Ngày đầu thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn TP. Vinh, lực lượng chức năng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân khi chủ động đập bỏ các công trình lấn chiếm.
Máy xúc được chính quyền huy động để cưỡng chế những điểm ách yếu trên đường Nguyễn Phong Sắc.
Ghi nhận của PV. Báo Kinh tế nông thôn, các lực lượng chức năng gồm Công an TP. Vinh, Phòng Quản lý đô thị Vinh, UBND các phường, xã đã tập trung tháo dỡ biển quảng cáo của các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên hầu hết các tuyến đường. Các bậc tam cấp, lối lên xuống do lấn chiếm cũng được các hộ dân, hộ kinh doanh chủ động đập bỏ.
Gần một tuần nay, căn nhà 3 tầng của gia đình ông Phan Quốc Hội, SN 1943 ở đường Hà Huy Tập (TP. Vinh, Nghệ An) trở thành một công trường xây dựng. Mọi hoạt động ở tầng 1 đều phải dời lên tầng 2 để thực hiện chiến dịch giải tỏa hành lang, vỉa hè lấn chiếm gây mất an toàn giao thông của thành phố. Sau khi phá dỡ phần tam cấp lấn chiếm vỉa hè, nền nhà của ông Hội cao hơn mặt đường hơn nửa mét. Lấy tay gạt mồ hôi trên trán, ông Hội cho biết: “Nhà tôi xây từ những năm 1998, để thuận tiện cho việc đi lại, gia đình có làm thêm các bậc tam cấp trên phần vỉa hè. Chủ trương giải tỏa vỉa hè của thành phố, mình phải gương mẫu chấp hành. Tháo dỡ bậc tam cấp xong thì nền nhà cách mặt đường hơn nửa mét, vợ chồng tôi đều già rồi, đi lại rất khó nên quyết định hạ nền nhà xuống để phù hợp với thực tế”.
Lực lượng chức năng tiến hành gỡ biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè.
Được biết, nền nhà của ông Hội bị hạ xuống 0,5m, kéo theo việc phải thay đổi toàn bộ gạch lát nền, gạch ốp chân tường, khung cửa bằng gỗ… Chi phí sửa chữa ước khoảng 30 triệu đồng.
“Chúng tôi rất đồng tình với việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ của thành phố. Nếu thực hiện tốt được như ở các thành phố lớn thì tốt quá, vỉa hè có thể sạch đẹp và thoáng mát hơn”, ông Nguyễn Khánh Lan (50 tuổi, trú phường Quán Bàu, Vinh) nói, và cho biết đã chủ động thuê thợ về phá bỏ bậc thềm, cắt một phần mái che bằng tôn ở trước nhà ngay từ sáng sớm; đồng thời, hội ý cùng các hộ dân khác chọn cùng 1 loại gạch lát đồng bộ phần vỉa hè vừa đập bỏ.
Một quán cà phê trên đường Lê Nin tự phá bỏ bậc tam cấp đã lấn chiếm vỉa hè.
Tại các tuyến đường khác như Nguyễn Sỹ Sách, Hà Huy Tập, Đại lộ Lê Nin, Lê Lợi, Hà Huy Tập, đường Thăng Long, Nguyễn Phong Sắc... hàng trăm hộ dân tự nguyện đập bỏ phần xây trái phép. “Chúng tôi ủng hộ việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, chỉ mong cơ quan chức năng làm công tâm, mọi ngả đường, mọi hộ lấn chiếm đều được xử lý như nhau”, ông Nguyễn Văn Bình, một người dân trú ở phường Hưng Dũng nói.
Trên đường Lê Nin, quán cà phê Phố Đỏ cũng tháo dỡ phần mặt tiền được xây dựng trên vỉa hè. Theo quan sát, phần diện tích được tháo dỡ là bậc tam cấp khung bê tông bao quanh thềm quán, chiều rộng khoảng hơn 1,5m. Đến sáng 17/4, thời điểm thành phố Vinh ra quân xử lý các công trình vi phạm, chủ đã thuê thợ, tháo dỡ toàn bộ công trình nằm trên hàng lang giao thông, hoàn trả vỉa hè cho người đi bộ.
Lực lượng chức năng “giải cứu” vỉa hè trên đường Thăng Long.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Quán Bàu, cho biết: Trong sáng ngày 17/4, lực lượng chức năng của phường này đã tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè của hơn 60 hộ dân. Hầu hết các hộ đều đồng tình, ủng hộ và nhiệt tình phối hợp cùng đoàn tiến hành tháo dỡ các công trình lấn chiếm.
“Sáng nay hơn 20 phường, xã trên địa bàn TP. Vinh đã đồng loạt triển khai kế hoạch phá dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè. Do ngày đầu nên gặp một số khó khăn như lực lượng làm nhiệm vụ mỏng. Một số công trình như di tích lịch sử nằm trong diện lấn chiếm chưa thể tháo dỡ vì còn vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý”, ông Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vinh cho biết.
Người dân tự tay “trả lại” vỉa hè.
Đặc biệt, trong chiều ngày 17/4, đích thân ông Nguyễn Văn Lư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Vinh cùng các lực lượng chức năng có mặt tại các điểm ách yếu trên đường Lê Nin để giải tỏa vỉa hè.
Được biết, đầu tháng 4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo trật tự đô thị, ông Võ Việt Thanh, Bí thư Thành ủy Vinh khẳng định thành phố quyết giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc giải tỏa vỉa hè được thực hiện theo 3 bước: Từ cuối tháng 3 đến 15/4 sẽ tuyên truyền vận động người dân tự phá dỡ; từ 17/4 đến 10/12 tổ chức cưỡng chế và cuối cùng duy trì kết quả, chống tái lấn chiếm...
Nhóm PV.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.