên vẫn còn hạn chế. Một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chưa kịp thời, yêu cầu về tiến độ chưa đảm bảo thời gian thực hiện. Nhiều đơn vị khi triển khai còn lúng túng về cách thức tổ chức trong sinh hoạt chuyên đề hàng tháng, quý. Hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, hiệu quả chưa cao, nhất là các mô hình về nhân rộng điển hình tiên tiến, gương tiêu biểu chưa nhiều. Vì vậy, thời gian tới, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng vào việc rèn luyện cán bộ, đảng viên theo tinh thần Chỉ thị 05 -CT/TW. Cán bộ, đảng viên phải tham gia tích cực vào sinh hoạt, hoạt động của quần chúng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của họ...

Hy vọng, với một số kết quả đạt được, Tỉnh đoàn Bắc Ninh sẽ tích cực đổi mới nội dung, hình thức cuộc vận động, sao cho phù hợp với từng đối tượng, để có sức hút mạnh mẽ hơn nữa, góp phần bồi đắp lòng tự hào dân tộc và truyền thống hào hùng của quê hương Kinh Bắc. 

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top